Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống

(Tổ Quốc) – Hai anh em trai ở Trà Vinh, đứa lên 3, đứa đã tròn 5 nhưng chẳng biết nói chuyện, chỉ quanh quẩn suốt ngày cạnh những ngôi mộ gần căn chòi xập xệ. Không tiền bạc, giấy khai sinh, dù bệnh tật nhưng 2 đứa trẻ không thể đến bệnh viện để điều trị.

Cuộc sống bên những ngôi mộ của 2 đứa trẻ nhỏ

Từ ngày cất tiếng khóc chào đời, Võ Quốc Việt (5 tuổi) và Võ Quốc Hào (3 tuổi) vẫn chưa một lần nói được tiếng Việt, cuộc sống của 2 đứa trẻ chỉ quanh quẩn trong những ngôi mộ gần nhà, miếng cơm, manh áo đều được bà con lối xóm thương tình trợ giúp.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 1.

2 đứa trẻ chơi đùa bên cạnh những ngôi mộ gần nhà, chẳng dám đi ra ngoài vì sợ lạc đường.

Nhắc đến hoàn cảnh của 2 anh em, những người dân tại Khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đều không khỏi thương xót. Dù có đầy đủ bố mẹ nhưng 2 đứa trẻ lại sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề, ngay cả giấy khai sinh cũng chẳng có.

Mỗi ngày, chị Kiều đi bộ hàng km quanh chợ, nhà dân để xin ve chai. Cách vài ngày bán được 40 – 50 ngàn đồng để lấy tiền mua gạo cho nuôi con.

Tìm đến căn nhà xập xệ nằm sâu trong khu gò mã, chúng tôi gặp chị Mai Thúy Kiều (mẹ của Việt, Hào) đang đi nhặt ve chai về. Dù chỉ mới 26 tuổi nhưng chị Kiều trông khá già dặn…, vừa thấy con, chị Kiều vội bỏ bao ve chai xuống, ôm choàng lấy Việt, Hào. 2 đứa trẻ nũng nịu bên cạnh mẹ, ngây ngô. Cách đó vài bước chân, anh Võ Ngọc Sang (29 tuổi, chồng chị Kiều) nhìn 3 mẹ con, cười ngượng nghịu.

2 đứa trẻ ngồi trong căn nhà vắng, đợi mẹ làm xong việc vào nấu cơm trưa.

Dù đã sống cùng nhau hơn 6 năm nhưng anh Sang, chị Kiều chưa đăng ký kết hôn, đặc biệt 2 đứa con cũng không có giấy khai sinh vì giấy chứng sinh đã mất. Cái chòi xập xệ mà cả gia đình 4 người nhà chị Kiều đang ở được cất tạm trên đất người khác.

Ngồi bẽn lẽn một góc, chị Kiều thỏ thẻ: “Em không có biết chữ, học đến lớp 3 là nghỉ rồi, mấy đứa nhỏ này không có gì cả, chồng em nó cũng vậy, không biết làm sao cả”.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 4.

Chị Kiều cho biết vì thương anh Sang nên cả 2 dọn về ở chung, không đăng ký kết hôn, 2 đứa trẻ chào đời nhưng đến nay vẫn chưa làm được giấy khai sinh.

Theo chị Kiều, việc giấy tờ không có, cả 2 vợ chồng đều ít học, nên dù 2 đứa con đã 3, 5 tuổi nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh, cuộc sống gia đình luôn rơi vào cảnh “bữa đói, bữa no”.

“Em đi nhặt ve chai, còn chồng em ai kêu gì làm nấy, không biết tính sao nữa, mấy đứa nhỏ không nói chuyện được, chỉ bập bẹ được vài câu thôi”, chị Kiều thỏ thẻ.

Ít được giao tiếp nên 2 đứa con của anh Sang chỉ biết khóc, cười, không nói chuyện được, chỉ bập bè được vài từ đơn giản.

Ôm 2 đứa con vào lòng, anh Sang xúc động khi bản thân làm bố nhưng lại không lo lắng được cuộc sống đủ đầy cho 2 đứa con. Công việc bấp bênh từ phụ hồ, ai mướn thì nhận việc khiến anh chỉ có thể xoay xở được cơm ngày 3 bữa, riêng việc chữa bệnh, lo ăn học cho 2 đứa nhỏ vẫn là điều anh day dứt, chưa biết khi nào thực hiện được.

Hào (3 tuổi) mỗi khi đói bụng thường khóc thét, trong khi Việt thì lầm lì, con cũng thường xuyên bị bệnh đường ruột nhưng chưa được chữa trị.

Bệnh tật nhưng chỉ uống thuốc xin ngoài chợ vì không có tiền

Ngồi một góc trên gò mã, Hào – Việt chơi đùa với nhau, chốc chốc lại òa lên khóc vì đói bụng. So với những đứa bạn cùng trang lứa đã được bố mẹ cho đi nhà trẻ thì Hào – Việt vẫn chưa nói được chữ rành rọt, 2 đứa trẻ mới bập bẹ gọi bố, mẹ, suốt ngày im thin thít rồi lặng lẽ chơi đùa cùng nhau.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 7.

Chị Kiều cho mấy đứa trẻ viên kẹo xin được ngoài chợ, Hào ngoan ngoãn chia quà của mẹ cho anh.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền đi bệnh viện do mất giấy chứng sinh nên khi con tái phát bệnh, chị Kiều chỉ biết đi ra chợ xin thuốc về cho con uống cầm cự.

