Như một thứ luật ngầm của làng giải trí, tuyên bố “có tôi thì không có nó” gây ra nhiều ám ảnh đối với rất nhiều nghệ sĩ.
Không phải tới khi vụ lùm xùm giữa nữ diễn viên trẻ Trương Phương và NSND Quốc Anh nổ ra, khán giả showbiz mới nghe tới giai thoại “có tôi thì không có nó” của làng giải trí.
Thậm chí, có những câu chuyện còn ghê gớm và kéo dài hơn thế rất nhiều. Vụ ồn ào giữa Trương Phương – NSND Quốc Anh có thể chỉ là một hiểu lầm hoặc sự cố đáng tiếc và cũng chỉ xảy ra đúng một lần.
Còn có những nghệ sĩ ít tên tuổi hơn, ít sức hút hơn bị chèn ép tới mức không làm nổi nghề bằng thứ luật ngầm kia mới thực sự là đáng sợ!
1 câu chuyện dài về thứ luật ngầm “có tôi thì không có nó”
Nếu để phơi bày một cách trần trụi, e rằng con số những ca đấu đá, tranh giành và chèn ép người khác trong showbiz phải lên tới hàng trăm. Từ đủ mọi thứ nguyên nhân, thứ luật ngầm “có tôi thì không có nó” tồn tại âm ỉ trong showbiz, như một khối u không thể cắt bỏ.
Nguyên nhân phổ biến nhất của sự việc chính là ân oán và xích mích, nhưng đôi khi lại là những chuyện rất đỗi khó tin như… nhìn đáng ghét hoặc được khán giả vỗ tay nhiều hơn chẳng hạn.
Phía sau ánh hào quang sân khấu là vô số những mảng tối, cạnh tranh và luật lệ ngầm
Nhưng dù có là lý do gì đi nữa, hậu quả của chúng để lại đều kinh khủng cả. Sẽ là thảm hoạ cho bất cứ ngôi sao non trẻ nào nếu như nhận được tuyên bố “mời tôi thì đừng mời nó” từ một đàn anh nổi tiếng.
Ghê gớm, bất cần như Phi Thanh Vân cũng từng lao đao suốt 8 năm trời chỉ vì một lời tuyên bố: “Ở đâu có con Vân dẹo, ở đó không có mặt tôi” của một nghệ sĩ lớn. Lý do của tuyên bố hằn học đó, nghe đâu là bởi đàn chị cứ nhìn Phi Thanh Vân là … thấy ghét!
Cả Phi Thanh Vân và Quang Hà đều từng là nạn nhân của thứ luật ngầm “có tôi thì không có nó”.
Quang Hà thủa mới bị huỷ tới 10 show diễn đúng ngày mùng 1 Tết chỉ vì một ca sĩ nổi tiếng tuyên bố “không muốn diễn cùng”. Nguyên nhân, chỉ vì anh được vỗ tay nhiều hơn ca sĩ nọ!
Tuy nhiên, không phải bao giờ những tuyên bố kiểu này đều đạt hiệu quả. Như trong lần Cao Thái Sơn “đụng chuyện” với Kiwi Ngô Mai Trang chẳng hạn. Đơn giản là vì Cao Thái Sơn không phải tên tuổi gì quá lớn khi đó.
Sau tuyên bố “có tôi thì không có Kiwi Ngô Mai Trang”, người ta vẫn thấy cô ca sĩ kia tung tăng đi diễn như bình thường, thậm chí còn được quan tâm nhiều hơn trước..
Cao Thái Sơn và Kiwi Ngô Mai Trang cũng từng một thời không đứng chung sân khấu
Những biến thể của thứ luật ngầm đang tồn tại
Trên thực tế, thứ luật ngầm này luôn tồn tại song hành với làng giải trí. Chẳng phải tới tận bây giờ mà từ thời của Bảo Yến hay xa xôi hơn nữa, kiểu chèn ép tương tự đã luôn xuất hiện.
Bảo Yến kể mình cũng là nạn nhân của một câu chuyện tương tự, với chỉ 1 tuyên bố “con Bảo Yến làm sao có tư cách đi lưu diễn” đã tước đi cơ hội xuất ngoại của cô. Và cô chắc chắn không phải là nạn nhân duy nhất.
Theo thời gian, thứ “luật ngầm” đã trở nên kín đáo, nhẹ nhàng hơn nhưng hiệu quả hơn gấp bội. Thay vì chống nạnh tuyên bố thẳng thừng, showbiz giờ này có nhiều phương pháp êm xuôi hơn.
Quang Dũng và Quách Thành Danh từng có ồn ào “không đứng cùng sân khấu” ít năm trước
Như lần không chấp nhận hát cùng Quách Thành Danh chẳng hạn, lý do đưa ra từ phía Quang Dũng chỉ đơn giản là “muốn hát cùng một ca sĩ nữ cho phù hợp”.
Hoặc như trong vụ ồn ào gần đây giữa Trương Phương – Quốc Anh, lý do mà NSND nổi tiếng đưa ra là “không cùng độ tuổi”.
Nhưng nếu yêu cầu đó không được đưa ra từ phía một ngôi sao có tiếng nói, liệu người làm show có dễ dàng chấp nhận việc cho một nghệ sĩ khác “ra rìa” vô lý?
Và chừng nào showbiz vẫn còn ganh đua và tranh đấu, hơn kém và quyền lực thì thứ luật ngầm “có tôi không có nó” sẽ cứ vẫn còn tồn tại. Bởi nó vốn là một phần xấu xí, nhưng không thể tách rời của làng giải trí.