Sau 10 năm đi làm công việc chẳng giống ai, điều mà người mẹ đồng nát hạnh phúc nhất là đã cứu sống được 79 đứa trẻ trong số gần 27.000 thai nhi bị bỏ rơi. Trong đó, có những thai nhi nằm vỏn vẹn trong túi nylon, chẳng còn lành lặn…
Tìm về xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam trong những ngày giữa tháng 7, chúng tôi gặp chị Đỗ Thị Cúc (48 tuổi), người “nổi tiếng” khắp làng Phú Đa bởi làm công việc chẳng giống ai – đi nhặt thai nhi.
Chị Cúc đang mở hộp đựng thai nhi, chị nâng niu như những đứa con của mình
Bức tường bên hông nhà chị Cúc chất đầy những chiếc tiểu dùng để chôn cất thai nhi
Từ nhặt đồng nát đến mối nhân duyên với hàng vạn thai nhi bị bỏ rơi
Cuộc sống khó khăn khi phải phụ chồng nuôi mẹ già và 4 đứa con thơ dại, chị Cúc cũng như nhiều người phụ nữ bình thường khác ở xã Công Lý, hàng ngày phải đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập.
Trong một lần tình cờ, chị nhìn thấy một túi nylon màu đen, khi mở ra thì có đến 7 thai nhi nhỏ xíu nằm gọn bên trong.
“Nhiều người trông thấy có mà sợ hãi bỏ chạy hết, chẳng hiểu sao như số trời đã định tôi không bỏ đi mà ngồi bình tĩnh lại. Nhìn thấy 7 hình hài đỏ hỏn, trông thương quá nên tôi quyết định mang các con về nhà chôn cất”, chị Cúc nhớ lại.
Chị Cúc bế đứa con thơ kể về cái duyên với nghề
Khi ấy, trong túi chỉ có hơn 30 chục nghìn mang đi để phòng thân nhưng chị vẫn quyết định lấy hết số tiền đó mua những miếng vải nhỏ và hộp nhựa để chôn cất các con trong vườn nhà mình, nơi mà 2 đứa con xấu số của chị cũng mãi nằm dưới lòng đất.
Cũng từ giây phút đó, chị quyết định dành mảnh đất của mình cho những sinh mệnh xấu số không có cơ hội được làm người. Và cũng từ ngày đó, chị bắt đầu hành trình dài thầm lặng của mình, từ nhặt đồng nát sang nhặt thai nhi.
Dù cho, cả xóm lúc ấy dị nghị, xem chị Cúc là người “không bình thường”…
Hình ảnh chị Cúc với bộ quần áo giản dị, trên đầu luôn đội chiếc nón lá đi chăm lo hương khói cho các thai nhi.
“Khổ! Ngày mới đi nhặt thai nhi về hàng xóm láng giềng đều lời ra tiếng vào, họ tưởng mình làm công việc này vì mục đích gì xấu. Thế rồi ở cả những bệnh viện, lúc đầu đi xin cũng có được đâu. Cũng may dần dần họ hiểu ra mà may mắn nhất là gia đình luôn ở phía sau ủng hộ”, chị Cúc chia sẻ.
Dù công việc đó tốn kém và vất vả nhưng với chị và gia đình luôn có cùng một suy nghĩ: “Nếu đó là cái duyên trời ban cho thì mình sẽ làm đến cùng. Nếu làm mà suy nghĩ đến tiền bạc thì không bao giờ chị làm công việc này đến ngày hôm nay”.
79 đứa trẻ được cứu sống, có cơ hội làm người
Nhờ suy nghĩ và tấm chân tình của chị Cúc mà cho đến nay những điều chị đã làm khiến mọi người cảm phục. 79 sinh mệnh được cứu sống, được có cơ hội làm người trên khắp tỉnh thành của đất nước, gần 27 ngàn thai nhi xấu số được yên nghỉ đó là những gì chị Cúc làm được trong hành trình dài suốt 10 năm qua.
Dành hết thời gian cho việc đi nhặt thai nhi, chị Cúc không còn đủ thời gian dọn dẹp, trang trí cho ngôi nhà nhỏ của mình.
Hiện tại để tiếp tục công việc này, mỗi lần đi đâu, gặp ai, chị Cúc đều để lại địa chỉ của mình với hi vọng có thể giúp được nhiều gia đình, cứu sống được nhiều thai nhi hơn nữa.
“Đi tới đâu tôi đều để lại số điện thoại, rồi địa chỉ của mình, ai cần tư vấn hay giúp đỡ tôi đều sẵn sàng có mặt. Vì thế mà nhiều người biết đến tôi, qua đó cũng kịp thời cứu giúp được nhiều em nhỏ“, chị Cúc chia sẻ.
Dù kinh tế còn khó khăn nhưng trong số những em bé được chị cứu sống, 3 đứa nhỏ đã trở thành một phần không thể thiếu trong gia đình nhỏ của chị.
Trong một lần như thế chị đã may mắn cứu sống được hai anh em sinh đôi Bảo Quốc và Bảo Khánh
“Cũng may trời thương để chị gặp được các con, mỗi lần mệt mỏi nghe tụi nó í ới gọi mẹ là hạnh phúc lắm. Nhiều lúc chị buồn vì nhiều bà mẹ do thiếu hiểu biết, bồng bột mà mang con mình vứt đi, tụi nó có tội tình gì đâu”, chị Cúc trăn trở.
