Trục xuất, cô lập và chỉ điểm: 5 triệu người Vũ Hán bị săn lùng ráo riết trên chính đất nước mình vì mối hiểm hoạ virus corona

Giới chức liên tục tìm kiếm và khuyến khích người dân báo cáo nếu phát hiện những người Vũ Hán đã rời khỏi tâm dịch trước khi dịch bệnh bùng phát, họ phải chịu sự kì thị của chính những người cùng đất nước kể cả khi không có triệu chứng nhiễm virus corona.

Có người đã bị các khách sạn lần lượt từ chối sau khi xuất trình thẻ căn cước, có người lại bị dân làng đuổi đi, người khác sau khi đăng kí thông tin với chính quyền thì phát hiện những thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của mình bị rò rỉ trên mạng. Tất cả họ đều là những công dân đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch do virus corona mới (nCoV) khiến hàng trăm người tử vong và khiến cả thế giới phải lo sợ. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người bỗng chốc lâm vào cảnh có nhà mà không thể về, bị kì thị và bị coi là những người mang mầm bệnh virus corona.

Vào ngày 23/1, chính phủ ban hành lệnh phong toả Vũ Hán và một số thành phố khác để kiểm soát, tránh để dịch bệnh lan rộng ra nhiều nơi hơn. Nhưng biện pháp này được cho là đã chậm trễ 7 tuần. Trước đó, nhiều người đã kịp rời thành phố để về quê đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết, cũng có những trường hợp vội vã “tháo chạy” khi biết thông tin về loại virus mới.

Trục xuất, cô lập và chỉ điểm: 5 triệu người Vũ Hán bị săn lùng ráo riết trên chính đất nước mình vì mối hiểm hoạ virus corona - Ảnh 1.

Dịch bệnh bùng phát vào Tết Nguyên Đán, là dịp mà nhiều người dân ở thành phố Vũ Hán đã về quê với gia đình hoặc đi du lịch đầu năm

Bị chỉ điểm, cách ly và rò rỉ cả thông tin cá nhân

Mặc dù đã có mạng lưới giám sát rộng với hệ thống nhận diện khuôn mặt cùng camera công nghệ cao trên khắp đất nước để theo dõi 1,4 tỷ người. Chính phủ Trung Quốc vẫn quyết định sử dụng phương pháp truyền thống là khuyến khích những người dân địa phương chỉ điểm nếu phát hiện người đến từ Vũ Hán trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

Sau khi Harmo Tang, một sinh viên của đại học Vũ Hán trở về quê nhà ở Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, chính quyền đã mất 5 ngày để có thể liên lạc với anh. Harmo Tang cho biết quan chức địa phương đã yêu cầu trình báo những thông tin cá nhân như: Tên, địa chỉ, số điện thoại, số thẻ căn cước và ngày trở về từ Vũ Hán khi anh đang trong tình trạng tự cách ly. Nhưng chỉ vài ngày sau, thông tin của anh bắt đầu được lan truyền trên mạng trong danh sách những người trở về Lâm Hải từ tâm dịch Vũ Hán.

Quan chức địa phương sau đó đã không đưa ra lời giải thích nào cho vấn đề này, nhưng chỉ vài ngày sau đó, họ quay lại để giăng dây chắn trước cửa và treo một tấm biển cảnh báo hàng xóm rằng một người từ Vũ Hán trở về đang sống ở đây. Ngoài ra còn cung cấp số đường dây nóng để mọi người thông báo nếu phát hiện Harmo Tang hoặc người trong gia đình anh rời khỏi nhà. Anh cũng cho biết mình nhận được 4 cuộc gọi mỗi ngày từ các cơ quan chính quyền địa phương khác nhau.

“Họ không thực sự quan tâm đến tôi. Giọng nói có vẻ săn sóc nhưng lại mang tính cảnh cáo nhiều hơn và tôi thực sự cảm thấy không thoải mái vì điều đó”, Tang nói.

Trục xuất, cô lập và chỉ điểm: 5 triệu người Vũ Hán bị săn lùng ráo riết trên chính đất nước mình vì mối hiểm hoạ virus corona - Ảnh 2.

Đương nhiên, Trung Quốc có lý do chính đáng để theo dõi những người có khả năng mang mầm bệnh, đặc biệt là khi họ từng ở Vũ Hán – nơi bùng phát virus corona mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc cách ly nhóm người dễ bị tổn thương trong thời điểm này có thể gây phản tác dụng, làm tổn hại niềm tin của công chúng và ngược lại, bỏ qua những người đáng lẽ phải được sàng lọc và theo dõi kĩ.

Mở chiến dịch “truy lùng”, treo thưởng để tìm người Vũ Hán

Mặc dù có nhiều mạng lưới tình nguyện đề nghị giúp đỡ, nhiều nhà lãnh đạo địa phương vẫn tập trung vào việc tìm kiếm và cô lập người Hồ Bắc. Một huyện ở phía bắc tỉnh Hà Bắc đã thậm chí còn treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu VNĐ) cho những người dân chỉ điểm người Vũ Hán tại địa phương. Hình ảnh trên mạng xã hội còn cho thấy một số thị trấn đã chặn đường hoặc cử dân phòng canh gác để cấm người ngoài vào. Một số cư dân trong các tòa nhà chung cư thì sử dụng những chiếc xe đạp công cộng để chặn cửa ra vào.

