(Tổ Quốc) – Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden đã diễn ra hôm 29/9, với những diễn biến làm thay đổi ấn tượng và có lợi cho ông Biden.
Ông Biden biểu hiện vượt trội so với kỳ vọng
Al Jazeera bình luận, cuộc tranh luận trực tiếp ngày 29/9 đã không xảy ra kịch bản mà ứng viên đảng Dân chủ JoeBiden thể hiện sự nhạt nhẽo hay thất vọng, thay vào đó ông tỏ ra minh mẫn, tập trung và khá hiệu quả trước ông Trump – thách thức đáng gờm cho bất kỳ đối thủ nào.
Ông Biden cần hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, giống như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng làm cách đây 4 năm: Đó là phải tìm ra cách để vượt qua sự bối rối khi liên tục bị ông Trump cắt ngang lời nói.
Tuy nhiên, chính những lời chỉ trích của ông Trump dành cho ông Biden trước cuộc tranh luận đã trao cho ứng viên đảng Dân chủ một món quà giá trị: Lợi thế của sự kỳ vọng thấp.
Một số người ủng hộ ông Trump có thể nhận định ông Biden sẽ cư xử giống như biệt danh “Sleepy Joe- Ông Joe ngái ngủ” mà Tổng thống thường đề cập về đối thủ. Nhưng bức tranh biếm họa về ông Biden, dựa trên một loạt các buổi diễn thuyết chưa mấy ấn tượng trước đây, không phản ánh thực tế những gì thực sự đã diễn ra trong cuộc tranh luận hồi tuần trước.
Quan trọng hơn, ông Biden đã bảo vệ ưu thế dẫn trước sau lần “chạm trán” đầu tiên và ngăn cản ông Trump thu hút sự chú ý của cử tri tại một thời điểm bầu cử sống còn như hiện tại. Tuy cựu Phó tổng thống không phải lúc nào cũng làm theo đúng mục tiêu trên, nhưng nhìn chung, ông đã hoàn thành công việc – theo Al Jazeera.
Như trong cuộc tranh luận của ông với Paul Ryan – người đồng hành tranh cử với ứng cử viên tổng thống Mitt Romney hồi năm 2012, ông Biden chủ yếu dựa vào tiếng cười, và một loạt các biểu cảm trên khuôn mặt khi ông chuyển từ cảm giác hoài nghi sang giận dữ. Ông Biden đặc biệt giỏi trong việc biết mình phải làm gì khi đối phương đang diễn thuyết, một mẹo mà chỉ những nhà tranh luận kỳ cựu mới có thể nắm vững.
Trong một vài trường hợp ngoại lệ, Joe Biden chứng tỏ rằng ông đã tiếp thu rất kỹ các bài học trong quá trình chuẩn bị tranh luận khi biết mình khi nào nên lùi lại và khi nào nên đưa ra những câu thoại đã được luyện tập từ trước – mặc dù ông Trump đã từng sử dụng các chiêu thức này rất nhiều.
Ông Biden rất để ý đến việc giữ sự tập trung của người xem khi thường xuyên hướng về máy quay và thu hút sự chú ý của “các khán giả tại gia”. Ngược lại, ông Trump tập trung vào bản thân – những thành tựu xuất sắc, những lời than phiền không ngớt và những thuyết âm mưu chưa kiểm chứng.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden (Ảnh:Brian Snyder/Reuters)
Những điều 2 ứng viên cần cải thiện trước cuộc tranh luận tiếp theo
Về cơ bản, tranh luận trực tiếp được ví như cuộc phỏng vấn việc làm, mà cử tri chính là nhà tuyển dụng. Trong cuộc phỏng vấn cho vị trí tổng thống Mỹ, ông Biden đã không quên nhấn mạnh nhu cầu của các ông chủ, trong khi ông Trump thiên về khẳng định cá nhân.
Dù không phải lúc nào họ cũng đạt mục tiêu đã đề ra, nhưng ông Biden đã tung ra một số đòn cho đối thủ khi gọi ông Trump là “gã hề”, “tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Đây không phải là kiểu diễn thuyết mà Trump quen thuộc sau 4 năm được các phụ tá và giới truyền thông đối xử ưu ái. Nhưng đó lại chính xác là điều mà cử tri ủng hộ ông Biden muốn nghe.
Tuy nhiên, ông Biden cũng đã bỏ lỡ một vài cơ hội tốt. Khi ông Trump không đưa ra lý giải hợp lý cho việc ông chỉ đóng mức thuế liên bang trị giá 750 USD, cựu Phó tổng thống đã không tiếp tục đào sâu hơn vấn đề ngay cả khi điều phối viên cho phép tiếp tục đề tài này. Ông Biden cũng tỏ ra không ấn tượng trong câu hỏi về “vấn đề chủng tộc và bạo lực ở tại các thành phố lớn”.
Theo Al Jazeera, chắc chắn ông Biden cần phải tập luyện nhiều hơn cho cuộc tranh luận tiếp theo – có lịch trình dự kiến vào ngày 15/10 tới, giữa những bất ổn xoay quanh tình trạng sức khỏe của ông Trump sau khi ông xác nhận mắc Covid-19 hôm 2/10.
Những cơ hội mà ông Biden bỏ lỡ dường như vẫn không bằng ông Trump. Tổng thống được đánh giá có lập luận ấn tượng về dấu ấn cá nhân mờ nhạt của Biden sau 47 năm hoạt động chính trị, song để thực sự biến lập luận này thành cú đánh sắc nét, Trump cần nắm rõ sự nghiệp chính trị của ông Biden. Điều này đòi hỏi người đứng đầu Nhà Trắng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận, bên cạnh những thông điệp cá nhân và công kích đối thủ.
Theo Thu Ngọc (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/ong-trump-vo-tinh-tang-ong-biden-mon-qua-dat-gia-sau-cuoc-tranh-luan-dau-tien-nhu-the-nao-82020810161636867.htm