Chuyên gia Chung Nam Sơn phân tích mẫu nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân: Thời gian ủ bệnh dài nhất là 24 ngày, có liên quan đến viêm phổi hay không cần chờ nghiên cứu thêm.
Kết luận gây tranh cãi về thời gian ủ bệnh của người nhiễm nCoV lên tới 24 ngày
Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã xuất bản tài liệu nghiên cứu đầu tiên về coronavirus mới trên trang web học thuật chuyên nghiệp Medrxiv vào ngày hôm qua (9/2).
Với số lượng mẫu nghiên cứu lớn nhất trên hơn một nghìn bệnh nhân (1099 người), cho đến nay, nhóm của ông Zhong Nanshan đã đưa ra một số kết luận quan trọng giúp làm mới sự hiểu biết của mọi người về coronavirus mới.
Đầu tiên, về thời gian ủ bệnh, nghiên cứu kết luận rằng thời gian ủ bệnh trung bình của chủng coronavirus mới là 3 ngày, ngắn hơn so với các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, từ 1099 bệnh nhân được chẩn đoán ở nhiều nơi, nhóm nghiên cứu này tìm ra thời gian ủ bệnh có thể kéo dài 24 ngày và ngắn nhất là 0 ngày.
Thứ hai, từ góc độ các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, chỉ có 43,8% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt ở giai đoạn đầu và tỷ lệ sốt tăng mạnh lên 87,9% sau khi nhập viện, điều này cho thấy việc chẩn đoán sớm có nhiễm coronavirus mới không nên quá tập trung nhiều vào triệu chứng sốt.
Kết luận thú vị nhất là bản nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa coronavirus mới và viêm phổi, và gọi chứng nhiễm virus corona mới này là Hội chứng suy hô hấp cấp tính ARDS (Tiếng Anh: Acute respiratory distress syndrome).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một số người nhiễm bệnh có các biểu hiện X quang bình thường, độ chính xác của việc chẩn đoán nhiễm coronavirus mới thông qua chụp CT phổi chỉ là khoảng 76,4%. Điều này có thể nói rằng, viêm phổi không phải là biểu hiện duy nhất của người bị nhiễm virus corona mới.
Ngoài các kết luận quan trọng về các đặc điểm lâm sàng chính ở trên, bài viết cũng phân tích từ nhân khẩu học. Trong số 1099 bệnh nhân, 2,09% là nhân viên y tế, 1,18% có tiền sử tiếp xúc với động vật hoang dã, 31,3% gần đây đã từng đến Vũ Hán và 71,8% đã tiếp xúc với người Vũ Hán.
Thông tin chính thống từ WHO: Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày
Trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) về vấn đề thời gian ủ bệnh của virus corona có thể kéo dài 24 ngày hay không, PGS Phu cho biết, virus gây ra dịch viêm phổi cấp có đặc tính giống virus SARS tới 90%.
Hiện nay, thời gian ủ bệnh của virus corona (2019-nCoV) có thể kéo dài tới 14 ngày. Virus này còn có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có triệu chứng gì vẫn có thể truyền bệnh.
“Con số thời gian ủ bệnh tối đa 14 ngày được đưa là dựa theo những nghiên cứu cùng với những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tại Trung Quốc cũng có một số công trình nghiên cứu cho rằng thời gian ủ bệnh của virus có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay những thông tin đó vẫn chỉ là nghiên cứu mang tính đơn lẻ, cá nhân.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang tuân thủ theo những khuyến cáo của WHO là nguồn thông tin chính thống”, ông Phu nói.
Thời gia ủ bệnh của virus corona từ 2-14 ngày.
TS.BS Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Coronavirus (CoV) là một họ vi rút lớn có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nặng, đe dọa tính mạng như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.
Tháng 12/2019, một chủng coronavirus mới (2019-nCoV) gây viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được xác định và đang có nguy cơ lan rộng khắp thế giới.
Người nhiễm virus corona có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, đau ngực, có thể diễn tiến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh: 2-14 ngày.
Bệnh lây truyền qua giọt bắn
Bác sĩ Minh Tuấn cho hay, hiện giờ các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để hiểu biết sâu hơn về chủng virus corona mới này. Đường lây của virus corona đến từ những nghiên cứu về chủng SARS-CoV.
Mầm bệnh virus từ người đang nhiễm bệnh được phát tán ra xung quanh thông qua các giọt nước nhỏ li ti bắn ra khi người bệnh ho, hắt xì hơi, thậm chí là nói chuyện bình thường (thuật ngữ y khoa gọi là “giọt bắn”).
“Giọt bắn” mang theo mầm bệnh vi rút có thể được hít trực tiếp vào phổi của người lành xung quanh người bệnh trong khoảng cách gần (ít hơn 2m). Các “giọt bắn” này cũng có thể “đậu” lại trên mặt, trên mũi, miệng, mắt của người lành, rồi từ đó đi vào đường hô hấp của người lành.
Bác sĩ Tuấn Minh khuyến cáo, phòng lây nhiễm virus ở ngoài cộng đồng
Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp.
Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi; Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy; Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; Không hút thuốc lá.
Vệ sinh môi trường: Duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt; Tránh tiếp xúc và tụ tập đông người, nơi không thoáng khí; Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã.
Vân Hồng – Ngọc Minh , theo Trí Thức Trẻ