Năm 1942-1943, bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ viết bài thơ “Không ngủ được” với bốn câu thơ: “Một canh… hai canh… lại ba canh/Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh Bác ấp ủ trong giấc mơ của mình đã được chọn là Quốc kỳ- biểu tượng thiêng liêng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa giữa một rừng cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trong sự hân hoan đón chào của nhân dân. Xuyên suốt tiến trình lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, không có ngày vui nào của dân tộc lại thiếu bóng lá cờ đỏ sao vàng.
Cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú.
Thời khắc lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát ngày 7/5/1954 và trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 là dấu mốc chấm dứt sự thống trị của Thực dân Pháp ở Đông dương và Đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng năm cánh là biểu tượng của chiến thắng, là niềm tự hào thiêng liêng của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã thêm một lần nữa khẳng định: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.Tại những nơi phên dậu của Tổ quốc Việt Nam, sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh cùng với cột mốc biên giới là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mang đến cho công dân đất Việt niềm kiêu hãnh tự hào vô bờ bến.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm chăm lo việc xây dựng đất nước thống nhất và bảo vệ bờ cõi chủ quyền của nước nhà ở biên giới và hải đảo. Thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Nhân dịp kỉ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2022) tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cột cờ Tổ quốc và tổ chức lễ thượng cờ trang trọng và ấn tượng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tượng đài Bác Hồ. Có tỷ lệ 1:1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội – nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945, cột cờ Cô Tô là điểm đến của du khách mọi miền khi ra thăm đảo.
Năm 2011, tại đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa, lá cờ Tổ quốc được ghép từ 310.000 viên gốm sứ nặng 3,5 tấn, có kích thước 12,40mx25m, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận “Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam”. Lá cờ Tổ quốc bằng gốm tươi màu vàng đỏ rộng 310m2 là một tác phẩm nghệ thuật có thể nhìn thấu từ khoảng không bao la của vũ trụ tạo điểm nhấn góp thêm sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Những ai đã đến Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) nơi địa đầu cực Bắc sẽ được chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú (còn gọi là đỉnh Long Sơn). Lá cờ có chiều rộng 6m và dài 9m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú có hình bát giác, ở độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển, chiều cao từ chân lên tới đỉnh trên 30m. Các chiến sỹ biên phòng thuộc trạm biên phòng Lũng Cú ngoài tuần tra canh gác giữ vững biên cương còn có nhiệm vụ hết sức cao cả và thiêng liêng giữ cho lá cờ luôn lành lặn tung bay, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta tại nơi phên dậu này. Cũng ở phên giậu phía Bắc của Tổ quốc có Cột cờ Lũng Pô (thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Chiều cao toàn bộ cột cờ là 41m, trong đó phần thân công trình là 31,43m đây là con số tượng trưng cho độ cao của đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà Đông dương. Cột cờ này là điểm đến, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Những ai đã có mặt tại cột cờ và cột mốc cuối cùng đường Hồ Chí Minh tại đất mũi cực Nam Tổ quốc sẽ trào dâng cảm xúc tự hào, tự tôn dân tộc khi đứng trước cột cờ tại đất Mũi Cà Mau được làm theo kiểu dáng của cột cờ Hà Nội. Kiến trúc của cột cờ gồm 3 tầng, phần đế và phần thân cột cờ mô phỏng về cơ bản cột cờ tại thủ đô Hà Nội, có chiều cao khoảng 45m. Công trình có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài để phục vụ khách tham quan du lịch, khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử. Từ trên tầng cao của cột cờ, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng ngập mặn Cà Mau và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của biển trời, non nước. Cũng trong Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau còn có cột mốc giới km 2.436 điểm cuối đường Hồ Chí Minh. (Điểm đầu km 0 tại Pác Bó, Cao Bằng) và cột GPS 0001 mốc tọa độ Quốc gia. Đây là những điểm dừng chân đặc biệt có ý nghĩa của du khách khi đến với cực Nam Tổ quốc.
Một điểm đến lưu dấu nhiều ấn tượng với du khách là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Lý Sơn hấp dẫn bởi đây là kì quan thiên nhiên ban tặng song còn là nơi lưu giữ những kỉ vật, những câu chuyện về Hải đội thuộc triều Nguyễn năm xưa đi cắm mốc, dựng bia, xác lập chủ quyền của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa. Cột cờ tại Lý Sơn được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì phát động sinh viên cả nước đóng góp kinh phí xây dựng trên núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất đảo Lý Sơn. Cột cờ ở đây không to, cao, song đủ bề thế, vững chắc, thể hiện quyết tâm và ý thức trách nhiệm của sinh viên Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Kiến trúc công trình gồm đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Mặt chính đài cột ghi thông tin tọa độ cột cờ, mang dáng dấp cột mốc chủ quyền đất nước Việt Nam. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ. Trong khuôn viên công trình, phía sau cột cờ là 4 bức phù điêu hình ngọn lửa biểu trưng của Hội Sinh viên Việt Nam.
Tổ quốc nơi phên dậu được hóa thân vào lá Quốc kỳ – lá cờ đỏ sao vàng năm cánh mãi là biểu tượng bất diệt, niềm tự hào về dân tộc ta, non sông đất nước ta.