“Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”

Quá trình tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bên cạnh nhiều góp ý với tinh thần xây dựng, cũng xuất hiện một số ý kiến lợi dụng việc này để xuyên tạc, gây rối, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm”, phức tạp liên quan đến đất đai nhằm thực hiện mưu đồ chống phá đen tối. Những vị “trạng nổ” được Việt Tân, RFA, VOA thuê viết bài để lái người dân theo “ý chí” của chúng như đả phá quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cố tình xuyên tạc mục đích tốt đẹp của việc sửa đổi Luật Ðất đai nói riêng và các bộ luật khác của Việt Nam nói chung.

Trang facebook Việt Tân cố tình xuyên tạc mục đích tốt đẹp của dự thảo Luật đất đai sửa đổi mà Nhà nước ta đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật, trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và Nhân dân đã khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân.Những “trạng nổ” được Việt Tân, RFA, VOA thuê viết bài nhằm hướng lái người dân tới quan điểm theo “ý chí” của chúng như đả phá quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cố tình xuyên tạc mục đích tốt đẹp của việc sửa đổi Luật Ðất đai nói riêng và các bộ luật khác của Việt Nam nói chung. Hoặc cho rằng Dự thảo Luật lần này là một sản phẩm “chắp vá”, là có tính “lợi ích nhóm”. Chúng bịa đặt rằng, việc “lấy ý kiến góp ý” cho dự thảo này chỉ là “hình thức”, là “chiêu bài mị dân”, hay “đâu lại hoàn đấy” vì bản chất của Luật không thay đổi. Thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá là lợi dụng mạng xã hội, các trang thông tin, báo điện tử, lập những nick ảo, tài khoản giả mạo để tham gia “bình luận”, “chia sẻ” những thông tin, bài viết liên quan đến các vụ việc về đất đai nhằm phát tán thông tin sai lệch, tiêu cực, kích động gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong cộng đồng. Ngoài ra, chúng liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến “câu chuyện” đất đai, xới lại những vụ việc đã xảy ra từ lâu, những sai phạm về thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng…; dùng hiện tượng làm lu mờ bản chất, tạo nên cái nhìn tiêu cực, lệch lạc, nhằm gây ác cảm trong xã hội đối với việc góp ý dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Từ đó hướng lái người dân không tham gia góp ý, bất hợp tác, không tin tưởng vào việc lấy ý kiến xây dựng Luật.Thực tế, Luật Đất đai 2013 đã qua 10 năm, trong khi thực tiễn biến đổi không ngừng, nên việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu tình hình mới nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển là hết sức cần thiết. Việc lấy ý kiến vào dự thảo Luật đã tập trung vào những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất… Đó là những vấn đề cốt lõi, cho thấy những vấn đề thực tiễn đặt ra đã được các nhà soạn thảo luật đưa vào để lấy ý kiến tiếp tục hoàn thiện một cách hết sức nghiêm túc. Trên thực tế, việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi Luật Ðất đai không chỉ là một đạo luật quan trọng, là văn bản pháp lý cao nhất trong quản lý Nhà nước về đất đai nên có mối quan hệ và tác động sâu sắc đến việc phát triển kinh tế – xã hội, liên quan nhiều quy định pháp luật khác. Do vậy, Luật càng có chất lượng khi có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, đó cũng chính là biểu hiện rõ nét về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vậy, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai hay bất cứ văn bản nào của Nhà nước cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam chứ không thể theo lối “vô tội vạ” kiểu “xướng ca vô loài” hay “nói phét”, mang tư tưởng “nói quàng, nói xiên”; lợi dụng việc góp ý nhưng lại mang tư tưởng bất mãn, chống đối chính quyền như toan tính của các thế lực thù địch và các phần tử phản động như đã nêu ở trên.Thời gian tới, để góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng xây dựng Luật đáp ứng yêu cầu mới, một mặt cần tăng cường thông tin chính thống, kịp thời có sự định hướng đúng đắn về những kết quả góp ý, giải đáp thắc mắc, phản hồi những bức xúc đặt ra; mặt khác, cần chú ý tăng cường định hướng thông tin, truyền thông vạch trần mưu đồ chống phá đen tối của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ hoặc lợi dụng việc góp ý để phá hoại việc xây dựng Luật, xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, kích động gây rối.

Liêm Đức

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/biet-thi-thua-thot-khong-biet-thi-dua-cot-ma-nghe/191987.htm