Điều gì sẽ xảy với tham vọng chương trình “Hải quân biển xanh” của Trung Quốc, nếu trước kia họ không mua được tàu sân bay đang đóng dở của Ukraine?
Năm 1998, một doanh nhân Trung Quốc đã mua một chiếc tàu sân bay đang đóng dở của Liên Xô có tên Varyag. 14 năm sau (2012), tàu Varyag trở thành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Vì vậy có thể nói, Varyag – Liêu Ninh là phương tiện quan trọng để hải quân của Trung Quốc trở thành lực lượng “Hải quân biển xanh”, ước mơ từ lâu mà họ luôn hướng tới.
Một câu hỏi ngược lại, nếu Trung Quốc chưa bao giờ mua lại chiếc Varyag thì bây giờ chương trình “Hải quân biển xanh” của Trung Quốc sẽ như thế nào?
Canh bạc mang tên Varyag
Quá trình mua lại chiếc tàu sân bay đóng dở của Trung Quốc đã được báo chí quốc tế đề cập nhiều lần.
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, chiếc tàu sân bay Varyag đang đóng dở, trở thành tài sản của chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine đã không quan tâm và không đủ khả năng tài chính để hoàn thành con tàu, hoặc có ý định đưa nó vào phục vụ trong lực lượng hải quân của mình, hoặc xa hơn là hợp tác cùng với các nước khác trong khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) để tiếp tục hoàn thiện và bán cho bên thứ ba.
Các quan chức của PLAN đã kiểm tra con tàu và tỏ ý muốn mua nó nhưng chính phủ Trung Quốc lại miễn cưỡng vì lo ngại về phản ứng của phương Tây.
Một doanh nhân Trung Quốc (với sự hỗ trợ bí mật từ PLA) đã mua con tàu với số tiền 30 triệu USD, với mục đích ban đầu để làm sòng bạc nổi.
Về phía chính quyền Ukraine, sau khi tuyên bố độc lập còn nhiều mối bận tâm, họ cũng không mặn mà gì với khối sắt thép đang hoen rỉ nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng mua bán mà không mảy may bận tâm khối sắt thép của mình còn có thể dùng vào mục đích gì nữa hay không.
Nếu biết Trung Quốc mua về để cải tạo sử dụng, rất có thể Ukraine sẽ có được cái giá cao hơn rất nhiều.
Tàu Varyag – Liêu Ninh đã trải qua 16 tháng lênh đênh trên biển, với phí lai dắt lên tới 8.500 USD một ngày. Cuối cùng vào tháng 8/2001, chiếc tàu Varyag cũng cập cảng của nhà máy đóng tàu Đại Liên Trung Quốc.
Sau khi nghiên cứu, đánh giá thực tế, cùng với các bản vẽ về con tàu (có thể mua hoặc đánh cắp?), Varyag được đưa lên ụ sửa chữa của nhà máy, phun cát tẩy gỉ và tiến hành lắp đặt các thiết bị của một chiếc tàu sân bay hoàn chỉnh, chứ không phải là một sòng bạc nổi như hợp đồng ban đầu với chính quyền Ukraine.
Và chiếc tàu Varyag là cơ sở đặt nền móng để Trung Quốc đúc rút kinh nghiệm trong chế tạo một chiếc tàu sân bay hoàn chỉnh, góp phần rút ngắn khoảng cách nhiều năm trong việc nghiên cứu, chế tạo một chiếc tàu sân bay theo đúng nghĩa.
Từ Varyag đến Liêu Ninh
Sau gần một thập kỷ trang bị và tái thiết, chiếc Varyag tái xuất hiện với tên gọi Liêu Ninh, một tàu sân bay với đủ khả năng chiến đấu, đáng tin cậy và có khả năng hơn so với người anh cùng cha khác mẹ của Nga đó là tàu Đô đốc Kuznetsov.
Trong vụ chiếc Varyag trở thành chiếc Liêu ninh, có thể nhiều thứ đã sai trong quy trình này. Trước hết, người Ukraine không nắm được mục đích của người mua tàu Varyag, nếu biết, họ có thể có giá tốt hơn giá bán phế liệu.
