Hình ảnh những người con quỳ lạy cha mẹ ở Thái Lan đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của quốc gia này, thể hiện lòng hiếu thảo trước công lao trời bể của đấng sinh thành.
Hình ảnh nhiều Hoa hậu Thái Lan cúi xuống quỳ lạy mẹ sau khi đăng quang ngôi vị cao nhất đã gây xúc động mạnh mẽ trên truyền thông quốc tế trong một thời gian dài. Vào năm 2015, Mint Kanistha (17 tuổi), đã giành ngôi vị “Hoa hậu không phân biệt giới tính Thái Lan“. Không chỉ sở hữu vẻ ngoại hình nổi bật, Mint còn khiến cộng đồng mạng quốc tế hết lời khen ngợi vì tấm lòng hiếu thảo của cô.
Ngay sau khi giành giải Hoa hậu, Mint đã đội nguyên vương miện quay về nhà và quỳ gối cảm tạ công ơn trời biển của mẹ mình, ngay bên cạnh là những thùng rác, công việc hàng ngày của mẹ cô. Mẹ của Mint kiếm sống bằng nghề nhặt rác và bán quần áo hàng thùng. Bản thân Mint cũng phụ giúp mẹ để gia đình bớt khó khăn.
Mint Kanistha đầu đội vương miện, ngay sau cuộc thi đã trở về nhà để quỳ lạy cảm ơn người mẹ tần tảo của mình.
Vào năm 2018, Namoey Chanaphan, Hoa hậu Hòa bình Thái Lan 2018, đã quỳ lạy cha mẹ của cô ngay trên sân khấu sau khi đăng quang để tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới họ, những người đã chăm sóc và nuôi dạy để Namoey Chanaphan có được vinh quang như ngày hôm nay.
Việc quỳ gối và cúi lạy là một trong những hành động quen thuộc của người Thái Lan để tỏ lòng kính trọng, lễ nghĩa của con cái đối với bậc sinh thành. Đây cũng là thủ tục thường thấy trong các hôn lễ ở đất nước này khi cả cô dâu và chú rể đều quý gối và cúi lạy cha mẹ hai bên gia đình để bày tỏ sự biết ơn sâu sắc công sinh thành của họ.
Namoey Chanaphan đã quỳ gối cảm ơn cha mẹ ngay tại sân khấu thi Hoa hậu.
Có thể nói, hành động cúi người, quỳ lạy cha mẹ ở Thái Lan đã trở thành một nét đẹp văn hóa của đất nước này, tượng trưng cho lòng hiếu kính của những người con dành cho cha mẹ của họ. Và người Thái cũng có một ngày lễ dành riêng cho những người mẹ, là dịp để những người con thể hiện sự hiếu thảo của mình, tri ân những gì mà đấng sinh thành đã nuôi dưỡng họ nên người.
Ngày của Mẹ ở Thái Lan được tổ chức vào ngày 12/8 hàng năm. Đó cũng là ngày sinh nhật của Hoàng hậu Sirikit người mà dân chúng Thái Lan coi như người mẹ thứ 2 của mình. Kể từ năm 1976, lễ kỷ niệm sinh nhật Hoàng hậu và Ngày của Mẹ được tổ chức cùng một ngày và duy trì cho đến tận bây giờ. Vào ngày này, mọi người dân trên khắp cả nước sẽ treo cờ quốc gia, các gia đình sẽ trang trí ngôi nhà của họ bằng bức ảnh chân dung của Hoàng hậu. Dọc các con đường ở Thái Lan sẽ phủ đầy màu cờ hoa và hình ảnh của bà Sirikit.
Một món quà truyền thống trong Ngày của Mẹ ở Thái Lan đó chính là hoa nhài, loài hoa biểu tượng cho sự tinh khiết, dịu dàng, mùi hương ngọt ngào giống như tình mẹ. Trẻ em và người dân Thái Lan thường mua những vòng hoa nhài được làm một cách tỉ mỉ, tinh tế để dành tặng cho người mẹ của mình.
Hoàng hậu Sirikit được coi là người mẹ thứ hai của dân chúng Thái Lan.
Tại các trường học, nhân ngày kỷ niệm này, các bà mẹ sẽ được mời đến trường để những đứa con của họ có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo của mình. Họ sẽ ngồi trên một hàng ghế trong khi những đứa con của họ quỳ xuống, cúi lạy mẹ và dành tặng mẹ những vòng hoa nhài thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương và lòng kính trọng của chúng dành cho đấng sinh thành.
Ngày của Mẹ đã trở thành Quốc lễ của người dân Thái Lan, đây là dịp để những đứa con, từ trẻ già, lớn bé đều cảm tạ tấm lòng và đức hy sinh của mẹ. Những đứa con dù ở xa cũng trở về chăm sóc mẹ, quỳ lạy đấng sinh thành là một hình ảnh quen thuộc ở đất nước Thái Lan. Nhiều chùa chiền cũng tổ chức Ngày của Mẹ để người dân có dịp sám hối cũng như thể hiện tình yêu với người mẹ của mình.
Cứ đến ngày 12/8 hàng năm, những người mẹ ở Thái Lan lại trải qua những giây phút xúc động và ý nghĩa nhất trong năm khi họ đón nhận sự biết ơn và tình cảm đong đầy yêu thương của những người con mà họ đã sinh thành. Tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng có ngày lễ để những người con tỏ lại hiếu thuận với cha mẹ của mình. Đó là ngày Lễ Vu Lan hay còn gọi là ngày báo hiếu cha mẹ, được diễn ra vày ngày 15/7 âm lịch hàng năm.
Có thể thấy, lòng hiếu thảo luôn được đề cao và coi trọng ở nhiều nước trên thế giới. Họ coi đó là thước đo chuẩn mực, làm nên giá trị của một con người cũng như tạo nên nét văn hóa đặc trưng cho một đất nước. Dù hình thức khác nhau nhưng cốt lõi bên trong vẫn giữ nguyên vẹn giá trị như vậy.
Nguồn: Tổng hợp