Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phản hồi vụ người cha “tố” bác sĩ chẩn đoán sai khiến con trai 13 tuổi chết oan

ava XH

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khẳng định bé chỉ chấn thương phần mềm chứ không gãy xương như chẩn đoán ban đầu.

Ngay sau khi chúng tôi đăng tải bài viết về những mảnh giấy ghi lại nét chữ nguệch ngoạc của bé trai 13 tuổi tâm sự với cha trước khi mất và câu chuyện đi tìm lại công lý cho con trai của anh Mai Đức Tín (49 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), phía bệnh viện liên quan đã có những phản hồi về vụ việc.

Theo đó, anh Tín đã gửi đơn cầu cứu đến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về việc bé K. (13 tuổi) con trai anh tử vong là do bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chẩn đoán không chính xác tình trạng bệnh từ ban đầu nên mới gây ra cái chết oan uổng cho bé.

Trao đổi trực tiếp với chúng tôi ngày 30/8, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xác nhận có điều trị cho bé K. vào tháng 6/2019.

matcon-2

Anh Mai Đức Tín, cha bé K. gửi đơn cầu cứu đến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Hồ sơ ghi nhận có gãy xương, Phó Giám đốc bệnh viện nói không?

Chia sẻ với phóng viên, Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nơi đây mới chỉ nắm thông tin bé K. tử vong sau khi nhận đơn của anh Tín gửi cho báo chí. Gia đình bệnh nhi không phản ánh trực tiếp sự việc đến BV.

Hồ sơ bệnh án ghi nhận vào ngày 12/6 bé M.T.K bị xe tải tông, đau vùng hông lưng phải và tỉnh táo. Bệnh nhi được đưa vào BV Đại học Y Dược Shing Mark (TP Biên Hòa) thăm khám, chụp X-Quang chẩn đoán bé gãy trật xương chậu rồi chuyển lên bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai (BV NĐĐN).

maatcon-9

Giấy chuyển tuyến của Bệnh viện Shing Mark ghi rõ chẩn đoán bé K. bị “gãy trật xương chậu”.

matcon-6

Giấy chứng nhận phẫu thuật ghi bị “đụng dập vùng chậu hông 2 bên” mà BV NĐĐN cấp cho bệnh nhân.

Tại đây bé được nhập khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, ghi nhận có đau hố chậu phải kèm sốt. Theo dõi 2 ngày các bác sĩ thấy bé có diễn tiến đau nhiều, bạch cầu tăng cao và nhiễm trùng nên nghĩ đến bệnh cảnh viêm ruột thừa.

Bệnh nhi được chỉ định mổ cắt ruột thừa nội soi. Sau phẫu thuật bé hồi tỉnh, được rút nội khí quản. Tuy nhiên sau đó bé tím tái, lơ mơ và lâm dần vào ngưng tim vào nửa đêm 15/6.

matcon-3

Tại BV NĐĐN, bé được chẩn đoán viêm ruột thừa sau khi theo dõi 2 ngày.

Lúc này bé tiếp tục được cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn khoảng 30 phút. Bé có tim trở lại nhưng sau đó tổn thương đa cơ quan, quá khả năng điều trị.

“Bệnh nhi điều trị tại BV hai ngày nữa. Đến ngày 17/4 gia đình xin chuyển tuyến. Vì bệnh nặng nên BV tạo điều kiện cho bệnh nhân chuyển viện vượt tuyến để hưởng bảo hiểm y tế” – bác sĩ Nơi nói.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao BV tuyến dưới chẩn đoán bé K. bị gãy trật xương chậu, cũng như bé liên tục than đau bụng nhưng BV vẫn cho nằm theo dõi đến 2 ngày, bác sĩ Nơi giải thích:

matcon-4

Đến ngày 17/6, gia đình xin chuyển bé lên tuyến trên.

Những ngày đầu chưa có dấu hiệu rõ ràng nên chỉ nghĩ đau do chấn thương khung chậu. Sau đó chỗ đau khu trú tại ruột thừa mới nhiều hơn.

BV cũng đã cho bệnh nhân siêu âm đại tràng, ruột, gan, lách và kết quả không có gì bất thường. Do phía BV Shing Mark vừa chụp hình X-Quang cho bé nên nơi này không chụp lại.

