Mắc kẹt lại trong trung tâm vùng dịch nCoV – Hồ Bắc, nhiều người Việt phải đón cái Tết trong sự lo sắng. Đêm giao thừa không pháo hoa, không lời chúc, không bóng người, tiếng xe cứu thương vang lên inh ỏi và loa phát thanh vẫn ra rả số ca nhiễm virus gia tăng liên tục từ sáng tới chiều…
Câu chuyện về sự khát khao được trở về nước của 2 người xa xứ, một cô dâu Việt, một khách du lịch Việt Nam bị mắc kẹt trong trung tâm vùng dịch nCoV, chia sẻ với Trí Thức trẻ, cho thấy một góc cuộc sống của người Việt tại đây.
Bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan, nhưng với gần 1.000 ca nhiễm đã được trị khỏi đến thời điểm này, thì cả người Trung Quốc và cả người Việt ở đây đều tin tưởng, virut corona sẽ sớm được khống chế, đẩy lùi.
Đầu xóm, cuối xóm, người ta đã đặt những lõi bê tông, cây gỗ, kẽm gai bao xung quanh. Chúng tôi buộc phải ở trong nhà, nhưng mớ lương thực thì đã hết sạch từ mùng 3 Tết rồi. 4 người trong gia đình tôi giờ chỉ biết chống chọi bằng cách ăn rau (tự trồng) với trứng luộc. Ngấy đến tận cổ.
Đến mùng 4 Tết, tôi quyết định chạy xe ra chợ mua thêm lương thực. Hai công an đứng gác đầu ngõ, họ mặc những bộ đồ phòng hộ dày cộm, chỉ để lộ 2 con mắt sau lớp kính cũng dày. “Chị đi đâu?” – họ hỏi.
“Tôi muốn đi chợ, nhà tôi đã hết đồ ăn rồi…”.
“Tôi sẽ cho cô qua, nhưng nhớ trở về sớm nhé” – họ nói rồi mở lô-cốt cho tôi. Ngoài đường, nhà cửa lúc này đều đã đóng kin kít, tất cả tuyến đường cũng bị phong toả, băng rôn, hàng rào kẽm, xe tải, ô tô,… dựng ngổng ngang trên đường. Không một bóng người.
Các con đường đều vắng người. Mỗi gia đình ở Vũ Hán chỉ để một người ngày ra đường hai lần để mua nhu yếu phẩm khi cần. (Ảnh: Arek Rataj/AP)
Tới chợ, tôi được ban quản lý chỉ dẫn vào trong với lời căn dặn: “15 phút thôi đấy nhé!”. Tôi vội vã lựa thật nhiều đồ ăn, nhưng cũng chẳng có gì khác ngoài rau. Mua xong, tôi đạp xe đi ngược về nhà. Hôm nay, nhiệt độ Giam Lợi (Kinh Châu, Hồ Bắc) chỉ nhỉnh hơn 5 độ, trời lạnh như cắt. Khí lạnh luồn qua những nách áo, phà vào mớ da thịt khiến tôi rùng mình.
Cách đây mấy ngày thôi, 29 Tết, vợ chồng tôi còn đèo nhau ra phố để đi mua sắm. Chúng tôi phải chen chân dữ lắm mới mua được vài cân thịt cừu với bò. Vậy mà giờ nó vắng lặng đến đáng sợ. Tôi nghĩ mình thực sự là nhân vật chính trong một bộ phim Zoombie vậy.
Vật giá ở Giam Lợi giờ tăng kinh khủng, tôi không biết phải xoay trở thế nào nữa! Tôi chỉ có thể mua 30 chiếc khẩu trang 1 lớp mỏng như giấy với giá 70 tệ (khoảng 200.000 đồng).
Một người phụ nữ đeo khẩu trang bảo vệ khi đi xe ở Vũ Hán. (Ảnh: Getty Images)
Buổi tối trở về nhà, tôi liên hệ gấp để tìm xe chuyên dụng chở tới sân bay trở về nước, nhưng họ hét giá 4.000 tệ, gần bằng 2 tháng lương của chồng, thế là lại thôi.
Mỗi sáng, âm thanh đầu tiên tôi nghe được là tiếng xe cứu thương chạy vào xóm. Nó réo cả ngày lẫn đêm. Họ tìm kiếm những gia đình có người lao động từ Vũ Hán về quê ăn Tết để cách ly đảm bảo an toàn.
