Từng là điểm sáng kinh tế trong nửa đầu năm, tuy nhiên, càng về cuối năm 2018, hai ngành nông nghiệp và du lịch đang tăng trưởng chậm lại.
Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam mới đây, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (HoSE: SSI) đã chỉ ra một vài số liệu đáng lưu ý.
Cụ thể, tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại. Sau 2 quý đầu năm thuận lợi nhờ thời tiết và giá cả, tăng trưởng của nông nghiệp đã giảm xuống, chỉ đạt 2,2% so với 3,28% của nửa đầu năm.
Giá lúa sau nửa đầu năm tăng rất cao đã rơi lại xuống vùng thấp nhất của năm do xuất khẩu gạo đang chậm lại. Khối lượng xuất khẩu gạo trung bình quý III là 440.000 tấn/tháng, giảm 160 nghìn tấn/tháng, tức 27% so với trung bình 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đang tăng thấp, chỉ 4,04% so với 7,05% của 6 tháng. Nguyên nhân là sự sụt giảm của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách từ thị trường Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng được xem xét ở góc độ tiêu cực khi làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc, kéo theo nhu cầu của thị trường này với hàng hoá, dịch vụ từ Việt Nam.
Việc giảm tốc của nông nghiệp và du lịch có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của Việt Nam, theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh với kết quả của quý III đã có (6,88%), quý IV dù có thể bị ảnh hưởng nhưng tựu chung chỉ tiêu tăng trưởng là đạt được.
Phía VEPR dự báo tăng trưởng quý IV đạt 6,56%, lạm phát 4,45%. Như vậy, GDP cả năm 2018 đạt 6,84%.
Khó khăn sẽ kéo dài sang năm sau, theo ông Thành. “Năm 2019 có thể có nhiều điều chỉnh hơn do các vấn đề căn bản của nền kinh tế sẽ bộc lộ điểm yếu”, ông Thành nói.
Do đó, Viện trưởng VEPR cho rằng nền kinh tế vĩ mô trong năm 2019 sẽ gặp nhiều điều kiện bất lợi như lạm phát cao hơn trong khi tăng trưởng thấp hơn.