Nhất là trong thời đại thông tin trên internet nhiễu loạn như hiện nay, qua câu chuyện về ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM), mới thấy càng thấm thía về quan điểm trên.
Vị Phó Chủ tịch UBND Quận 1 được nhiều người biết đến khi thường xuyên cùng đoàn kiểm tra liên ngành Quận 1 xuống đường chấn chỉnh các vi phạm về trật tự lòng lề đường. Ông tuyên bố nếu không dẹp được nạn lấn chiếm lòng lề đường sẽ cởi áo từ quan.
Quận 1 đang là địa bàn “nóng như lửa” với các đối tượng vi phạm trật tự đô thị thì bất ngờ ông Hải “được” điều động bổ nhiệm về công tác ở TCty Xây dựng Sài Gòn – TNHH một thành viên vào đầu tháng 6/2019. Tuy nhiên, ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Hải nộp đơn xin từ chức, thực hiện đúng lời tuyên bố của mình, dù nguyên nhân chưa dẹp được nạn lấn chiếm lòng lề đường có thể không đến từ ông.
Sau khi từ quan, ông Hải đã làm lễ khởi công xây dựng căn nhà cho người vô gia cư tại một khu dân cư ở quận 12. Theo ông Hải, căn nhà khi hoàn thành sẽ có 4 tầng và làm nơi ở của khoảng 40 người vô gia cư, người bán vé số, người lao động nghèo… Khi hoàn thành, công trình này có tổng giá trị khoảng 6 tỷ. Ông Hải cho biết, ông sẽ làm di chúc để dành tặng mãi mãi cho người vô gia cư.
Chưa hết, trước khu vực BV Ung bướu TP.HCM (quận Bình Thạnh), ông Hải còn thường xuất hiện cùng chiếc xe cứu thương có dán dòng chữ “Xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí”. Chiếc xe được ông mua mới, nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về.
“Tôi mua xe với mục đích chở các bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về quê và hoàn toàn miễn phí”, ông Hải cho biết, trên xe trang bị đầy đủ tiêu chuẩn để có thể chở bệnh nhân cùng thân nhân về quê miễn phí. Trên hành trình di chuyển ông lo cơm nước cho bà con nghèo. “Bà con thấy xe cứu thương của tôi biển số 51B-507.44 cứ ra gặp và tôi sẵn sàng phục vụ miễn phí”, ông Hải chia sẻ.
Trước những nghĩa cử này của ông Hải, trong dòng dư luận phần lớn ủng hộ thán phục, vẫn có một vài ý kiến cho rằng ông Hải “màu mè”, “háo danh”… Thế nhưng những người bình luận này quên rằng ông Hải nay đã là một người dân thường như bao người dân thường khác, “màu mè” để làm gì? Ông tâm sự, do may mắn hơn người nên gia đình kinh doanh bấy lâu nay có tích lũy, có điều kiện giúp đỡ người khác.
Nếu dám bán đồng hồ và điện thoại tiền tỷ để xây nhà cho người nghèo, nếu dám bỏ công bỏ của để giúp đỡ những phận người bất hạnh… mà bị gọi là “màu mè”, thì cầu cho những người nào có tiền cũng dám sẵn sàng “màu mè” như thế, cho xã hội được nhờ. Các “anh hùng cào bàn phím” xin hãy nhìn người khác làm, và nếu có ghen ghét ganh tỵ thì xin hãy im lặng để xã hội lan tỏa những điều tốt đẹp, chứ đừng “bình loạn” xằng bậy.
Theo Minh Khang (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhin-nguoi-ta-lam-dung-nghe-loi-dam-tieu-d134026.html