Ở tỉnh Giang Tô, việc kiểm dịch như biến thành tù đày khi chính quyền dùng rào chắn để chặn cửa của một gia đình trở về từ Vũ Hán. Theo tin tức địa phương, gia đình này đã lấy thức ăn bằng cách nhờ hàng xóm thòng dây đưa xuống ban công phía sau nhà họ.

Andy Li, một nhân viên công nghệ ở Vũ Hán cùng gia đình đi du lịch Bắc Kinh. Khi thấy tình hình ở quê nhà ngày càng tệ hơn, vì lo lắng cho sự an toàn của những đứa trẻ, anh thuê một chiếc xe và lái về phía Nam đến Quảng Đông, hi vọng được tá túc nhờ tại nhà người thân ở đó. Lúc ở Nam Kinh, gia đình bị nhiều khách sạn từ chối rồi cuối cùng mới được một khách sạn hạng sang cho thuê phòng.

Trục xuất, cô lập và chỉ điểm: 5 triệu người Vũ Hán bị săn lùng ráo riết trên chính đất nước mình vì mối hiểm hoạ virus corona - Ảnh 3.

Gia đình Andy Li đã tự cô lập tại đó cho đến 4 ngày sau, chính quyền địa phương yêu cầu tất cả những ai từ Vũ Hán di chuyển đến một khách sạn gần ga xe lửa trung tâm. Nhưng anh cho biết dường như khách sạn này không làm tốt công tác kiểm dịch. Những nhân viên giao đồ ăn vẫn vào ra thoải mái và khe hở ở cửa phòng khá rộng.

“Họ chỉ cố tách người Vũ Hán khỏi Nam Kinh chứ không hề quan tâm đến việc người Vũ Hán có bị lây bệnh cho nhau hay không”, Andy Li nói.

Để cải thiện tình hình, anh đã phải nhét khăn và giấy vào các khe cửa để chặn luồng khí.

“Tôi không phàn nàn về chính phủ. Chính sách không thể không có sơ hở nhưng điều tôi lo lắng chính là sức khoẻ của các con mình”.

Cuộc sống bị đảo lộn sau khi trở về từ Vũ Hán

Việc kiểm soát và truy lùng gắt gao này đã khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn. Hạ Vũ Đình, 21 tuổi là một sinh viên học tập tại Vũ Hán trở về quê nhà ở miền trung Trung Quốc 18 ngày, vượt quá thời gian cách ly 14 ngày thì hay tin ông của cô ở làng bên cạnh bị bệnh nặng. Khi đến thăm ông, Hạ Vũ Đình đã đăng ký thông tin cá nhân của mình với Đảng ủy địa phương theo hướng dẫn được thông báo trên loa phát thanh.

Trục xuất, cô lập và chỉ điểm: 5 triệu người Vũ Hán bị săn lùng ráo riết trên chính đất nước mình vì mối hiểm hoạ virus corona - Ảnh 4.

Cho đến khi một giáo viên trung học bất ngờ liên lạc với cô trên Wechat để hỏi về tình hình sức khỏe của cô, Hạ Vũ Đình mới nhận ra rằng thông tin của mình đã bị rò rỉ trên mạng và một danh sách có những thông tin ấy đang được lan truyền. Sau đó, cô còn nhận được cuộc gọi đe dọa từ một người đàn ông lạ sống ở quê nhà.

Nhà chức trách không hề có lời giải thích nào và khẳng định rằng việc thông tin bị rò rỉ sẽ không phá vỡ cuộc sống bình thường của cô. Ba ngày sau khi cô đến ngôi làng đó, ông cô đã qua đời. Các quan chức địa phương ngay lập tức yêu cầu gia đình không cho phép Hạ Vũ Đình quay trở lại làng để dự đám tang và nói lời từ biệt cuối cùng với người ông đã khuất.

Cô nói: “Tôi nghĩ rằng người dân trong làng thì không hiểu biết rõ, và chính phủ thì không hỗ trợ gì. Thay vào đó, họ đã khiến thông tin của tôi bị rò rỉ khắp mọi nơi mà không nói rõ rằng tôi không có triệu chứng nhiễm bệnh nào”. Hạ Vũ Đình cảm thấy có lỗi khi đã không được ở bên cạnh an ủi bà của mình trong thời gian khó khăn khi ông ra đi.

“Tôi rất thân thiết với ông (nhưng lại không được quay về), điều này thật quá vô cảm và tàn nhẫn”, cô buồn bã nói.

(Theo New York Times)

Chan , theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/gioi-tre/truc-xuat-co-lap-va-chi-diem-5-trieu-nguoi-vu-han-bi-san-lung-rao-riet-tren-chinh-dat-nuoc-minh-vi-moi-hiem-hoa-virus-corona-220205231515671.htm