“Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là Giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là Trưởng khoa đó ở bẩn”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.
Khoa nào không có nước rửa tay là Trưởng khoa đó ở bẩn
Nói về chất lượng khám chữa bệnh, y tế cơ sở trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, với nỗ lực toàn ngành, lĩnh vực này vừa qua đã được cải thiện rõ nét và đích cuối cùng là chỉ số hài lòng về dịch vụ.
Theo đánh giá của UNDP, chỉ số hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh hiện là 70% và một khảo sát độc lập khác cho thấy, tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú là 80%.
Giải pháp được Bộ trưởng Y tế đề cập gồm, ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh; ban hành 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện theo kết quả chấm điểm độc lập để tiến tới công khai; xây dựng bệnh viện mới ở tuyến tỉnh, Trung ương, huyện…
“Các bệnh viên rộng rãi, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, có bộ phận tiếp dân, đường dây nóng và phải đảm bảo nhà vệ sinh, khu rửa tay sạch sẽ.
Những chi tiết nhỏ nhưng lại quyết định chất lượng. Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc viện đó ở bẩn. Khoa nào không có nước rửa tay là Trưởng khoa đó ở bẩn”, bà Tiến nói trước Quốc hội.
Bà nêu thêm, trong thời gian qua, ngành đã xử lý kỷ luật 10 nghìn cán bộ y tế từ xã lên Trung ương, với các hình thức kỷ luật như cho nghỉ việc, chuyển việc.
Ngoài ra, triển khai những biện pháp quyết liệt, lắp camera ở những khoa khám bệnh có thể xảy ra vấn đề có thái độ chưa đúng.
Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, sự hài lòng của người bệnh trong khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, song thực trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương vẫn cao và “ngành y đã nỗ lực nhưng chưa cải thiện như mong muốn”.
Nguyên nhân được Bộ trưởng Tiến nêu ra, là người bệnh chưa yên tâm với cơ sở y tế tuyến dưới, bị bệnh nhẹ người dân cũng vào viện tuyến trên.
“Chẳng hạn dịch chân tay miệng bùng phát tại các tỉnh phía Nam vừa qua, bệnh nhân mắc nhẹ ở độ 1, độ 2 cũng vào viện tuyến trên, khiến lượng bệnh nhân tại đây quá tải”, bà Tiến nói và cho biết, việc chăm sóc ở bệnh viện vẫn chưa được toàn điện, chưa đáp ứng đủ tỷ lệ nhân viên y tế trên mỗi bệnh nhân; một bệnh nhân vào viện vẫn 3-4 người nhà vào chăm sóc.
Điểm yếu này, theo Bộ trưởng, một phần do cơ chế tài chính chưa đủ chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế.
Mặt khác, chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu, không đồng đều các miền. “Bộ xin tiếp thu để nâng chất lượng khám chữa bệnh tại các vùng, miền hơn nữa”, người đứng đầu ngành Y tế hứa.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Giải pháp kiềng 3 chân của ngành Y tế
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày trước Quốc hội, ngành thực hiện nghiêm các Nghị quyết và chúng tôi giải quyết kiềng 3 chân giải pháp”.
Kiềng thứ nhất, theo bà Tiến, phải tăng cường tuyến y tế cơ sở, chăm sóc người khỏe mạnh, tăng cường y tế dự phòng, gắn với y học gia đình, gắn y tế xã phường, chăm sóc con người khi chưa bị bệnh.
“Chúng tôi đang xây dựng 26 mô hình điểm giống mô hình các nước đã phát triển một cách toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính. Các nước có thu nhập bình quân 15-17.000 USD thì họ mất 10 năm xây dựng mô hình này.
Việt Nam với mức thu nhập gần 3.000 USD cũng sẽ cố gắng phấn đấu 10 năm, trong 5 năm tới có mô hình cơ bản và trong 20 năm nhân rộng trong cả nước”, bà Tiến trình bày và mong muốn, Chính phủ sớm phê duyệt hai ODA xây dựng y tế cơ sở, ưu tiên vùng sâu vùng xa.
Kiềng thứ hai, khi bị bệnh phải vào bệnh viện, phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian điều trị, giảm lây chéo, giảm người ra nước ngoài, giảm thời gian khám chữa bệnh.
“Sắp tới, Bộ Y tế sẽ hình thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo các thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khoẻ thì có thể thực hiện tại Việt Nam.
Điều này là trong tầm tay nhưng cũng phải có chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính”, Bộ trưởng Y tế cho hay.
Bà đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho ngành Y tế một cơ chế tài chính đổi mới toàn diện về tự chủ, giá dịch vụ, kết hợp công tư, mô hình bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm xã hội hiện nay…
Kiềng thứ ba, theo Bộ trưởng Tiến là vấn đề nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Về nhân lực, sắp tới Quốc hội thông qua luật Giáo dục Đại học, bà đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành Y tế.
“Học 6 năm ra trường phải học thêm một năm nữa thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề với đánh giá của hội đồng quốc gia độc lập. Sau đó phải học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề, theo mô hình của quốc tế”, bà nêu.