Dù thiếu tình cảm của bố mẹ từ rất sớm nhưng Hiền Sa luôn biết cách tự tìm niềm vui trong cuộc sống và chưa bao giờ lấy đó là lí do cho bất cứ thất bại nào của mình.
Đó là vào kỳ nghỉ hè của gia đình, bố mẹ Sa chẳng may bị tai nạn ở biển và ra đi, để lại cô khi ấy chưa tròn 7 tuổi và anh trai 10 tuổi. Lúc nhận được tin, hai anh em rất buồn và khóc nhưng vẫn tin rằng khi lớn lên mình sẽ trở thành bác sĩ để chữa khỏi cho bố mẹ, để bố mẹ sẽ lại trở về. Ngày ấy, cả Sa và anh đều không thích và luôn lẩn tránh mỗi khi ai đó tỏ vẻ thương hại vì “chúng nó mồ côi cả bố lẫn mẹ”. Trong thâm tâm hai anh em cô chẳng bao giờ muốn nhắc đến hai tiếng “mồ côi”.
Sa vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra hồi học Tiểu học, khi lần đầu cô cảm nhận được giá trị của lòng biết ơn và không tự so sánh mình với người khác. “Đó là khi chuẩn bị biểu diễn văn nghệ ở Cung thiếu nhi. Các bạn được cô phụ trách trang điểm với phấn trắng, son gió, má hồng và chì kẻ lông mày. Duy có một bạn gái trong nhóm có mẹ đi theo. Mẹ bạn ấy có một cốp đựng đồ trang điểm rất to, bên trong có rất nhiều thứ mà bé gái nào nhìn thấy cũng phải mê mẩn. Cô ấy đã gắn lông mi giả cho con gái bằng một tuýp keo trắng nhỏ, trong khi những bạn khác chỉ dùng nhựa hồng xiêm. Cô ấy đánh nhũ mắt cho con gái trông xinh vô cùng.
Tối hôm đó về nhà, mình nói với anh trai: “Em ghét bố mẹ. Tại bố mẹ mất sớm, chứ không em cũng sẽ được mẹ gắn lông mi bằng keo mà không phải bằng nhựa hồng xiêm và đánh mắt có nhũ để đi múa”. Anh trai nghe vậy chỉ nói: “Em phải thấy biết ơn vì bố mẹ sinh em ra có hai mắt sáng lành lặn để gắn được lông mi kể cả chỉ là bằng nhựa hồng xiêm”. Ngay khi nghe câu nói đấy, mình đã rất hối hận vì có những suy nghĩ thật xấu và nhỏ nhen. Mình tự nhận ra mình vẫn là một đứa trẻ may mắn”.
Từ bé, Hiền Sa đã luôn biết cách tìm thấy niềm vui trong nỗi buồn, thấy điều may mắn trong rủi ro, thấy cách giản đơn trong những tình huống phức tạp. Mỗi sáng khi tỉnh giấc, cô lại cảm thấy biết ơn cuộc sống vì những điều rất nhỏ. Sa bảo: “Đó chính là cách để mình trân quý những gì đang có, để sống tích cực, vui vẻ và luôn giữ được tâm an đón nhận mọi điều xảy đến – dù là chuyện vui hay buồn”.
Khi con gái nhỏ 15 tháng tuổi, Hiền Sa quyết định mở trường mầm non tư thục với mong muốn con gái mình sẽ được học trong một môi trường ngập tràn sự yêu thương và tôn trọng, được thỏa sức chơi vui… Cô cũng mong muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới những đứa trẻ khác, để giúp các con luôn tìm thấy niềm vui trong trong từng việc mình làm.
Hiền Sa chia sẻ: “Hằng ngày khi tới làm việc, các cô giáo sẽ dành thời gian đầu giờ và cuối giờ để ghi vào cuốn sổ tay của trường điều các cô thấy biết ơn mỗi ngày. Từ đó, các cô nhận ra mỗi ngày của mình trôi qua không còn nhàm chán, thay vào đó là những điều tốt đẹp, những giá trị tích cực đã đạt được trong ngày.
Khi hiểu việc khiến cho bản thân cảm thấy buồn rầu, bất hạnh hay vui vẻ, may mắn… đều là do lựa chọn của chính mình, họ sẽ dần tự tìm ra các giải pháp để loại bỏ những tác nhân đang rút cạn cảm xúc tích cực của bản thân. Đặc biệt, việc viết ra những điều mình thấy biết ơn còn giúp các cô nói ra lời cảm ơn một ai đó không còn quá khó khăn và ngượng nghịu”.
Khi các cô đã thấm nhuần về lòng biết ơn, các cô lại lập kế hoạch để lan tỏa tới các con những giá trị vô cùng tốt đẹp ấy. Không chỉ là biết ơn ông bà, bố mẹ, mà các con còn học cách biết ơn Mẹ Thiên nhiên và trân trọng giá trị bản thân mình. Bọn trẻ được dạy có ý thức với thói quen sử dụng túi nilon và nhắc nhở mọi người xung quanh hãy hạn chế sử dụng túi nilon và thay bằng túi giấy, túi vải; học cách xử lí pin sau khi đã qua sử dụng cho đúng cách. Các con cũng biết cách nói không với những loại “thực phẩm rác” (junk food) vì hiểu dù chúng thơm ngon, hấp dẫn nhưng lại không có lợi cho sức khỏe.
