Mỗi năm có không ít dịp lễ tôn vinh phụ nữ, tôn vinh tình yêu. Ở những dịp ấy, phái đẹp nhận được nhiều yêu thương và sự trân trọng, những món quà và đóa hoa. Nhưng giữa những người phụ nữ tràn ngập niềm vui, vẫn có những người mẹ tủi buồn vì bị “bỏ quên”.
Nỗi tủi thân lặng thầm
Nhìn hình ảnh con dâu khoe bó hoa tươi thắm và hộp nữ trang trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Thị P. (55 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) không ngăn được sự chạnh lòng. Bên dưới bức ảnh về món quà 8/3, cô con dâu trẻ ghi nội dung: “Cảm ơn chồng yêu đã luôn yêu thương, quan tâm em. Người đàn ông tâm lý và nâng niu phụ nữ nhất thế gian”.
Ngày phụ nữ Việt Nam, Lễ tình nhân, ngày sinh nhật, kỉ niệm ngày cưới… bao giờ con dâu cũng có những bó hoa, những món quà thật đẹp, những bữa ăn lung linh, lãng mạn. Mà bà, một người mẹ hầu như chưa nhận được một món quà từ con trai vào dịp nào. Có chăng là những tin nhắn chúc mừng sáo rỗng, thậm chí là tin nhắn “đại trà”.
Bà nghĩ đến chồng, một người đàn ông khô khan, thiếu quan tâm, từ lúc cưới đến nay, một lời nói ngọt ngào, một cử chỉ lãng mạn với vợ còn hiếm, nói chi đến hoa, quà vào những dịp đặc biệt. Đôi khi, bà chạnh lòng thầm nghĩ, chẳng lẽ bà không phải là “phụ nữ”?
Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, bà Hoàng Minh Hiển, 53 tuổi, ngụ Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh, TP HCM kể câu chuyện không vui của gia đình mình. Bà mất chồng từ sớm, một mình nuôi dạy hai con một trai, một gái nên người. Hồi trước thì gia đình rất thiếu thốn, cực khổ, nhưng đến khi con trai và con gái lần lượt đi làm, có lương thì đời sống khá giả hơn nhiều. Tuy nhiên, nhiều năm nay hai anh em giận nhau. Nguyên nhân bởi con trai từ khi có người yêu thì mọi quan tâm, chăm sóc đều dành cho người yêu, “quên” mất mẹ và em gái. Đến nỗi các ngày lễ, kỉ niệm cũng chỉ có con gái tặng quà cho mẹ. Đến khi con trai lấy vợ, dọn ra riêng thì tình cảm và sự quan tâm đến mẹ càng nhạt đi nhiều.
“Con trai thi thoảng về ăn cơm, cho mẹ ít tiền. Nhưng em gái nó vẫn ấm ức, bảo rằng mẹ vất vả, cực khổ nuôi anh em chúng con, thế mà tháng lương đầu tiên anh ấy dành để mua quà tặng bạn gái, được tăng lương thì đưa bạn gái đi du lịch, những ngày lễ không bao giờ thiếu hoa, nhưng có bao giờ đưa mẹ đi chơi một chuyến, có bông hoa nào tặng mẹ hay chưa? Đến nay con gái vẫn không muốn trò chuyện, lạnh nhạt với con trai, tôi nhiều lần hòa giải mà không được”, bà Hoàng Minh Hiển cho biết.
Học cách ứng xử tử tế với người nhà
Thực tế, có không ít chàng trai trẻ rất “galant”, chiều bạn gái hết mực, cũng rất mực tâm lý, không quên bất cứ ngày lễ, dịp lễ nào để tôn vinh phụ nữ. Họ sẵn sàng bỏ tiền bạc, tâm huyết để thiết kế những chương trình, những món quà, niềm vui thật đặc sắc để dâng tặng cho người mình thương yêu. Thế nhưng, người mẹ, người phụ nữ đã hy sinh cả đời cho họ thì họ lại “quên” mất. Không ít người mẹ, cho đến già vẫn không có “diễm phúc” được con trai của mình tặng cho một cành hoa, một món quà nho nhỏ, dù là bất cứ dịp gì.
Cứ đến dịp 20/10, 8/3 hay 14/2, nhiều hội, nhóm thiện nguyện tại TP HCM thường có một hoạt động mang ý nghĩa tinh thần, đó là tặng hoa cho những người phụ nữ lao động nghèo. Anh Lê Minh Phong, trưởng nhóm thiện nguyện Tâm Thiện kể: “Dịp 20/10/2022, nhóm chúng tôi có đến khu vực chợ “chồm hổm” dành cho công nhân ở Thủ Đức để tặng hoa cho các chị bán hàng, các chị công nhân vệ sinh.
Một số chị nhận hoa và cảm ơn, nhưng không ít chị rưng rưng nước mắt. Có chị kể, gần 50 tuổi rồi, con cái lớn, lập gia đình rồi nhưng chưa bao giờ được nhận một bông hoa từ chồng, từ con. Cả đời chỉ biết làm lụng và hy sinh. Mỗi một chuyến như thế, chúng tôi mới cảm nhận rằng đã là phụ nữ dù thuộc tầng lớp nào, dẫu cho trẻ hay lớn tuổi, thì vẫn đều có nhu cầu, mong muốn được nhận sự tôn trọng, yêu thương, đôi khi chỉ là một cử chỉ lãng mạn nhỏ như một bông hoa. Ngay cả trong nhóm thiện nguyện cũng có không ít bạn nam “giật mình”, trở về biết cách yêu thương, chăm sóc, tâm lý với mẹ mình hơn”.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich ban hành đã có một đoạn phân tích khá sâu sắc về sự ứng xử của con cái dành cho cha mẹ. Theo Bộ tiêu chí, không ít người trong chúng ta chưa chú trọng đến hành vi ứng xử trong gia đình mình, thậm chí nhiều người còn xao nhãng, hời hợt. Họ cho rằng người trong nhà cần gì phải màu mè, khách sáo.
Họ tiết kiệm tối đa mọi cử chỉ, giảm đến tối thiểu mọi lời nói, bỏ qua những chăm sóc, thương yêu. Họ chỉ lo ứng xử lịch lãm với bên ngoài để tỏ ra là người có văn hóa, có học thức và coi trọng đạo đức xã hội. Họ quên mất rằng mọi rạn nứt và xung đột trong gia đình đều bắt nguồn từ việc ứng xử bị mắc lỗi và trầm trọng hơn khi mắc lỗi có hệ thống. Nó đào khoét những hố sâu ngăn cách dựng nên những cản trở trong tình cảm gia đình. Khi đó báu vật hạnh phúc gia đình bị rơi rụng, hao mòn, bị đánh cắp lúc nào không biết.
Chính vì thế, Bộ tiêu chí đưa ra lời khuyên, trong ứng xử gia đình, con cái nên dành cho cha mẹ sự quan tâm săn sóc tối đa. Mỗi người, dành suốt cuộc đời mình để học nên “người tử tế”, mà điều cần trước hết là phải học ứng xử tử tế ngay với người trong gia đình mình, với đấng sinh thành nên mình.
Ngọc Mai
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/nhung-nguoi-phu-nu-chua-bao-gio-duoc-tang-hoa-d190976.html