Thứ đến là chủ tàu có thể đã thất bại trong việc thương lượng vận chuyển tàu qua kênh đào Suez, dẫn đến tàu phải đi vòng qua mũi Hảo vọng của Nam Phi và Varyag hoàn toàn có thể bị chìm trên đường đi, một trục trặc không quá bất thường đối với một con tàu trong tình trạng phế liệu.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể đã đi theo con đường mà hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí đó là sử dụng Varyag như một chiếc tàu thử nghiệm trên tất cả các phương diện (tìm hiểu thiết kế, chế tạo, đào tạo, thử nghiệm…), thay vì là một con tàu sân bay chiến đấu theo đúng nghĩa (mặc dù Liêu Ninh hoàn toàn có khả năng chiến đấu).
Những giải pháp thay thế khi Trung Quốc không mua được Varyag
Varyag không phải là thương vụ đầu tiên của Trung Quốc mua tàu sân bay. Vào năm 1985, các nhà phá dỡ tàu cũ của Trung Quốc đã mua chiếc HMAS Melbourne, một tàu sân bay của Australia; PLAN đã tiến hành cử các chuyên gia về tàu biển và hải quân đánh giá nghiên cứu con tàu và xây dựng báo cáo về tàu sân bay của phương Tây.
Vào giữa những năm của thập niên 1990, Trung Quốc đã mua lại hai tàu sân bay Liên Xô đã loại biên là chiếc Minsk và Kiev (thực tế đây là 2 tuần dương hạm mang máy bay nhưng có cùng thiết kế với chiếc Varyag). Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, cả hai con tàu được cải tạo để trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Trong mọi trường hợp, Trung Quốc rõ ràng đã tỏ ra quan tâm đến thiết kế kỹ thuật của các con tàu này. Có thể coi đây là bước chuẩn bị cần thiết, trước khi có được chiếc Varyag.
Nếu không có Varyag – Liêu Ninh, PLAN sẽ phải tiến hành quy trình xây dựng một tàu sân bay mới từ đầu, nhưng sẽ rất khó thành công và tốn nhiều thời gian, hoặc Trung Quốc phải đi theo con đường của Ấn Độ, đó là cố gắng hiện đại hóa một trong 2 chiếc tàu loại biên Kiev hoặc Minsk.
Tuy nhiên, cả Kiev và Minsk đều có thiết kế cũ hơn và trong tình trạng kỹ thuật kém hơn chiếc Đô đốc Gorshkov (chiếc Gorshkov sau khi thuê Nga nâng cấp, đã trở thành chiếc tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ).
Việc nâng cấp, hoán cải lại chiếc Gorshkov thành chiếc Vikramaditya và chiếc Varyag thành Liêu Ninh thời gian gần như nhau (9 năm) nhưng chiếc Vikramaditya ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu với các tiêm kích hạm MiG-29K, còn chiếc Liêu Ninh chỉ với mục đích là thử nghiệm, đào tạo và rút kinh nghiệm khai thác tàu sân bay của Hải quân PLA.
Những lợi ích mang lại từ việc mua Varyag cho Trung Quốc
Với sự quan tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng năng lực công nghiệp đóng tàu chiến lớn thì việc nâng cấp, hoán cải chiếc Varyag đã đem lại nhiều kinh nghiệm về thiết kế, thi công tàu sân bay, và chắc chắn sẽ trợ giúp cho các nhà đóng tàu Trung Quốc trong tương lai.
Nhà máy đóng tàu Đại Liên, nơi cải hoán chiếc Varyag thành Liêu Ninh đã là cái nôi để đào tạo nhân lực đóng tàu sân bay cho Trung Quốc sau này.
Trung Quốc có thể đã mua lại tất cả các bản thiết kế có liên quan đến chiếc tàu sân bay Varyag từ Ukraine hoặc Nga, và rất có khả năng con tàu đầu tiên được sản xuất trong nước này đã được các nhà thiết kế ở Ukraine sửa đổi. Nhưng dù thế nào chăng nữa, thì các nhà thiết kế Trung Quốc cũng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thiết kế tàu sân bay từ Ucraina (hoặc Nga).