“Gãy là tổn thương xương nhưng trên phim chỉ thấy đụng dập là tổn thương phần mềm. Bệnh nhân không gãy trật xương như chẩn đoán ban đầu từ BV Shing Mark” – đại diện BV giải thích.

Tuy nhiên điều Phó Giám đốc BV khẳng định lại mâu thuẫn với tóm tắt bệnh án mà chính ông cung cấp cho phóng viên.

Cụ thể, trong báo cáo BV gởi đến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về vụ việc nêu rõ chẩn đoán lúc ra viện vào ngày 17/6 là viêm ruột thừa xung huyết/chấn thương khung chậu: Gãy mào chậu phải, gãy khớp cùng chậu phải, sốc vagal, tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.

matcon-8

Kết quả siêu âm tại BV NĐĐN các bác sĩ không phát hiện bất thường.

Trong khi đó, giấy chứng nhận phẫu thuật mà BV cấp cho gia đình bé K. khẳng định bé chỉ bị “đụng dập vùng chậu hông 2 bên” (tức là tổn thương phần mềm).

Bác sĩ Nơi cũng thừa nhận không kịp thông báo và chưa giải thích việc cấp cứu ngưng tim ngưng thở sau phẫu thuật mổ ruột thừa cho bé K. với gia đình.

“Nói bé bị viêm ruột thừa là chống chế”

Khi được hỏi nguyên nhân chính xác vì sao bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, nhiễm nấm, tổn thương đa cơ quan nặng và tử vong sau 38 ngày điều trị tại BV tuyến cuối, bác sĩ Nơi cho biết chưa kể kết luận được.

Ngày 3/9, bệnh viện sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để kiểm tra sự việc.

matcon-7

Bác sĩ Nơi khẳng định chấn thương từ tai nạn ban đầu của bé K. ít nhiều liên quan đến cái chết của bệnh nhi.

Dù vậy, bác sĩ Nơi thừa nhận chấn thương từ tai nạn ban đầu của bé K. có liên quan đến cái chết của bệnh nhi.

“Chấn thương sẽ gây tổn thương đến một số bộ phận của cơ quan, ví dụ như máu tụ hay trật khớp… Ít nhiều cũng có ảnh hưởng. Chấn thương của bệnh nhân là chấn thương phần mềm, không gãy.

Tôi chỉ nhìn thấy và mô tả trên hồ sơ bệnh án chứ chưa họp hội đồng chuyên môn nên chưa thể nhận định đúng hay sai. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ báo lên Sở Y tế ngay” – bác sĩ Nơi khẳng định.

Để hiểu rõ hơn tình trạng của bệnh nhi thời điểm ban đầu, phóng viên liên hệ một bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình có nhiều năm kinh nghiệm.

matcon-5

Ảnh chụp X-quang của bé K.

Sau khi xem các chẩn đoán lâm sàng và phim chụp X-Quang, vị bác sĩ khẳng định chắc chắn bệnh nhi này có tổn thương gãy xương.

“Nói bé bị viêm ruột thừa là chống chế, vì viêm ruột thừa sau chấn thương khung chậu là vô cùng hy hữu. Khả năng cao là bé đã gãy xương và bị thủng tạng rỗng gây nhiễm trùng viêm phúc mạc. Xét nghiệm lâm sàng có giá trị trong trường hợp này là siêu âm và chụp CT.

Đây là ca tương đối phức tạp, vì trẻ em còn sụn tăng trưởng ở các đầu xương gần các khớp xương. Do đó nếu không phải bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình có kinh nghiệm thì nhìn phim X-Quang rất khó nhận ra tổn thương khung chậu”– bác sĩ phân tích.

Cũng theo bác sĩ này, bị xe tải tông vào người là năng lượng chấn thương lớn. Bệnh nhân là trẻ em thì chấn thương sẽ càng nặng hơn.

matcon-10

Những dòng chữ nguệch ngoạc bệnh nhi dùng để giao tiếp với cha mẹ khi còn điều trị.

Do đó khi tiếp nhận bệnh nhân trong bệnh cảnh này, bác sĩ điều trị cần nghĩ ngay đến một trường hợp nặng, diễn tiến lâm sàng khó lường.

Cần chỉ định các xét nghiệm, thử máu, siêu âm và theo dõi liên tục chặt chẽ mỗi 6 giờ để kịp thời phát hiện tình trạng bất thường và can thiệp ngay. Nếu không có khả năng xử trí, phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên.

* Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.