Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Cường Thạch, Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm – Da liễu, Bệnh viện Quân Y 4 chia sẻ về các biện pháp phòng chống say nắng, say nóng cần biết trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay…
Các biện pháp phòng say nắng, say nóng trong mùa hè:
Khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:
– Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng.
– Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu, quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm…
– Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.
– Uống thêm nước. Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày. Có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.
– Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 – 15 phút.
– Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Có thể uống khoảng 700ml nước vào thời điểm hai giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập. Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.
– Thay đổi hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời trong những ngày nắng nóng. Nên đổi thời gian hoạt động ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ nhất trong ngày như sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.
– Tránh các đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn.
– Hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng. Tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
– Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Hà Thư
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/multimedia-plus/cac-bien-phap-phong-chong-say-nang-say-nong-trong-mua-he-d193799.html