Trong thiết kế, chiếc Varyag chưa có máy phóng máy bay kiểu hơi nước (CATOBAR), Varyag vẫn phải sử dụng phương pháp cất cánh lạc hậu kiểu nhảy cầu, kỹ thuật cất cánh này đã hạn chế rất nhiều việc mang tải của tiêm kích hạm.
Nói chính xác hơn là Liên Xô khi đó chưa thể làm chủ được công nghệ CATOBAR, và Trung Quốc cũng bất lực khi phát triển phương pháp cất cánh tiên tiến này.
Dự kiến trong tương lai, phải đến chiếc tàu sân bay thứ 3 trở đi, Trung Quốc mới có thể áp dụng CATOBAR. Từ công nghệ CATOBAR rút ra một điều, nếu để tự thân vận động, Trung Quốc phải còn lâu mới có thể làm chủ công nghệ đóng tàu sân bay.
Canh bạc thắng lớn của Hải quân Trung Quốc
Không còn phải là giả thiết nữa: Tham vọng thiết kế và chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc sẽ khác, nếu họ không có cơ hội tiếp cận và sở hữu chiếc Varyag, thì năm 2012 họ không thể có chiếc tàu sân bay Liêu Ninh, đó là sự thật không thể chối cãi.
Thiết kế tàu sân bay là một công việc phức tạp, nếu Trung Quốc không tiếp cận được chiếc Varyag (cùng tài liệu của nó), chắc chắn chương trình tàu sân bay đầy tham vọng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cũng có thể vài thập kỷ tới (tính từ khi hạ thủy chiếc Liêu Ninh), Trung Quốc mới có được chiếc tàu sân bay theo đúng nghĩa.
Sau khi hạ thủy chiếc Liêu Ninh, Trung Quốc đã nhanh chóng hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai với tên gọi 001A vào năm 2016.
001A có vẻ ngoài khá tương đồng với chiếc Liêu Ninh, ngoại trừ một số chi tiết nhỏ được cải tiến. Việc hạ thủy một chiếc tàu sân bay mới hoàn toàn với thời gian ngắn như vậy cho thấy Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm đóng tàu sân bay thu được từ hoán cải chiếc Liêu Ninh.
Với việc sở hữu chiếc Liêu Ninh, trong những năm qua, PLAN đã có được kinh nghiệm vô giá với các hoạt động cất, hạ cánh của máy bay chiến đấu phản lực trên tàu sân bay.
Đây là điều mà nằm mơ, các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc vào thập niên 80, 90 của thế kỷ XX cũng không bao giờ dám mơ tới, bởi vì ngay Liên Xô, một siêu cường quân sự của thế giới, đến năm 1985 mới có chiếc tàu sân bay theo đúng nghĩa đầu tiên.
Phải đến tận khi sắp sụp đổ, Liên Xô mới có phi công đầu tiên lái chiếc máy bay phản lực siêu âm hạ cánh xuống tàu sân bay.
Mặc dù Hải quân Trung Quốc đưa vào trang bị tàu Liêu Ninh nhưng cũng không đủ tạo ra sự khác biệt về cán cân quân sự trong khu vực; tuy nhiên những đóng góp của Liêu Ninh cho không hải quân của Trung Quốc là rất lớn.
Việc hoán cải thành công tàu Liêu Ninh cũng là động lực để Trung Quốc khởi công đóng chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của mình (chiếc 001A) và sắp tới là chiếc thứ hai; đủ điều kiện để hình thành năng lực tác chiến của cụm tàu sân bay.
Chương trình phát triển tàu sân bay khẳng định tham vọng vươn ra đại dương của Hải quân Trung Quốc. Có thể nói Trung Quốc đã có lãi lớn khi đánh canh bạc với chiếc Varyag trên tất cả các phương diện.
Tiêm kích hạm J-15 huấn luyện cất hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh CV-16