“NSND Anh Tú không hiện diện ở đây nữa nhưng tôi tin anh vẫn ở đâu đấy trong nhà hát này”, đạo diễn Hiroyuki Muneshige tâm sự.
“Tôi tin NSND Anh Tú vẫn ở đâu đấy trong nhà hát này”
Những ngày cuối cùng của tháng 12/2018, khán giả Việt Nam vô cùng đau buồn khi phải đưa tiễn NSND Anh Tú về nơi an nghỉ cuối cùng sau một thời gian nhập viện cấp cứu vì biến chứng tiểu đường.
Sự qua đời của NSND Anh Tú để lại nỗi mất mát lớn lao cho khán giả Việt Nam, đặc biệt là những người yêu mến sân khấu kịch.
Trong suốt những năm tháng lao động và cống hiến, NSND Anh Tú “ăn ngủ cùng sân khấu”. Dù biết mang trong mình nhiều bệnh nặng, mỗi ngày phải uống cả vốc thuốc nhưng ông vẫn không chịu nhâp viện. Cho đến khi bệnh tình trở nên trầm trọng, không thể gắng gượng được nữa…
NSND Anh Tú đã cống hiến cho sân khấu Việt Nam cho đến lúc sức tàn lực kiệt.
NSND Anh Tú mất đi, rất nhiều hoài bão, kế hoạch của anh cho sân khấu kịch vẫn còn đang dang dở. Một trong số đó là vở kịch “Sự sống” mà anh đang dàn dựng cùng với đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige.
Tối qua (9/1), vở kịch đã chính thức được công diễn, để lại niềm xúc động rất lớn trong lòng khán giả và những nghệ sĩ có mặt tại đó.
Chia sẻ về vở kịch này, đạo diễn Hiroyuki Muneshige kể rằng lần đầu tiên ông đến Việt Nam, ông đã đến Nhà hát Kịch Việt Nam và tại đây, ông gặp NSND Anh Tú.
Hai người đã ấp ủ một dự án nghệ thuật hợp tác các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản. Thế nhưng, khi mọi thứ còn đang dang dở, thì NSND Anh Tú đột ngột từ trần.
“NSND Anh Tú không hiện diện ở đây nữa, nhưng tôi tin anh vẫn ở đâu đấy trong nhà hát này”, ông Hiroyuki Muneshige tâm sự.
Đạo diễn người Nhật Hiroyuki Muneshige (bên phải)
Truyện cổ 600 năm trước của Nhật Bản được kể lại bằng hình thể
Kịch “Sự sống” của NSND Anh Tú và Hiroyuki Muneshige đồng đạo diễn dựa trên nguyên tác truyện “Tanikoh” (Vách núi) của Nhật Bản, ra đời cách đây khoảng 600 năm.
Nội dung kể về một thiếu niên hiếu thảo, quyết định tham gia vào chuyến tu hành lên núi để cầu nguyện cho sức khỏe của người mẹ đang mang trọng bệnh.
Thế nhưng, giữa đường cậu bị đổ bệnh. Theo quy tắc của đạo tu hành, những người không thể di chuyển giữa đường sẽ bị xử lý theo hình thức là ném xuống vách núi rồi chôn sống.Tuy nhiên, vị thần núi đã xuất hiện và cứu sống cậu.
Nội dung của vở kịch khá đơn giản, thế nhưng dưới sự sáng tạo của hai vị đạo diễn tài năng và sự thể hiện diễn xuất đặc sắc của dàn diễn viên, “Sự sống” đã mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc, ấn tượng.
Câu chuyện được kể bằng chính ngôn ngữ hình thể của diễn viên chứ không phải bằng lời nói. Bởi vậy, sự khác biệt ngôn ngữ gần như bị xóa nhòa.
Đây cũng là một vở kịch đánh dấu sự thể nghiệm nghệ thuật rất độc đáo trên sân khấu kịch. Các diễn viên không được phân vai cố định như thông thường, mà liên tục tráo đổi cho nhau. Đôi lúc, họ hóa thân thành núi, thành tảng đá gập gềnh hiểm trở bằng chính cơ thể của mình.
Ngoài ra, hiệu ứng âm thanh từ việc chơi nhạc cụ trực tiếp trên sân khấu cũng tạo ra một không gian kịch rất thú vị.
Vở kịch có sự góp mặt của 2 diễn viên người Nhật Bản là Mika Kumon và Yuka Shimiz. Cùng với đó là dàn diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam: Phương Nga, Quỳnh Hoa, Tuyết Trinh, Ngô Thuận, Hồng Phúc, Diễm Dương, Nguyễn Thị Đào, Thu Quyên, Văn Cương, Minh Tùng, Mai Nguyên, Xuân Nam, Việt Hoa.
NSƯT Xuân Bắc – Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam tặng hoa chúc mừng cho bà Tae ITO – biên đạo hình thể của vở kịch.
Dàn diễn viên góp mặt trong vở kịch “Sự sống”.