Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia hàng đầu về y tế dự phòng, việc xem xét dừng tổ chức các lễ hội trong bối cảnh dịch corona gia tăng là cần thiết, phòng lây lan.
‘Dừng các hoạt động lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay là cần thiết’
Hiện nay, tình hình diễn biến bệnh viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính tới thời điểm sáng ngày 31/1, trên thế giới đã ghi nhận 22 vùng lãnh thổ, quốc gia có người mắc bệnh. Số người mắc bệnh trên toàn thế giới đã tăng lên nhanh chóng 8.239 người mắc.
Trước nguy cơ lây truyền dịch bệnh mới nổi Ban bí thư chỉ đạo trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị để phòng chống dịch corona.
Trao đổi với phóng viên Báo Trí thức trẻ thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bày tỏ quan điểm: “Việc dừng các hoạt động lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay là cần thiết. Vì tại lễ hội là nơi tiếp xúc rất nhiều người, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ cao.
Một số người trông khỏe mạnh nhưng có thể họ đã mang mầm bệnh. Trong lễ hội thường là nơi tập trung đông người chen lấn nhau, khoảng cách tiếp xúc là rất gần và lây lan bệnh rất mạnh cho nhiều người.
Đặc biệt, là những người có yếu tố nguy cơ đã sinh sống, đi tới, tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu mang mầm bệnh thì nguy cơ lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng cao”.
Theo đánh giá của chuyên gia Y tế dự phòng khi có dịch bệnh xuất hiện lời khuyên, khuyến cáo đối với người dân là tránh tụ tập nơi đông người.
Bệnh viêm phổi cấp do virus corona được truyền qua nước bọt, tiếp xúc gần. Khi tiếp xúc càng gần thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ càng cao.
Lễ hội là nơi dễ phát tán bệnh.
“Với virus tiếp xúc trong vòng 2m cũng có nguy cơ lây nhiễm. Trong lễ hội tiếp xúc gần như vậy thì yếu tố nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Vấn đề đau đầu nhất hiện nay là không biết được ai mang mầm bệnh. Do thời gian ủ bệnh do virus corona dài (trong khoảng 14 ngày), nhiều người không có triệu chứng.
Nếu như bệnh H5N1, SARS thường có triệu chứng và phải nhập viện luôn. Nhưng nhiễm virus corona triệu chứng rất nhẹ (ho, viêm họng nhẹ), có những trường hợp sẽ nhầm với cảm lạnh hoặc thậm chí có người không có triệu chứng nên mọi người không để ý“, PGS.TS Huy Nga nói.
Là một trong những chuyên gia đầu ngành về y tế dự phòng và đã trải qua rất nhiều mùa dịch, PGS.TS Huy Nga đánh giá, mức độ nguy hiểm của virus corona theo như công bố tỉ lệ tử vong không cao (dưới 3%) bằng SARS,H5N, nặng hơn H1N1, nhưngkhả năng lây lan của virus corona là rất mạnh.
“Do bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ người nhiễm vẫn khỏe mạnh nhưng đã có mầm bệnh. Nếu người mang mầm bệnh đi lại nhiều thì nguy cơ lây bệnh càng cao.
Vấn đề thứ 2, nguyên tắc hoạt động của virus khi vào người (vật chủ chết) sẽ không phát tán được. Nhưng nếu lúc bệnh nhẹ sẽ phát tán nhanh do người đi lại tiếp xúc lây cho người khác.
Về nguyên lý khi virus virus động lực nhẹ thì nguy cơ phát tán bệnh sẽ càng nhanh, nhiều người sẽ mắc”, PGS.TS Huy Nga.
“Nếu không dừng lễ hội là quá chủ quan”
Chuyên gia khuyến cáo vì sức khỏe của chính mình và gia đình không nên tới nơi lễ hội, tập trung đông người. Các cơ quan, rạp hát, rạp chiếu phim phải mở cửa cho thông thoáng để hạn chế virus phát triển.
Trước những ý kiến cho rằng hiện ngay số người mắc ở Việt Nam không cao và dịch virus corona chủ yếu tại Trung Quốc việc dùng các hoạt động lễ hội là không cần thiết, PGS.TS Huy Nga chia sẻ:
“Nếu không dừng hoạt động lễ hội trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp là quá chủ quan. Vì điều kiện thời tiết của miền Bắc hiện nay rất dễ giúp cho dịch lây lan. Hiện nay, mới 10 ngày những người từ Trung Quốc về ăn Tết hoặc người Trung Quốc sang Việt Nam có nghĩa là mầm bệnh đang vẫn âm ỉ. Vì vậy, chúng ta không nên quá chủ quan, việc dừng lễ hội là cần thiết”.
Theo PGS.TS Huy Nga, trong trường hợp lễ hội vẫn diễn ra như bình thường, thì người dân cần lưu ý khi tham gia cần phải đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước, tăng cường sử dụng các thực phẩm tăng cường sức đề kháng, sức miệng bằng nước muối thường xuyên…
Đối với người dân gia đình có người có triệu chứng sốt, hô hấp cần đưa tới bệnh viện để được khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân. Nếu ghi ngờ mắc bệnh thì phải cách ly, theo dõi và điều trị ngay.
Ngoài ra, cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mở cửa giúp nhà thông thoáng. Không nên bật điều hòa đóng kín cửa nguy cơ lây lan sẽ mạnh hơn
PGS.TS Huy Nga cho hay: “Virus corona đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ em vì vậy cần chú ý tới nhóm đối tượng này hơn”.
Ngọc Minh , theo Trí Thức Trẻ