Cầm trên tay tấm hình của hai em nhỏ song sinh, trên khuôn mặt chị Cúc nở một nụ cười mãn nguyện, chị xúc động nói: “Cách đây 5 năm, vì tôi để lại số điện thoại ở các bệnh viện mà cứu sống được hai em bé. Khi đó một cô gái đang còn học cấp 3 không hiểu lí do gì nên lỡ mang bầu, mà là thai đôi nhưng do không có khả năng nuôi dưỡng nên muốn bỏ thai đi khi mang bầu đã được 8 tháng.
Nhờ cuộc điện thoại đó mà tôi thuyết phục được cô bé giữ lại cái thai, vì không có tiền nên tôi phải chạy đi vay cho cô bé đó 10 triệu để trả viện phí. Bảo Quốc và Bảo Khánh vì thế mà được chào đời. Khi mới sinh hai con rất yếu, một đứa nặng 1,7 kg còn một đứa 1,8kg, do mẹ đẻ của hai con khi có bầu giấu gia đình nên ép bụng, hai con khi sinh ra cũng bị ảnh hưởng, sức khoẻ yếu”.
Những bộ quần áo của các em bé xấu số được chị tận tay chọn lựa
Nhờ tấm chân tình của một người xa lạ mà hai sinh mệnh bé nhỏ Bảo Quốc và Bảo Khánh được lớn lên trong tổ ấm của gia đình chị Cúc. Sau này khi lớn lên trong suy nghĩ của hai đứa trẻ, có lẽ được gặp “mẹ Cúc” là một trong những mối nhân duyên lớn nhất trong đời.
Những nấm mồ thai nhi không tên và lời cảnh tỉnh
Gian nhà nhỏ nằm ngay cạnh nhà chính là nơi ở đầu tiên của những thai nhi xấu số được chị Cúc mang về. Để có thể giữ thai nhi không bị phân huỷ trước khi mang đi chôn cất, chị Cúc sau khi tự tay lau chùi và vệ sinh cho các em sẽ bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
Những nấm mộ không tên được chị Cúc lập cho các thai nhi. Hiện tại đã có hơn 27 ngàn thai nhi được chị chôn cất
Chiếc ô tô được đặt trên những nấm mồ vô danh khiến ai nhìn thấy không khỏi chạnh lòng
“Mỗi lần đi nhặt, nhìn thấy các con nằm trong chiếc túi nylon, trên người không một mảnh vải thấy mà đau lòng. Về đến nhà khi vệ sinh sạch sẽ rồi mặc quần áo cho các con lại càng đau xót, những thai nhi không còn nguyên vẹn hoặc mới được ít tháng thì không nói, còn những em bé sắp đến ngày sinh, chân tay, mặt, mũi đều nguyên vẹn trông bụ bẫm mà xấu số thì thương lắm.
Lẽ ra chỉ ít ngày nữa thì các con sẽ được khóc, được sống để làm người, rồi chẳng mấy chốc lại trưởng thành, ấy vậy mà…”, chị Cúc nghẹn lời.
Trung bình mỗi ngày, chị đi nhặt được vài chục em trong một túi, mùa hè thì nhiều hơn, tính ra trung bình mỗi tháng nhặt được 300-400 thai nhi. Có tháng nhiều nhất 600-700 em bé.
Hai chiếc bể này chị Cúc xây dựng sẵn cho hai vợ chồng sau khi mất, giờ nhường lại phần bể để chôn cất thai nhi
Những ngày đầu chưa có điều kiện, gia đình chị Cúc phải mua những miếng xi măng rồi về ghép lại để đặt thai nhi trước khi mang đi chôn cất
Dẫn chúng tôi ghé thăm nơi chôn cất thai nhi, những nấm mồ không tên khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Đưa đôi mắt ngần ngại, chị Cúc kể: “Trông những cái bể to và sâu như vậy nhưng chẳng mấy mà lại đầy bể, khoảng 2 năm thì những cái bể này lại đầy. Mới mấy năm mà toàn bộ khu này đã chôn cất được 27 ngàn thai nhi rồi, chỉ sợ không có đất để chôn cất các con”.
Chỉ tay vào hai cái bể to đang nằm bên cạnh, chị bảo: “Phần này là phần gia đình xây sẵn cho hai vợ chồng tôi nhưng rồi số lượng thai nhi nhặt về nhiều nên hai vợ chồng quyết định nhường phần bể lại để làm nơi chôn cất các con, kéo dài được năm nào hay năm đấy”.
Với bản thân chị Cúc và gia đình dù có tiếp tục công việc, dù có nhặt được hàng nghìn, hàng vạn sinh linh nữa nhưng điều đó chỉ vơi đi một phần nỗi đau bởi chị có thể cho những thai nhi được những nấm mồ chứ chẳng thể mang lại sự sống cho những em bé xấu số.
Anh Trần Tuyến – chồng chị Cúc luôn ủng hộ và giúp đỡ công việc chẳng giống ai của chị
Hai bé Bảo Quốc và Bảo Khánh may mắn được chị cứu sống, giờ đây trở thành thành viên trong đại gia đình chị Cúc.
“Tôi sẽ tiếp tục công việc này đến chừng nào còn có thể, nhưng tận sâu trong thâm tâm tôi muốn mỗi ngày, mỗi năm sẽ có ít đi những thai nhi bị bỏ rơi. Tôi cho các con được một nấm mồ, một ngôi nhà nhưng các con không được sống thì điều đấy vô cùng đáng tiếc. Tôi mong các bạn trẻ hãy dũng cảm đối mặt với những sai lầm bồng bột của mình để các con được chào đời, được sống trong một gia đình hạnh phúc có bố, có mẹ”, chị Cúc nghẹn lời.