Nhân viên bệnh viện mang theo vật liệu y tế từ máy bay trực thăng tiếp tế cho Vũ Hán. (Ảnh: Barcroft Media qua Getty Images).
Từ đầu Tết, bà lão gần nhà tôi đã lên cơn ho. Tối nào nằm ngủ, tôi cũng nghe tiếng bà ho như xé cổ họng. Nỗi sợ sệt khiến vợ chồng tôi không tài nào chợp mặt. Đến mùng 4 Tết thì chính quyền xuống và mời bà đi. Bà lão yếu đuối một mực khăng khăng mình không bệnh. Nhưng khuôn mặt, tiếng ho húng hăng nói lên tất cả. Nhà chức trách buộc lòng đưa bà đi trong tiếng cầu cứu của bà.
Hôm sau nữa thì nhà kia có đám tang. Người chết thì buồn đấy nhưng con cháu không ai dám tụ tập, đám tiệc. Buổi chiều chính quyền xuống rồi kêu tất cả đeo khẩu trang chở xác đi chôn. Nơi chúng tôi ở thực sự đã thành một khu dã chiến tách biệt.
Qua mùng 6 thì tình hình ngày càng căng thẳng. Xe cứu thương ra vào đều đặn đến đáng sợ. Đêm nào, mẹ cũng gọi điện cho tôi. Ở quê, người ta đồn đại gì đó về dịch bệnh mà vừa nhấc máy, bà khóc đến khản giọng. Bà hỏi tôi có gần Vũ Hán không? Ban đầu, tôi phải vờ nói dối! Nhưng rồi bà lục được bản photo visa của tôi, bà nấc lên: “Về đi con… Về nhà đi con”, tiếng bà gào vang cả căn phòng, tôi chẳng còn biết đáp lại lời nào.
Số lượng ca nhiễm tăng liên tục, người chết đã vượt 400. Mỗi lần đọc được tin tức ở đâu đó tại Việt Nam, mẹ lại gọi video. Hôm qua, trong lúc nói chuyện, bà bảo: “Không về được, hay để mẹ sang đó cùng con”. Tôi nghe và oà lên nức nở.
Không phải tôi sợ chết? Cũng chẳng phải tôi muốn trốn chạy? Tôi chỉ sợ rằng ở đất khách quê người này, có khi tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại mẹ, gặp chị Hai!
Ảnh minh họa. (Ảnh: Costfoto/Barcroft Media)
Tối đó, tôi và bố mẹ chồng cãi nhau. Tôi mong muốn được trở về Việt Nam. Bố mẹ chồng thì nhất quyết không đồng ý, ông bà đã lấy visa của tôi đem đi giấu. Tôi chỉ còn biết hét toáng bất lực.
Hôm sau, nắng lên, thời tiết Giam Lợi ấm hơn chút, tôi cởi xe ra khỏi nhà, mặc chồng khuyên ngăn. Đi ra ngoài khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn kết nối với thế giới.
Ngoài đường, một vài người Hoa cũng đã đổ ra sưởi nắng, tập thể dục, tiếng cười nói qua lớp khẩu trang khiến tôi cảm thấy sự sống như bắt đầu le lói trong ổ dịch. Trông ai cũng thoải mái, khoẻ khoắn hơn hẳn.
Đi được một đoạn, đến gần công viên thì xe cấp cứu đã chắn đường, tốp cảnh sát lên tiếng yêu cầu tất cả nguời dân mau chóng vào nhà. Dưới nền đất, một người đàn ông đã nằm im. Tôi nhìn ông bị nhấc bỗng lên nhẹ huề rồi đẩy vào băng chuyền. Những bộ đồ bảo hộ leo lên sau, rồi tiếng xe còi vang lên xé cả không gian. Tất cả chúng tôi đứng xa nhìn nhau ái ngại.
5 phút sau, mặt đường lại vắng lặng, trời đổ lạnh tê tái. Tự nhiên tôi cứ đứng đó khóc. Khóc đến khi ướt nhoè khuôn mặt thì quay đầu trở về nhà.
Đó là lần cuối cùng tôi bước qua cánh cổng nhà – ngày mùng 6 Tết.
