Cuộc tranh cãi
Mới đây, bản tin “Điểm tuần: Nỗi sợ mùa dịch của VTV24” phát vào trưa 31/07 đã gây xôn xao dư luận với đoạn nhận định so sánh “não thú – não người” do BTV – MC Sơn Lâm dẫn dắt.
Với chủ đề “nỗi sợ”, Sơn Lâm cho biết từ thời nguyên thủy con người ai cũng có những nỗi sợ và thường những nỗi sợ ấy đều có mục đích tích cực khi giúp người ta tránh khỏi các hành vi làm hại chính mình.
Anh còn dẫn còn đưa lý thuyết của nhà thần kinh học Paul McLean viết năm 1960 để nhận xét về tình huống này: “Họ không sợ Covid-19 thì phải? Nếu nghĩ rằng họ không sợ thì e rằng chưa được xác đáng. Để hiểu rõ hơn, có lẽ ta phải nhìn vào cấu tạo bộ não của con người. Về cơ bản thì bộ não con người có thể chia làm 3 phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ 2 là não thú và phần thứ 3 là não người. Nỗi sợ ở 3 khu vực này cũng có điểm khác biệt riêng.
– Ở phần não bò sát, nỗi sợ sẽ biến thành hành động một cách bản năng, ngay lập tức và vô điều kiện. Ví dụ: nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn.
– Ở phần não thú, nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc. Ví dụ: ở nhà chán quá, hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào.
– Và cuối cùng, ở phần não người, nỗi sợ giờ sẽ đi kèm với tư duy trừu tượng, với ý thức, với trách nhiệm, với những mối nguy có thể có trong tương lai.
Tóm lại, mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối phó với Covid-19. Bởi thế nên mới có người ở nhà và cũng có người ra ngoài không có lý do chính đáng”.
Phần phân tích của BTV Sơn Lâm nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều, trong khi không ít người đồng tình với VTV, cho rằng sự gay gắt này là hợp lý trong tình hình dich Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, thì số còn lại cho rằng nhà đài không có quyền phỉ báng công dân khi khẳng định họ đang sử dụng “não thú”, “não bò sát”.
Chúng ta đang thiếu tỉnh táo trong tranh luận?
Sự xuất hiện của mạng xã hội khiến những vấn đề thời sự ngày càng dễ dàng được công chúng, đặc biệt là cư dân mạng quan tâm, bàn luận. Điều này tạo ra không gian tranh biện, góp phần phản biện xã hội cũng như khắc phục các vấn đề còn tồn tại.
Thông qua các cuộc tranh luận, nhiều vấn đề nóng đã được giải quyết và đưa ra ánh sáng. Điển hình như câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” hàng tỷ đồng tiền từ thiện, hoặc các nghệ sĩ phải đăng tải lời xin lỗi sau những quảng cáo sai sự thật, thiếu thuyết phục…
Thế nhưng, văn hóa tranh luận trên mạng xã hội tại Việt Nam cũng đang bộc lộ những lỗ hổng khi quá sa đà vào bề nổi và sự “thắng – thua”. Hầu hết cư dân mạng đều không nhìn vào bản chất vấn đề, hoặc không tìm kiếm đầy đủ thông tin trước khi bình luận. Tâm lý hiếu thắng làm họ thường đưa ra nhận xét ngay sau khi chỉ chứng kiến một hình ảnh, một dòng title hoặc một thông tin đơn lẻ. Thậm chí nhiều cư dân mạng còn đang nhầm lẫn giữa tranh biện xã hội và “ném đá”, công kích cá nhân, không mục đích.
Nhìn lại scandal của VTV, dễ thấy phần lớn cả phía bênh vực lẫn phê phán BTV Sơn Lâm đều không coi trọng giả thuyết chương trình đặt ra, mà chỉ tập trung vào phần nổi – đó là ngôn từ “não bò sát”, “não thú”. Trong khi đó, ít ai dành thời gian xem đầy đủ tổng thể cả chương trình, và tìm hiểu về giả thuyết “bộ não 3 trong 1” mà Sơn Lâm đưa ra.
Lý thuyết này lần đầu được Paul MacLean – một bác sỹ tập trung vào lĩnh vực khoa học thần kinh giới thiệu đến công chúng vào năm 1990 (ông viết năm 1960). Những nghiên cứu của ông về lý thuyết về bộ não ba ngôi được mô phỏng chi tiết trong cuốn sách có tựa đề “Bộ não Triune trong sự tiến hóa”.
Trên thực tế, giả thuyết này là một lý thuyết có thật về 3 hệ thống của bộ não, có tên tiếng Anh là Thuyết não “Triune”, hay “Three Brain theory”. Theo đó, một cấu trúc não thông thường được chia thành 3 hệ thống, gồm “não bò sát”, “não cảm xúc”, và “não hợp lý”. Tuy sau đó gặp phải nhiều phản đối, nhưng lý thuyết của Paul MacLean đã tạo ra nhiều ảnh hưởng với giới khoa học trong nhiều thập kỷ. Và trên thực tế, ngày nay giả thuyết này vẫn được sử dụng như 1 cách đơn giản, dễ hiểu nhất để lý giải về hành vi của con người.
Dù có cơ sở khoa học, nhưng cũng phải nói rằng: Cách trích dẫn, cài cắm thêm thông tin nhằm tăng độ hấp dẫn cho chương trình là quen thuộc đối với nhiều hãng thông tấn trên thế giới, mặc dù vậy, việc VTV sử dụng nghiên cứu này để bình luận lại không hoàn toàn phù hợp với văn hóa Việt Nam, và do đó, việc chương trình này bị “ném đá” là điều khó tránh khỏi.
Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, giảng viên Khoa Báo chí, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông cho rằng: “Công chúng đã vội vã khi kết luận câu chuyện VTV “sỉ nhục” công dân. Mặc dù vậy, là người làm truyền thông, VTV cũng nên nhìn nhận lại khi đưa ra những thông tin gây khó hiểu, khiến đám đông hiểu lầm, hiểu sai, trong khi thông điệp cần truyền tải lại không được nhấn mạnh”.
Thông qua câu chuyện “não người – não thú”, lỗ hổng văn hóa tranh luận trên mạng xã hội một lần nữa được đặt ra, khi mà trong các bình luận, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ở những người tham gia, đó chính sự hiếu thắng, không tôn trọng người đối thoại. Tuyên bố bênh vực thiếu tính thuyết phục của MC Trần Ngọc sau đó cùng sự quá đà của cư dân mạng trong việc “ném đá” BTV Sơn Lâm càng khiến câu chuyện này không thể đi tới hồi kết.
Bình luận tỉnh táo, có trách nhiệm với xã hội hay cảm tính, đi theo cái nhìn bề nổi, đó là sự lựa chọn của mỗi chúng ta trước khi nhấn “enter” một bình luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong thời đại internet, mỗi “comment” sẽ đều soi chiếu trình độ và tri thức của những người viết ra chúng.
Theo Thanh Vân (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/van-hoa-tranh-luan-tren-mang-xa-hoi-nhin-tu-cau-chuyen-nao-nguoi-nao-thu-cua-vtv-d162450.html