Một khi INF bị xoá sổ thì không phải Mỹ mà chính những đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO ở châu Âu xung khắc quan hệ với Nga mới là những bên phải lo ngại sâu sắc nhất.
Thực chất mục đích của ông Trump
Sau Liên minh Bưu chính Quốc tế (IPU) là Hiệp ước về Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) – tổng thống Mỹ Donald Trump đã lại thêm lần nữa chứng tỏ rất kiên định và kiên quyết với chủ định rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận, thể chế và tổ chức đa phương quốc tế mà Mỹ tham gia, bất kể đã từ rất lâu như IPU với 144 năm hay mới đây nhất là Hiệp ước Paris của Liên Hợp Quốc (LHQ) về bảo vệ khí hậu trái đất.
Trong trường hợp nào cũng vậy, ông Trump đều đưa ra hai lý do và thực chất theo đuổi một mục đích. Lý do của ông Trump là những thoả thuận, thể chế hay tổ chức kia đều gây hại nhiều hơn là làm lợi cho nước Mỹ và việc ra đưa nước Mỹ ra khỏi chúng là cần thiết bởi nếu muốn “Nước Mỹ trước hết” thì không thể hành xử khác.
Còn thực chất mục đích của ông Trump là không còn tôn trọng và tuân thủ những dàn xếp đa phương và song phương cũ để nước Mỹ đứng ngoài; hoặc những dàn xếp cũ đó không còn hiệu lực nữa do không còn sự tham gia của Mỹ nên sẽ bị huỷ bỏ; hoặc sẽ phải có dàn xếp mới thay thế mà Mỹ không chỉ tham gia ngay từ đầu mà còn đóng vai trò định hướng, dẫn dắt và quyết định luật chơi.
Với ý định rút nước Mỹ ra khỏi INF, ông Trump xoá kết quả của ván bài cũ trong cuộc chơi cũ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Ảnh minh họa: CNBC
Với ý định rút nước Mỹ ra khỏi INF, ông Trump xoá kết quả của ván bài cũ trong cuộc chơi cũ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, được Nga tiếp tục sau khi Liên Xô tan rã, để chơi ván bài mới mà lần này không chỉ với Nga mà còn với cả một số đối tác khác.
Ở những quyết sách trước đó, ông Trump bỏ đa phương để nước Mỹ đứng riêng biệt hoặc để chơi song phương, còn ở INF thì ông Trump bỏ song phương để đi riêng hoặc chơi cuộc chơi đa phương.
Tuy không đưa ra được bằng chứng cụ thể và xác thực nào, nhưng ông Trump lại có thể dễ dàng cáo buộc Nga vi phạm INF khi viện dẫn cáo buộc của chính quyền tiền nhiệm từ năm 2014 và đánh giá hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ đó đến nay là Nga vi phạm INF bằng cách chế tạo ra loại tên lửa hạt nhân tầm trung mới.
Nga cũng cáo buộc Mỹ vi phạm INF từ mấy năm nay rồi. Từ đó có thể thấy là INF có tầm quan trọng rất to lớn ở thời Chiến tranh Lạnh nhưng không còn như vậy nữa đối với Mỹ và Nga ở thời hậu Chiến tranh Lạnh.
INF và mối quan hệ đa phương
Mỹ và Nga đều đã có chiến lược mới về hiện đại hoá vũ khí hạt nhân và INF tuy không gây hại nhưng cũng chẳng có lợi gì cho hai bên trong chiến lược ấy. Ảnh minh họa: Reuters
Hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ INF không phải là Mỹ hay Nga mà là những đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO ở châu Âu. Một khi INF bị xoá sổ thì không phải Mỹ mà chính những đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO ở châu Âu xung khắc quan hệ với Nga mới là những bên phải lo ngại sâu sắc nhất, với nước Anh là trường hợp ngoại lệ.
Cho nên ngay lập tức, phía Anh lên tiếng ủng hộ chủ ý của ông Trump còn các nước khác bày tỏ lo ngại, nhấn mạnh nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang hạt nhân mới. INF chỉ chế tài loại tên lửa hạt nhân tầm trung mà loại tên lửa này chỉ là một trong nhiều loại tên lửa và vũ khí hạt nhân, không đóng vai trò quyết định đối với sự cân bằng về vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga.
Riêng trong chuyện liên quan đến INF, Mỹ và Nga chẳng khác gì “lòng vả cũng như lòng sung” ở cả ba kịch bản có thể xảy ra là: duy trì INF, huỷ bỏ INF và đàm phán hiệp ước mới thay thế cũng như huỷ bỏ INF mà không có đàm phán về thoả thuận mới thay thế.
Nếu chỉ xét ở phương diện song phương thì ván cũ hay ván mới chẳng khác gì nhau đối với Mỹ và Nga. Phía Nga mạnh lời phê phán ý định này của ông Trump chẳng qua chủ yếu để tranh thủ dư luận và dồn hết mọi trách nhiệm về phía Mỹ thôi chứ trên thực tế không bị bất ngờ.
Trong thực chất, Nga không lo ngại và thật ra thừa hiểu rằng ông Trump không phải rút nước Mỹ ra khỏi INF vì tin rằng Nga vi phạm INF khiến tương quan lực lượng vũ khí hạt nhân thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ mà vì cần cớ và dịp để xoá kết quả ván bài cũ, tạo ra tình huống mới cho ván bài mới.
Nga tuy không nói ra công khai nhưng ở trong thâm tâm lại không thể không đồng tình với ông Trump ở chỗ cho rằng hiện tại so với thời điểm năm 1987, khi INF được ký kết, đã khác biệt hết sức cơ bản về vũ khí hạt nhân.
Ngày nay, trên thế giới không chỉ có Mỹ và Nga sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung mà còn có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và thậm chí có thể còn cả Triều Tiên và Iran.
INF lại chỉ nhằm vào kho tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ và Nga.
Khi xưa, tên lửa hạt nhân tầm trung của Liên Xô có thể vươn tới lãnh thổ các nước đồng minh quân sự của Mỹ. Bây giờ, tên lửa hạt nhân tầm trung của những đối tác kia đủ khả năng đe doạ nhiều mục tiêu của Mỹ trên thế giới.
Răn đe hạt nhân phát huy tác động giữa Mỹ và Nga, xưa cũng như nay, nhưng không hẳn luôn như vậy giữa Mỹ và các đối tác kia hoặc giữa các đối tác kia với các đồng minh quân sự của Mỹ. Mỹ và Nga đều đã có chiến lược mới về hiện đại hoá vũ khí hạt nhân và INF tuy không gây hại nhưng cũng chẳng có lợi gì cho hai bên trong chiến lược ấy.
Việc huỷ bỏ thoả thuận về giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân như INF bao giờ cũng mở ra khả năng kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới. Chỉ có điều hủy bỏ INF không làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga bị xấu đi thêm nghiêm trọng, trong khi mối quan hệ của hai nước này với nhiều đối tác khác trên thế giới lại bị ảnh hưởng rất đáng kể.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại