(Tổ Quốc) – Cuộc sống của họ vốn đã gói gọn trong những không gian 2-3 mét vuông, nay càng thêm tù túng và ngột ngạt vì nỗi sợ dịch bệnh.
Thông thường, để giải thoát bản thân khỏi những “căn nhà quan tài” 2 mét vuông, ông Simon Wong sẽ đến công viên chơi mạt chược với bạn. Nhưng khi dịch virus corona bùng phát, những người như ông không còn dám tụ tập, cũng không còn chỗ nào để làm việc hay giải khuây nữa.
Wong đã nhốt mình trong căn nhà này từ tháng trước, khi Hong Kong có ca tử vong đầu tiên vì nhiễm Covid-19. Ông mắc kẹt trong một không gian tù túng – nơi phải trèo thang để đi vào và chỉ vừa đủ cho một người duy nhất.
“Tôi không ra ngoài nữa, cũng không còn có thể tụ tập” – người đàn ông 64 tuổi, không có việc làm, cho biết. “Sau khi uống trà và mua vài thứ xong xuôi, tôi sẽ về nhà và thành kẻ trú ẩn, chỉ xem ti vi chứ không làm gì khác”.
Đến nay, đã có 2 người chết và 80 người nhiễm virus corona ở Hong Kong. Bản thân Wong đã cắt liên lạc với người thân từ nhiều năm nay. Ông cũng không đủ tiền mua khẩu trang hay nước sát khuẩn. Những người như ông là nạn nhân dễ tổn thương nhất của dịch bệnh, thậm chí nguy cơ nhiễm virus còn cao hơn dịch SARS năm 2003.
“Suốt dịch SARS, tôi chẳng đeo một cái khẩu trang. Tôi còn làm việc nữa” – ông hồi tưởng. “Tôi cũng sống ở một cái chỗ như thế này, nhưng không gian mở hơn, còn tiếp xúc thường xuyên với 30 người khác mà không một ai đeo khẩu trang”.
SARS năm 2003 là một giai đoạn ký ức kinh hoàng với người dân xứ Cảng Thơm, khi một bác sĩ “siêu lây nhiễm” từ Trung Quốc đại lục đã đến khách sạn ở Cửu Long (Hong Kong) và lây cho nhiều người. Cuối cùng, 229 nạn nhân đã qua đời và hàng nghìn người khác bị nhiễm virus chỉ tính riêng ở đặc khu. (Ảnh tư liệu)
Hong Kong – một trung tâm tài chính của châu Á – cũng là nơi có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới. Hơn 1 triệu trong tổng số 7,4 triệu dân Hong Kong đang sống dưới mức nghèo đói. Trong số 1 triệu người đó, khổ sở nhất có lẽ chính là 200.000 người nương náu trong những căn hộ chia nhỏ, hay từ lâu đã mang những cái tên ám ảnh – nhà chuồng cọp, nhà quan tài.
Wong đã sống ở một nơi như vậy suốt 2 thập kỷ, thỉnh thoảng cũng có ra ngoài làm phục vụ hay bảo vệ. “Nhà” của ông là một không gian được dựng vách ngăn tạm bợ trong một căn hộ ở Vượng Giác – khu vực chen chúc nhất của thành phố.
Một vách ngăn “đỡ” chiếc TV và vài vật dụng lỉnh kỉnh, trong khi quần áo và các đồ đạc khác thì móc đại khắp xung quanh. Chỉ như vậy nhưng chỗ ngủ đã chiếm 2/3 trong tổng số tiền trợ cấp của Wong, vào khoảng 3000 đô la Hong Kong (gần 9 triệu đồng). Phần còn lại, Wong dành cho 2 bữa ăn/ngày.
Sống trong nhà quan tài, mọi thứ khác đối với Wong cũng tạm bợ, lay lắt như vậy. Ông đến chiết nước sát khuẩn từ điểm phát miễn phí ở trạm y tế. Còn khẩu trang được Wong mang suốt nhiều ngày liên tục để tiết kiệm.
Một cư dân khác tá túc trong nhà quan tài là Leung Hon-kee – nhân viên vệ sinh ở khách sạn. Gần đây, công việc càng thêm bấp bênh do ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Nhà của ông Leung rộng hơn một chút, khoảng 3 mét vuông. Nhưng điều đó cũng không khiến ông cảm thấy nhẹ nhõm, suốt ngày chỉ bấm điện thoại. “Tôi không cảm thấy vui vẻ, nhưng biết làm sao”…
Dù vậy, người Hong Kong như ông Wong không có ý định bỏ cuộc. Ông bận “theo dõi” hàng xóm xung quanh – những người đang hít thở bầu không khí chung và chỉ cách mình… vài mét. Một số người trở về từ Trung Quốc đại lục. “Nếu thấy họ bệnh nặng, chúng tôi sẽ tống khứ ngay” – Wong nói. (Ảnh tư liệu)
Chính quyền mới tuyên bố sẽ cấp 10.000 đô la Hong Kong (khoảng 29,8 triệu đồng) cho mỗi thường trú nhân Hong Kong từ 18 tuổi trở lên. Đây là động thái nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cá nhân và công ty khi nền kinh tế Hương Cảng rơi vào tình trạng suy thoái lần đầu tiên trong một thập kỷ. Hi vọng mọi người dân và nhất là những người sống trong nhà quan tài như ông Wong, ông Leung sẽ mau chóng nhận được cứu trợ, cùng nhau vượt qua dịch bệnh lần này. (Ảnh tư liệu)
(Theo Reuters)
Jayden, theo Trí Thức Trẻ