Bức ảnh được một nhà leo núi chụp lại cho thấy thực tế kinh hoàng trên đường chinh phục đỉnh núi nổi tiếng Everest.
Vào ngày 23/5, một nhà leo núi có tên là Nirmal Purja đã đăng tấm hình dòng người chen chúc, chật kín, nối đuôi nhau xếp hàng để leo lên đỉnh Everset.
Bức ảnh đã được chia sẻ trên Facebook và nhanh chóng được lan truyền chóng mặt trong cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra bị sốc và không tin là bức ảnh này có thật.
Bức ảnh gây sốc truyền thông.
Tuy nhiên, trên thực tế, hồi tháng 4 vừa qua, tài khoản Twitter có tên là Everest Today cũng chia sẻ một bức ảnh tương tự, chụp lại khoảnh khắc hàng chục nhà leo núi đứng chờ nhau để leo nên một đỉnh núi thuộc Everest.
Được biết, vào ngày 22/5, hơn 200 nhà leo núi đã tận dụng thời tiết nắng ráo để lên đỉnh Everest từ phía Nepal và Trung Quốc, nhưng phải xếp hàng nhiều giờ. Tình trạng tắc nghẽn trên đỉnh núi cao 8.848 m được cho là nguyên nhân khiến hai nhà leo núi tử vong.
Nạn nhân đầu tiên là du khách Mỹ Donald Lynn Cash, 55 tuổi, đột tử trên đỉnh Everest khi đang chụp ảnh. Người còn lại đến từ Ấn Độ là Anjali Kulkarni, 55 tuổi, chết trên đường xuống núi.
Một hình ảnh đông đúc khác ở Everest được chụp lại hồi tháng 4 năm nay.
Nhưng tại sao tình trạng ùn tắc ở đỉnh núi Everest lại khiến nhiều người mất mạng? Tắc nghẽn giao thông đồng nghĩa với việc mọi người phải trải qua nhiều thời gian hơn ở độ cao bất lợi cho cơ thể con người.
Chứng tê cóng, hạ thân nhiệt và kiệt sức là nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng tới sức khỏe của nhà leo núi. Việc phải xếp hàng dài để leo núi và xuống núi chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
“Một người càng mất nhiều thời gian hơn ở trên ngưỡng độ cao khiến họ say, nguy cơ họ gặp phải càng lớn hơn. Nếu người nào đó không thể xuống núi do hàng người kéo dài, họ sẽ khó được điều trị kịp thời“, theo tiến sĩ Andrew Luks, giáo sư Khoa phổi, hồi sức cấp cứu và y học giấc ngủ ở Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ.
Việc xếp hàng chờ leo đỉnh làm tăng nguy cơ tử vong cho những người tham gia.
Khi chờ đợi trong hàng dài, người leo núi không thể nhúc nhích để ăn uống hay ngủ nghỉ. Họ cũng dần sử dụng hết nguồn oxy quý giá nếu mang theo bình dưỡng khí và phải tiếp xúc với điều kiện lạnh giá bất lợi. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ tử vong cho các nhà leo núi.
Được biết, từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5, nhiều ngọn núi của dãy Himalaya, gồm cả Everest, là mùa cao điểm leo núi, bởi thời tiết thuận lợi thích hợp cho việc phiêu lưu chinh phục các đỉnh núi. Mặc dù vậy, đáng buồn thay, ít nhất 6 nhà leo núi nước ngoài khác đã chết và 2 người mất tích trên những đỉnh núi khác thuộc Himalaya trong mùa này.
Đối với người dân địa phương, mùa leo núi là một nguồn thu ngoại tệ khổng lồ và họ ít quan tâm đến việc giới hạn số lượng người leo núi để tránh tối đa những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Chính vì vậy, khi leo núi trong thời gian cao điểm, những người tham gia đã chấp nhận đánh cược sự sống của mình để thỏa mãn niềm đam mê và ước mơ chinh phục của bản thân.
Nguồn: Tổng hợp