Tôi không biết ngày mai sẽ ra sao? Chúng tôi còn phải ăn trứng với rau luộc đến chừng nào? Tôi nhớ mẹ! Tôi muốn trở về Việt Nam…
Dưới tôi mấy tầng, có người vừa chuyển đi. Cảnh sát ập vào, đưa nạn nhân lên xe, cả gia đình cũng buộc phải đi theo đến bệnh viện để kiểm tra. Phía đối diện, một gia đình nữa cũng vừa được yêu cầu rời khỏi chung cư. Không khí nháo nhào cả lên.
Ban quản lý phun thuốc khử trùng rồi thông báo cho toàn bộ cư dân không ra khỏi cửa. “Bên tôi có người bị rồi”, “Bên này cũng có người”… tin nhắn reo lên, tôi không còn dám cầm lên đọc nữa. Khắp toà chung cư cao cấp của chúng tôi giờ đều khoá, không ai dám bước qua cánh cửa nhà đã treo câu đối đỏ chúc phúc.
Cái Tết Canh Tý trôi qua đầy sự im lặng. Không người. Không pháo hoa. Không một lời chúc mừng năm mới.
Một người đàn ông đi qua công trình trang trí năm mới âm lịch ở Vũ Hán. (Ảnh: Getty Images)
Mấy mùa Tết ở Sài Gòn, tôi chỉ toàn nằm nhà, hết ăn rồi ngủ, Tết như không Tết vậy. Thế nên hôm Yang nhắn wechat rủ tôi sang nhà nó chơi, tôi hào hứng nhận lời ngay.
May đầu tháng 1, tôi có lịch trình công tác bên Trung nên xin visa hẳn 15 ngày. Xong công việc, 28 Tết tôi đón xe tới nhà Yang. Nhà nó nằm trong một khu chung cư cao cấp ở nội thành Xích Bích nên không khí náo nức lắm!
Chiều, tôi cùng gia đình Yang đi mua sắm Tết. Trên khắp các trung tâm thương mại, người ta nối đuôi nhau như những đoàn tàu, trước các gian hàng quần áo, thịt thà, rau củ… mấy dì mấy cô đã xếp hàng đông nghịt, tiếng rao bán, mặc cả, ồn ào. Chúng tôi ghé mua ít thịt, rau và gạo rồi trở về.
Lúc này, tuy ngoài phố, người ta đã truyền tai nhau về dịch bệnh Vũ Hán, cặn dặn về việc đeo khẩu trang, nhưng vẫn có người có, người không. Tôi với Yang lượn qua mấy con phố lớn để sắm vài bộ đồ sale. Đèn điện, lồng đèn, câu chúc Tết đã treo đỏ rợp cả con đường.
Sáng 30 Tết, chúng tôi dậy sớm, tất bật chuẩn bị nhiều món đặc trưng, nào là cá hấp, há cảo, thịt cừu, dưa cải, thịt heo… Hai cô chú của Yang từ xa đến thăm Tết rồi ở lại ăn uống. 7 người quây quần bên cái bàn tròn, nói cười không ngớt.
Bàn cỗ vẫn vui vẻ vào ngày 30 Tết.. Ảnh: NVCC.
Đến trưa, loa phát thanh, tivi bắt đầu ra rả về nCoV. Chúng tôi vừa ăn vừa lắng nghe thông báo rằng Xích Bích đã nhiễm bệnh. Đến chiều, cô chú của Yang vội vã ra về, nhưng xuống tới sảnh thì ban quản lý đã chặn lại và yêu cầu quay trở lại nhà gấp. Ngoài đường, cảnh sát đã phong toả đường, họ dựng lô cốt để chặn tất cả cửa ngõ ra vào, từng tốp từng tốp đứng canh giữ ở những ngã ba, ngã từ để sơ tán người dân. 30 phút, đường phố đã không bóng người.
Đó là lần đầu tiên chúng tôi cảm giác về một sự sợ hãi vô hình sắp sửa ập đến!
Mỗi ngày, chúng tôi đều thức dậy bằng tiếng loa phát thanh thông báo chỗ này vừa mới phát bệnh, chỗ kia phải cách ly…, ai cũng hoang mang tột độ. Giao thừa, pháo hoa vẫn nổ đì đùng, nhưng chẳng ai dám mở cửa sổ ra xem.