Theo anh Sang, bé Việt (5 tuổi) bị bệnh đường ruột từ nhỏ, liên tục bị tiêu chảy nhưng cả 2 vợ chồng không dám đưa đi bệnh viện vì không có tiền. Có đau ốm, sốt cao đến đâu cũng chỉ biết ra ngoài chợ “xin thuốc” để về cho 2 đứa con uống.

“Tụi nó không có giấy khai sinh, đi viện tốn nhiều tiền lắm, nhà không có tiền đâu. Thương con lắm”, anh Sang ngần ngại nói.

Là trụ cột gia đình nhưng anh Sang không có công việc ổn định, ai kêu gì làm nấy.

Nép mình vào người bố, Việt đưa đôi mắt to tròn nhìn anh Sang. Đã 5 tuổi, con vẫn chưa thể cảm nhận hết nỗi đau đớn mà bản thân con phải chịu đựng mỗi khi bệnh tái phát.

“Thằng bé tội lắm, nó với thằng Hào cứ ở nhà chơi với nhau, em đi lượm ve chai về là quấn lấy em. Em cũng muốn chữa bệnh cho con, đưa con đi bệnh viện mà không được. Cũng may ở chợ mọi người thương mua thuốc cho uống chứ không thì…”, chị Kiều buồn bã nói.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 10.

Việt (5 tuổi) nhưng chưa nói chuyện được với mọi người, con mắc chứng chậm phát triển và đường ruột, tiêu chảy thường xuyên.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 11.

Căn nhà nhỏ rộn rã tiếng nói cười hơn khi 2 đứa trẻ xuất hiện, có điều cái nghèo khổ vẫn bám víu tổ ấm của 2 vợ chồng.

Bên trong căn nhà tạm bợ của 2 vợ chồng chẳng có lấy một vật dụng đáng giá, cái ghế dựa cũ đều được chị Kiều đi nhặt ve chai rồi xin về dùng. Sinh được 2 đứa con là niềm hạnh phúc vô bờ của chị Kiều nhưng việc chăm sóc, lo lắng cho tương lai của 2 đứa nhỏ vẫn là điều mà bản thân chị cùng chồng đau đáu trong lòng.

“Mọi người bảo em khờ nhưng em thương con, chồng em cũng không như chồng người ta, nhưng em thấy hạnh phúc. Em chỉ muốn có tiền để lo cho con, đi khám bệnh mà thôi…”, chị Kiều ngập ngừng rồi nói tiếp.

“Em không đẻ nữa đâu, đẻ rồi không nuôi nổi, tội con em”.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 12.

Dù thương vợ con nhưng anh Sang chẳng biết cách nào để kiếm tiền, xoay xở thuốc men để chữa bệnh…

Trong căn nhà nhỏ, 4 người gia đình chị Kiều ngồi sát lại với nhau, 2 đứa trẻ Việt – Hào vẫn vô tư chơi đùa với nhau. Có lẽ, mong muốn lớn nhất của vợ chồng chị Kiều – anh Sang là có tiền để đi bệnh viện khám bệnh, làm được giấy tờ khai sinh để 2 đứa trẻ không phải sống trong cảnh “không tên tuổi” như cái cách mà những người hàng xóm trêu đùa.

Vẻ hồn nhiên, ngây ngô của 2 đứa trẻ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình chị Kiều, chú Huỳnh Tấn Bằng (hàng xóm) tâm sự: “Nhà mấy đứa đó khổ lắm, tui có gì cũng mang qua cho. Hôm trước thằng lớn bị sốt mà không đưa đi bệnh viện tui phải chở ra hiệu thuốc để khám, vợ chồng nó khờ khạo quá, chỉ tội mấy đứa nhỏ chẳng được như con người ta. Mong là ai đó giúp đỡ để tụi nó bớt khổ”.

Xót cảnh 2 đứa trẻ sống cạnh những ngôi mộ, chẳng biết nói chuyện, ngày ngày đợi mẹ khờ đi xin thuốc về uống  - Ảnh 14.

Căn nhà trống, 4 con người nương tựa vào nhau, chỉ mong có một phép màu giúp gia đình Hào – Việt bớt khổ…

Cũng vì ít học, lại không có đất, có nhà, nên cuộc sống của gia đình chị Kiều luôn rơi vào cảnh bế tắc. Dẫu cho tình yêu thương dành cho con cái của 2 vợ chồng không hề thua kém bất cứ ai.

Hy vọng rằng gia đình chị Kiều sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý độc giả gần xa để có tiền chữa bệnh cho 2 đứa con. Đồng thời, về mặt thủ tục giấy tờ khai sinh sẽ được quan tâm, hỗ trợ khi giấy chứng sinh đã không còn nữa.

Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Kiều: 0706869106.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1014293819.

Chủ tài khoản: Mai Thúy Kiều, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.

Để biết thêm hoàn cảnh của gia đình chị Kiều, quý độc giả có thể liên hệ chú Huỳnh Tấn Bằng: 0976960280.

Xin chân thành cảm ơn! 

 

 

Văn Tiên

Nguồn Trí Thức Trẻ http://ttvn.toquoc.vn/xot-canh-2-dua-tre-song-canh-nhung-ngoi-mo-chang-biet-noi-chuyen-ngay-ngay-doi-me-kho-di-xin-thuoc-ve-uong-22020460022519.htm