Hoãn phiên xét xử sơ thẩm vụ “tịnh thất Bồng Lai”

HĐXX cho rằng vụ án có tính chất phức tạp nhưng nhiều người tham gia tố tụng vắng mặt nên quyết định hoãn phiên tòa. Phiên xử sẽ mở lại ngày 20/7.

Ngày 30/6, TAND huyện Đức Hòa (Long An) xét xử bị cáo Lê Tùng Vân, Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ tịnh thất Bồng Lai) và 4 người khác về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 2-7 năm tù.

Toà triệu tập 15 nhân chứng, trong đó có 8 cán bộ Công an huyện Đức Hòa và gần chục người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tại phần thủ tục sáng nay, HĐXX thông báo có 14 người vắng mặt.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án và quyền lợi của thân chủ. Quan điểm này cũng được VKS thống nhất.

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng vụ án có tính chất phức tạp nhưng nhiều người tham gia tố tụng vắng mặt nên quyết định hoãn phiên tòa. Phiên xử sẽ mở lại ngày 20/7.

ịnh thất Bồng Lai đã được đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ.

Tịnh thất Bồng Lai đã được đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ.

Bị cáo buộc vai trò chủ mưu nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu nên bị cáo Vân được tại ngoại từ khi vụ án được khởi tố. Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 5 luật sư.

Đại diện Công an huyện Đức Hòa; Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và Thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, TP HCM) tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại. Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập 15 nhân chứng bao gồm nhiều cán bộ Công an huyện Đức Hòa, 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng xác định, từ năm 2019 đến 2021, ông Vân đã chỉ đạo Lê Thanh Hoàng Nguyên, 31 tuổi; Lê Thanh Nhất Nguyên, 30 tuổi, lập nhiều tài khoản Youtube 5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ và Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official. Những người này đã biên soạn, dàn dựng, diễn xuất, đăng tải các video có lời nói xuyên tạc giáo lý Phật giáo, xúc phạm danh dự cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ… đăng lên kênh 5 Chú Tiểu – Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Liên quan đến việc nhiều người kéo đến trụ sở Công an huyện Đức Hòa “đòi” Võ Thị Diễm My (cô gái bỏ nhà đến tịnh thất Bồng Lai tu), bị can Nhất Nguyên đã dùng điện thoại ghi hình sự việc, sau đó đăng lên kênh Nhất Nguyên – Hoàn Nguyên Official với nội dung “công an huyện bắt cóc cô gái tên Diễm My”. Những bị cáo còn lại có vai trò tham gia diễn xuất, phát trực tiếp các video có nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự người khác.

Cáo trạng kết luận, hành vi của ông Vân và đồng phạm là “cố ý xâm hại đến cơ quan nhà nước, tổ chức tôn giáo và cá nhân”.

Những người ở Tịnh thất Bồng Lai trước khi bị truy tố.

Những người ở Tịnh thất Bồng Lai trước khi bị truy tố.

Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận đã tham gia vào những video như cáo buộc, song bị cáo Cúc cho rằng những người tại thiền am vái lạy ông Vân là để thể hiện lòng thành kính, do tôn sùng ông này “có đức hạnh như Phật”. Còn Nhị Nguyên thừa nhận nội dung video đăng tải đã được cắt ghép, dàn dựng, không đúng với thực tế nhưng bị cáo “không phải là người vu khống Công an Đức Hòa”.

Liên quan đến vụ án, Lê Thu Vân (63 tuổi, em gái bị cáo Vân) cũng bị khởi tố do có hành vi vu khống, xúc phạm danh dự Công an huyện Đức Hòa. Bà này cùng nhiều người đã tụ tập trước trụ sở công an huyện “đòi” cô gái tên Diễm My và la hét “Công an huyện Đức Hòa bắt cóc người, bà con ơi”. Ngoài ra, trong một video khác bà này còn có hành vi mạo xưng đức Phật, xúc phạm Phật giáo. Tuy nhiên, bà này đã đi khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra đang truy tìm, khi nào bắt được sẽ xử lý.

Tịnh thất Bồng Lai là nhà riêng của bà Cúc tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Gần 10 năm trước, bà này đưa nhiều tượng Phật, đồ thờ cúng về nhà, biến nơi này thành cơ sở thờ tự bất hợp pháp. Năm 2015, ông Lê Tùng Vân (ngụ quận 6, TP HCM) chuyển đến đây sống cùng bà Cúc.

Ba năm trước, Diễm My bỏ nhà đến “tu” cùng bà Cúc, ông Vân và khoảng 20 người khác. Gia đình cô nhiều lần tìm đến bắt con về nhưng không được, nên trình báo công an. Ngày 12/12/2019, Công an huyện Đức Hòa mời bà Cúc cùng cha mẹ Diễm My đến trụ sở làm việc. Cảnh sát yêu cầu giao Diễm My cho cha mẹ đưa về nhà trị bệnh nhưng bà Cúc, ông Vân cùng nhiều người sống tại tịnh thất Bồng Lai ngăn cản.

Ngoài vụ án này, những người ở tịnh thất Bồng Lai còn bị Công an tỉnh điều tra thêm dấu hiệu của tội loạn luân, lừa đảo trong việc nhận tiền quyên góp từ thiện theo đơn tố giác.

Hiện, hộ bà Cúc nhận nuôi có 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ sống với mẹ ruột và hai trẻ được nhận nuôi. Cơ quan chức năng xác định việc lập hồ sơ nhận con nuôi còn nhiều tình tiết chưa đảm bảo quy định pháp luật.

HĐXX triệu tập 8 cán bộ Công an huyện Đức Hòa làm nhân chứng. Trong đó, Thượng tá Nguyễn Sơn, Trưởng Công an huyện Đức Hòa là đại diện bị hại.

Đại diện bị hại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Long An là ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện, là trụ trì chùa Thiên Châu).

Tòa cũng triệu tập 8 cá nhân với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có Luật sư Lê Ngọc Luân. Theo đăng ký, 5 luật sư tham gia bào chữa cho 6 bị cáo.

Trong 16 nhân chứng được HĐXX triệu tập, có bà Trịnh Thị Định (67 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, Long An) và bà Phan Thị Phương Trang (41 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Trước đó, 2 người này có đơn gửi Công an huyện Đức Hòa tố cáo những người tại tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm tự do tín ngưỡng, gây ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, an ninh trật tự xã hội.

Phiên tòa cũng triệu tập đại diện tổ giám định tư pháp của Sở TT&TT, Sở VH,TT&DL tỉnh Long An đã giám định vật chứng trong vụ án.

 

Duy Khương (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/hoan-phien-xet-xu-so-tham-vu-tinh-that-bong-lai-d184687.html