Dù việc làm chủ một cơ sở mầm non không phải ước mơ Hiền Sa từng có, nhưng giờ cô đã và đang dành trọn tâm huyết cho ngôi trường nhỏ đáng yêu ấy.
Để có một cuộc sống tích cực và vui vẻ, theo Sa, ngoài tự tâm mình xoay vần theo hướng tốt lành còn cần có sự ủng hộ, sẻ chia của những người xung quanh.
Hiền Sa cảm thấy mình may mắn khi không chỉ có anh trai và chị dâu lý tưởng, mà còn có gia đình nhà chồng hết mực tâm lý và yêu quý cô. Ngày mới cưới, khi còn làm quản lí bên trường cũ, có lần trong bữa cơm tối cô than thở về công việc, bố chồng nghe được đã bảo: “Thôi chọn nghề khác mà làm, chứ làm nghề đã trăm việc như làm dâu trăm họ, lại còn phải giải quyết những cái không đâu cho mệt người”.
Nhưng khi cô quyết định mở trường cho riêng mình, chính ông lại là người tận tay đóng cán chổi lau nhà đúng kiểu dành cho mầm non để cô mang tới trường. Mỗi lần đến ngày lễ Tết, hay mồng Một, ngày Rằm hằng tháng, mẹ chồng lại chuẩn bị sẵn lễ lạt gồm trái cây, hoa tươi để cô mang đến trường thắp hương. Bà thường xuyên hỏi han con dâu công việc có gì khó khăn không để nghe con chia sẻ.
Và nhân vật quan trọng nhất cô luôn muốn nói lời cảm ơn thật nhiều đó chính là người chồng tuyệt vời, hậu phương vững chắc mỗi khi cô cần. Cô vẫn nhớ những ngày đầu xây dựng trường, có giai đoạn gần như cả tháng, cứ đến 10, 11h đêm cô mới từ trường về. Về đến nhà thấy con gái đã được ba tắm thơm tho, cho ăn no bụng và ngủ say trong cũi riêng từ bao giờ. Dù bận rộn không kém việc của cô, nhưng anh không ngại nấu ăn, làm việc nhà, chăm con gái nhỏ. Anh sẵn sàng hỗ trợ để cô có thể tham gia các lớp học, các khóa huấn luyện, phát triển bản thân.
Mới đây, anh còn tạo điều kiện để cô cùng các giáo viên ở trường tận hưởng một kỳ nghỉ hè không chồng con bên cạnh. Hiền Sa không hề cảm thấy áy náy hay tội lỗi, không phải phấp phỏng lo chuyện đến bữa con ăn mấy bát cơm, ngủ có ngon không. Bởi cô tự tin vào kĩ năng tự phục vụ và khả năng tự nhận biết nhu cầu của bản thân mà cô và gia đình đã giúp con có được ngay từ khi còn nhỏ. Cô phát hiện ra một điều, thỉnh thoảng xa nhau vài ngày cũng là cách để “hâm nóng” tình cảm, không chỉ của ba với mẹ mà còn của con cái với mẹ nữa.
Một ngày mới của Hiền Sa sẽ bắt đầu bằng tiếng gọi dậy của chồng cùng câu hỏi vô cùng quen thuộc “Em muốn ăn món gì?”. Cả nhà cô thường dành thời gian ăn sáng cùng nhau và trao đổi với nhau các kế hoạch trong ngày. Sau khi cả nhà ôm hôn chào tạm biệt nhau, cô sẽ lại hóa thân là bà mẹ với gần 60 đứa con nhỏ.
Mỗi khi cảm thấy đuối sức, cô chỉ cần bước ra khỏi bàn làm việc và lăn vào với lũ trẻ, nhấc bổng các con lên hay chơi trò trực thăng bay cao bay thấp, cùng các con cười, nghe các con kể chuyện, thậm chí nhiều khi còn được các bạn nhỏ bonus thêm cho vài bài massage lưng, chân, tay, đầu và đua nhau hỏi cô ríu rít như một bầy chim sẻ non “Cô ơi cô thích không?”… Chỉ vậy thôi là cô lại được “sạc pin” rất nhanh, lại có thêm năng lượng và cảm hứng để làm nên những điều tuyệt vời khác.
Các buổi chiều cuối tuần, đa phần cô dành thời gian đưa con gái tới tham gia các câu lạc bộ. Trong khi đợi con, cô sẽ dành chút thời gian cho riêng bản thân. Có thể là ngồi ở quán café quen thuộc nhâm nhi loại đồ uống ưa thích cùng một quyển sách, hoặc thư giãn ở salon tóc, hay tìm đến cô thợ nail để làm điệu một chút. Cũng có lúc Hiền Sa chọn “lê la” ở các cửa hàng bán đồ mây tre, gốm sứ hay đồ làm bếp để tìm và sắm những món đồ xinh xắn và tiện dụng cho gia đình.
Khi trở về nhà và cùng nhau thưởng thức bữa tối, mỗi thành viên trong gia đình sẽ chia sẻ những câu chuyện trong ngày của mình bên chiếc bàn ăn ấm áp. Và một ngày của cô sẽ kết thúc bằng cái ôm thật chặt cùng nụ hôn chúc ngủ ngon của con gái và chồng.