Một hành động tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại có thể giúp đứa trẻ trở nên cực kì thành công trong tương lai.
Giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Một số cha mẹ đã sử dụng sai phương pháp, luôn cạnh tranh nhau xem con ai xuất sắc hơn. Chính vì vậy, tạo áp lực lớn lên trẻ nhỏ, khiến chúng cảm thấy chán nản và tự ti. Cách nuôi dạy trẻ như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì cuối cùng, điều mọi cha mẹ muốn là thấy con mình thành công và vui vẻ.
Điều cha mẹ muốn là con cái được hạnh phúc và vui vẻ.
Nhờ sự phát triển của khoa học hiện đại, có vô số cách, chiến thuật hiệu quả để nuôi dạy con cái một cách thông minh. Tuy nhiên, vào năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu từ MIT, Harvard và trường đại họcPennsylvania đã tìm ra rằng: điều tuyệt vời nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là những cuộc nói chuyện tâm tình, trao đổi.
Kết quả cho thấy, nếu làm việc này sớm (giai đoạn trẻ từ 4 đến 6 tuổi), sẽ giúp phát triển, nuôi dưỡng và cải thiện kĩ năng được cho là quan trọng nhất để thành công: giao tiếp.
Đã có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo ủng hộ quan điểm này: những đứa trẻ có khả năng giao tiếp tốt sẽ dễ có những mối quan hệ lành mạnh, hôn nhân hạnh phúc, lòng tự trọng và thành tựu hơn những người kém giao tiếp.
Một nghiên cứu khác từ Harvard chỉ ra những người có kĩ năng giao tiếp tốt đa phần là người tranh biện, đàm phán giỏi. Kết quả là: họ biết phải làm gì mang lại lợi nhuận cho đôi bên trong các mối quan hệ, vì thế, họ luôn đem lại thành công cho chính mình.
Sức mạnh của nói chuyện
Những cuộc nói chuyên giữa cha mẹ con cái giúp phát triển kĩ năng giao tiếp ở trẻ.
Cha mẹ thường xuyên trao đổi thông tin với con cái, dù là gián tiếp hay trực tiếp: “Ngồi xuống”, “Nhanh lên, sắp trễ rồi”, “Đừng làm như thế”, “Tốt lắm”,…Tuy nhiên, điều chúng ta cần làm là hãy tâm sự với lũ trẻ.
Để phục vụ cho nghiên cứu, các nhà khảo sát đã cho 36 đứa trẻ chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng để nhận diện sự khác biệt khi não bộ đứa trẻ phản ứng với các cách nói chuyện khác nhau.
Họ phát hiện ra vùng Broca-khu vực có chức năng tạo tín hiệu ngôn ngữ được kích hoạt mạnh mẽ hơn ở đứa trẻ hay có những cuộc nói chuyện sâu với bố mẹ. Những đứa trẻ này thường đạt điểm cao trong các bài kiểm tra ngôn ngữ, ngữ pháp và các kĩ năng mềm.
John Gabrieli-người thực hiện cuộc nghiên cứu chia sẻ: “Điều mới mẻ ở đây, là chúng tôi đã có những bằng chứng đầu tiên, rằng những cuôc trao đổi, nói chuyện với cha mẹ ở nhà giúp phát triển não bộ của trẻ. Thật đáng ngạc nhiên khi những cuộc trao đổi bình thường lại có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng sinh học”.
Khoảng cách giữa địa vị xã hội có ảnh hưởng đến phát triển khả năng giao tiếp?
Cha mẹ từ gia đình có điều kiện thường dành nhiều thời gian trò chuyện với con.
Vào năm 1995, một khảo sát đáng chú ý cho thấy: những đứa trẻ đến từ gia đình có thu nhập cao sở hữu khả năng ngôn ngữ và giao tiếp thành thạo hơn. Việc này khiến mọi người khiến liên tưởng đến một sự thật là: những đứa trẻ này đã tiếp xúc hơn 30 triệu từ trong năm đầu đời so với những đứa trẻ từ gia đình có thu nhập thấp.
Thế nhưng từ kết quả nghiên cứu cho thấy, 30 triệu từ không tạo nên khoảng cách trong việc hình thành kĩ năng giao tiếp. Gabrielli cho biết: “Những cuộc đối thoại mới là thứ tạo nên sự khác biệt, không phải địa vị xã hội. Trong những gia đình thượng lưu, họ dành thời gian để trò chuyện với con cái thường xuyên. Nếu những đứa trẻ từ gia đình thiếu điều kiện được cha mẹ tâm sự, chia sẻ, chúng cũng nhận lại những lợi ích như vậy”.
Phải nói chuyện như thế nào?
Trọng điểm ở đây không phải những cuộc nói chuyện triết lí sâu sắc mà là sự đối thoại đôi bên, có sự tương tác, lần lượt từng người nói và lắng nghe.
Không khó để nói chuyện, chia sẻ với nhau nhưng lợi ích việc này mang lại là lâu dài. Trò chuyện giúp phát triển khả năng giao tiếp, một trong những kĩ năng quan trọng để đạt thành công trong cuộc sống. Hãy bỏ ra chút thời gian mỗi ngày để chia sẻ, nói chuyện với con cái, việc này rất đơn giản nhưng đổi lại là thành công của con bạn.
theo CNBC