Theo ước tính sơ bộ, khoảng 10% trong tổng số các máy bay F-22 hiện có mà Mỹ vẫn sử dụng như một phương tiện giành ưu thế trên không đã bị hư hại nặng sau siêu bão Michael.
Không quân Mỹ vừa đón nhận “một cú đánh trời giáng” khi ngay trong tháng 10 này hàng chục máy bay F-22 đã bị siêu bão Michael phá hủy trong khi toàn bộ chiến đấu cơ thuộc Chương trình Tiêm kích Tấn công Liên hợp (Joint Strike Fighter) cũng phải nằm yên dưới mặt đất sau sự cố một chiếc F-35 bị rơi cuối tháng 9 vừa qua.
Vụ điều tra chiếc tiêm kích tàng hình F-35B bị rơi ngày 28/9 ở Beaufort đã khiến Lầu Năm Góc phải cho nằm đất tất cả các máy bay F-35 cho tới khi có thể xác định nguyên nhân liệu đó có phải lỗi ở ống dẫn nhiên liệu hay không.
“Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, siêu bão Michael mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ từ 50 năm trở lại đây khi đổ bộ Florida đã gần như xóa sổ toàn bộ Căn cứ Không quân Tyndall khỏi bản đồ.
“Tyndall đã bị phá hủy”, Thượng nghị sĩ Bill Nelson của bang Florida chia sẻ trên tờ News Herald hôm Chủ Nhật (14/10).
“Các tòa nhà cũ hơn sẽ phải đập đi xây lại, còn những công trình mới hơn xây dựng trên căn cứ mà vẫn trụ được sau cơn bão cũng sẽ phải sửa chữa rất nhiều”, nghị sĩ Bill Nelson cho biết.
Những báo cáo ban đầu cho thấy, có tới 17 chiếc F-22 đã bị hư hại vượt xa mức cần sửa chữa. Con số này chiếm khoảng 10% tổng số máy bay F-22 hiện có mà Mỹ vẫn sử dụng như một phương tiện giành ưu thế trên không trong việc đối phó với các kẻ thù tốp đầu.
Dựa vào các bức ảnh do Lầu Năm Góc công bố có thể thấy mọi nhà chứa máy bay đều bị ảnh hưởng, gồm cả nơi cất giữ F-22 – những phi cơ cũng đã bị hư hại nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, Tư lệnh không quân Mỹ Heather Wilson trong một tuyên bố phát đi hôm Chủ Nhật vẫn nói rằng những tổn thất “chưa đến mức như chúng ta lo sợ” và kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy “những tín hiệu tích cực”.
Hiện chưa rõ chính xác bao nhiêu chiếc F-22, nếu có, đã bị phá hủy trong cơn bão nhưng với việc căn cứ Tyndall đang trong tình trạng đổ nát và các gia đình quân nhân thì vẫn phải sơ tán chưa biết tới khi nào trở lại thì chắc chắn chương trình bay huấn luyện tại căn cứ trọng yếu này dường như sẽ phải hứng chịu một tổn thất nghiêm trọng.
Trong khi đó, vụ tai nạn xảy ra với chiếc F-35B hồi tháng 9 vừa qua rất nhiều khả năng sẽ khiến tàu USS Essex của Hải quân Mỹ phải di chuyển đến Vịnh Péc-xích nơi căng thẳng quân sự với Iran vẫn đang diễn ra, mà không có các máy bay tiêm kích đang hoạt động. Tất cả các máy bay F-35 trên tàu Essex are đều đến từ Beaufort.
Hiện tại, các máy bay F-35 sau khi được kiểm tra đã quay lại bầu trời, tuy nhiên, Văn phòng Quản lý Chương trình Liên hợp này chưa cho biết còn bao nhiêu chiếc vẫn ở dưới mặt đất.
Ngày 12/10, Mỹ lại tiếp nhận thêm một “hung tin” nữa khi 2 chiếc tiêm kích F-16 đã bị nổ tung do loạt đạn xối xả từ khẩu pháo M61A1 Vulcan cỡ nòng 20mm trên khoang của một chiếc F-16 khác bất ngờ khai hỏa bởi một nhân viên kỹ thuật khi chúng đang được bảo dưỡng tại căn cứ không quân Florennes ở khu vực Walloon, miền Nam nước Bỉ.
Như vậy, tính tổng cộng, Mỹ đã phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các dòng tiêm kích đầu bảng, đặc biệt những mất mát tại căn cứ Tyndall có thể là một bước thụt lùi đáng kể của cộng đồng lái F-22, thậm chí ngay cả khi không một chiếc F-22 nào bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Với việc các nhà chứa không còn hoạt động được và phần lớn nhân sự phải di tản, vai trò của Tyndall là một trung tâm huấn luyện phi công trọng yếu tham gia vào các cuộc không chiến của Mỹ cũng như bảo vệ các phương tiện bay giá trị khác sẽ không thể tiếp tục, mặc dù một phần chức năng của Tyndall có thể chuyển sang căn cứ Eglin bên cạnh hoặc những phi trường khác.
Những sự cố “trời ơi đất hỡi” xảy ra trong tháng 9 và tháng 10 này cùng với những thiệt hại nghiêm trọng do thời tiết gây ra dường như đã đem đến cho Mỹ những tổn thất thậm chí còn nặng nề hơn cả bị hỏa lựa đối phương tấn công từ hàng thập kỷ nay.
Khoảng 10% máy bay F-22 có thể đã bị siêu bão Michael phá hủy