Có một mùa Vu Lan

Nhớ về một rằm tháng Bảy đã rất xa, cả nhà lên chùa. Vợ anh nhận 4 bông hồng cài áo cho cả nhà, 3 bông hồng đỏ và lần đầu tiên anh cài lên ngực mình một bông hồng trắng. Lần ấy, anh thấy mình bơ vơ và có chút tủi thân, như là thế gian này chỉ có mình anh chịu thiệt thòi. Rằm tháng Bảy này, cả nhà lại lên chùa. Lần đầu tiên trên ngực áo vợ cũng là một bông hồng trắng. Hai ánh mắt thoáng gặp nhau, ngập ngừng một chút rồi cùng quay ra nhìn vu vơ, như hai đứa trẻ cùng cảnh, cố giấu đi nỗi niềm…

Ảnh internet.
Thả hoa đăng mùa Vu Lan. Ảnh: Internet

“Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ, để lòng vui sướng hơn…” – ca khúc Bông hồng cài áo nổi tiếng của Phạm Thế Mỹ lấy cảm hứng từ tùy bút cùng tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cứ đến mùa Vu Lan lại làm xao xuyến lòng người. Thiền sư là người đã khởi xướng ra phong tục hoa hồng cài áo vào dịp lễ Vu Lan ở hầu hết các chùa hiện nay, sau một lần ông được người bạn Nhật cài hoa theo phong tục của phương Tây trong Ngày Mẹ (Mother’s Day). Những câu văn của ông cứ đi theo mãi trong đời: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được. Cằn cỗi, héo mòn”.

Nhớ lại cái ngày đã rất xa ấy, mẹ chỉ là người rất tôn trọng những giáo lý nhà Phật chứ không phải là Phật tử và buổi chiều rảnh rỗi thích tha thẩn trong sân ngôi chùa nhỏ cạnh nhà. Mẹ đúng như câu ca dao “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”. Chắc chắn là mẹ chưa hề đọc một câu kinh, nhưng những tư tưởng của nhà Phật đã thấm vào suy nghĩ của mẹ. Nhớ ngày đưa anh đi học, mẹ chỉ dặn mỗi câu, ra đời cái gì cũng cố nhịn một chút, chơi với bạn cũng nhận thiệt về mình một chút mới bền con ạ. Câu nói đó đi theo anh cả đời. Có lẽ vậy nên mẹ rất hợp chuyện với sư bà trụ trì. Thường ngày, hai người rủ rỉ với nhau những chuyện gì anh không biết, chỉ biết rằng sau những chiều như thế, mẹ như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, mắt như sáng hơn, an nhiên tự tại hơn. Khi nghe tin mẹ mất, sư bà tự mình tới nhà làm lễ. Khi làm lễ xong, bà lặng im rất lâu, đến lúc ra về bà chỉ khẽ nói với anh: Mẹ con đã trả xong nghiệp trần rất thanh thản vì bà là người có tâm Phật.

Trước mùa Vu Lan này, anh và chị phải chăm mẹ vợ trong bệnh viện. Những năm cuối đời, bà bị lẫn, sống hoàn toàn bằng những ký ức xưa. Một ngày không biết bao nhiêu lần, anh phải nhẫn nại trả lời bà câu hỏi đã đưa trâu đi uống nước chưa? Rẫy nhà đến mùa bẻ thơm, sao chưa đi bẻ? Khi bà trở bệnh phải vào viện, đi chăm người bệnh mà anh chị có thêm bao nhiêu là bạn cùng cảnh ngộ. Gặp nhau ở hành lang bệnh viện, chia sẻ nhau đủ chuyện, động viên nhau cố gắng chăm mẹ, giúp nhau viên thuốc… Nhóm theo thời gian như những người thân, cùng vui khi người thân của ai được ra về, và cũng có một ngày nghe bạn điện thoại, giọng vỡ òa: Thôi, có muốn cũng chẳng còn được vất vả chăm sóc mẹ nữa rồi bạn ơi… Lại thêm một bông hồng trắng trong lễ Vu Lan.

Mùa Vu Lan lại về, thấy ngưng đọng như câu kết trong tùy bút của Thiền sư: “Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi”.

THỦY NGÂN

Nguồn Báo Khánh Hòa điện tử: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/co-mot-mua-vu-lan-b6241d3/