Xét nghiệm sán lợn gây hoang mang vô nghĩa, đây mới là việc cần làm khi nghi ngờ nhiễm sán

“Kết quả xét nghiệm dương tính với giun sán không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Không nên làm ầm ĩ vấn đề về giun sán khiến cho người dân thêm hoang mang”, bác sĩ Khanh nói.

Kết quả dương tính với giun sán là hết sức bình thường

Tính đến ngày 17/3, ghi nhận có 1.700 trẻ ở Bắc Ninh được xét nghiệm, 124 cháu có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn. Kết quả xét nghiệm trên khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh thêm lo ngại.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ chuyên gia chuyên về truyền nhiễm bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi khẳng định việc làm xét nghiệm cho trẻ trong trường hợp này là không cần thiết, dù kết quả xét nghiệm có dương tính cũng là bình thường.

Việc làm xét nghiệm máu để tìm xem trẻ có nhiễm giun sán hay không, là hoàn toàn vô nghĩa. Đa số khi giun, sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể người tự thải ra. Nhưng khi làm xét nghiệm vẫn dương tính do kháng thể còn tồn tại nhưng trong người không còn giun.

Xét nghiệm sán lợn gây hoang mang vô nghĩa, đây mới là việc cần làm khi nghi ngờ nhiễm sán - Ảnh 1.

Nghi ngờ ăn phải thịt lợn nhiễm sán nên tẩy giun sán, khi có triệu chứng lâm sàng mới cần làm xét nghiệm, ảnh minh họa.

“Trẻ đang nhiễm giun, đã từng nhiễm giun, nhiễm giun nhưng đã hết xét nghiệm kết quả vẫn dương tính”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Trong trường hợp có bị nhiễm, nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng không phải điều trị. Nếu lo lắng chỉ cần uống thuốc xổ giun sán thêm.

Chỉ bệnh nhân có triệu chứng ký sinh trùng di chuyển lạc chỗ dưới da (nổi sấn, nổi cục), vào não (co giật, hôn mê, yếu liệt chi, đau đầu)… và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng mới cho chỉ định xét nghiệm.

“Việc xét nghiệm là không cần thiết vì không giải quyết được vấn đề là tìm được nguồn gây bệnh, làm chỉ thêm rối và hoang mang.

Ở đây mục tiêu xét nghiệm để điều trị đã không có vì hiện trẻ không có triệu chứng bệnh. Xét nghiệm nếu có dương tính hay không dương tính cũng không có giá trị gì.

Nếu xét nghiệm để xác định có phải nhà trường cho trẻ ăn thịt hay không cũng không có giá trị vì không biết trẻ bị hồi nào. Trẻ có thể nhiễm giun sán từ trước khi đi nhà trẻ và nhiễm từ rất nhiều nguồn không chỉ ăn thịt mà có thể nhiễm từ chó, mèo, ăn rau…”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Nếu nghi ngờ nhiễm giun sán việc nên làm

Bác sĩ Khanh cho biết, nghi ngờ ăn phải thức ăn có thể nhiễm giun sán thay vì việc đi làm xét nghiệm thì nên uống thuốc xổ giun sẽ không còn lo lắng gì. Thuốc tẩy giun sán có thể dùng như: albendazol, mebendazol, pyrentel. Nếu nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol.

Giun, sán có mặt ở khắp nơi trên thế giới nhất là ở các vùng có tập tục chưa đảm bảo vệ sinh. Tại Việt Nam giun, sán có mặt ở hầu hết các tỉnh, riêng sán lợn theo số liệu thống kê ghi nhận có 55 tỉnh lưu hành bệnh sán lợn.

“Giun sán thì có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật cho nên vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng nhưng cũng khó mà tránh. Cách phòng giun duy nhất và hiệu quả là ăn sạch, uống sạch, rửa tay sạch và tẩy giun theo định kỳ”, bác sĩ Khanh nói.

Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác

– Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người để thải ra môi trường nhằm “nhân giống”.

– Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi “lỡ” đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, thường ở da.