Cảnh sát vũ trang trên đường phố Vũ Hán. (Ảnh: Costfoto/Barcroft Media).
Chúng tôi tự nhốt mình trong phòng. 3 buổi sáng, trưa, tối mới cùng nhau ăn uống. Bố mẹ Yang luôn tránh né việc nói về dịch bệnh, thay vào đó hai bác thường hỏi thăm về chuyện gia đình, bố mẹ, tình yêu để giúp tôi vui vẻ hơn. Ngoài đường tiếng loa phát thanh vẫn rỉ rả, hôm qua mới 200 người chết, hôm sau đã gần 300, tôi chẳng thể cười được nữa, một sự xót xa ngấn lên trên mắt.
Chúng tôi tích cực ăn nhiều rau nhất có thể. Thời gian rảnh thì tập thể dục, xem phim và chơi mạt chược cùng nhau. Buổi tối, tôi cùng Yang sẽ gọi điện cho bạn bè ở Hồ Bắc để chúc Tết. Chúng tôi thèm được nói chuyện, nhưng Vũ Hàn và Corona bỗng chốc thành chủ đề chính khiến chúng tôi nhanh chóng xuống tinh thần.
Đến mùng 4 Tết thì chung cư bắt đầu nháo nhào lên. Một trường hợp phát hiện bệnh được chuyển đi gấp. Đến mùng 7 thì lại thêm một người nữa. Mọi thứ dần trở nên căng thẳng, cả dãy nhà gần như đã bị phong toả, ban quản lý yêu cầu mọi người ngừng việc ra khỏi nhà.
Nhân viên kiểm tra các cơ sở tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) trước khi nhận bệnh nhân bị nhiễm coronavirus. (Ảnh: Chine Nouvelle/SIPA/Rex/ Shutterstock)
Đến mùng 8 thì số lương thực dự trữ cũng bắt đầu cạn kiệt. Chúng tôi phải viết ra giấy một vài thứ cần thiệt rồi gửi qua liếp cửa hoặc nhắn tin trên wechat để nhờ ban quản lý mua hộ.
Mẹ gọi điện liên tục. Tình hình bây giờ ở Việt Nam cũng căng thẳng không kém càng khiến bà thêm lo. Tôi phải cố trấn an mẹ, gọi video-call mỗi ngày để mẹ thấy mặt mình vẫn ổn. Nhưng tôi gần như không thể cười được nữa.
Mỗi ngày, nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi chỉ mong ngóng thấy bóng một ai đó đi lại khoẻ khoắn ngoài những bộ đồ phòng hộ, và trên loa phát thanh hôm nay thay vì số lượng ca tử vong có thể phát lên một tin tốt lành về tình trạng đã khỏi…
Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5/2, số ca nghi nhiễm mới chủng mới của nCoV tại ở Trung Quốc đại lục đã giảm trong ngày thứ 2 liên tiếp. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác cách ly, phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, trong ngày 4/2, Trung Quốc ghi nhận 3.971 ca nghi nhiễm mới tại 31 khu vực cấp tỉnh, giảm mạnh so với 5.072 ca trong ngày 3/2 và 5.173 ca ngày 2/2.
Hai bác sĩ nói chuyện tại bệnh viện Zhuoer Yangtze River có 300 giường ở Vũ Hán. (Ảnh: Barcroft Media qua Getty Images)
Ngoài ra, trong ngày 4/2, có 262 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới được xuất viện sau. Như vậy, tính đến hết ngày 4/2, đã có 892 bệnh nhân tại nước này được điều trị thành công kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus 2019-nCoV bùng phát.
Dữ liệu trong đêm 4/2 cho thấy, tỉ lệ tử vong trên số ca nhiễm bệnh tại tỉnh Hồ Bắc đã giảm 0,2% từ 3,1% của ngày 3-2 xuống còn 2,9% trong ngày 4-2.
Các quan chức y tế Trung Quốc nói rằng ưu tiên hiện nay là ngăn ngừa các bệnh nhân nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) đang bị nhẹ không trở nặng và nguy kịch. Các phương pháp điều trị đang chứng tỏ hiệu quả.
Huy Hậu ghi , theo Trí Thức Trẻ