Malaysia ghi nhận kỷ lục hơn 5.700 ca nhiễm Covid-19 một ngày
Ngày 29/1, Malaysia ghi nhận tới 5.725 ca nhiễm virus corona chủng mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này cách đây một năm.
Khu vực Thung lũng Klang chiếm tới 2/3 số ca nhiễm mới trên toàn quốc trong ngày 29/1 với 3.813 trường hợp. Trong đó, bang Selangor chịu ảnh hưởng nặng nhất với 3.126 ca nhiễm mới và thủ đô Kuala Lumpur là 687 ca.
Theo Reuters, số ca nhiễm tăng kỷ lục đã nâng tổng số trường hợp dương tính với virus ở Malaysia lên 203.933 người. Tổng số ca tử vong vì dịch hiện là 733 người, tăng 16 trường hợp so với một ngày trước đó.
Kể từ ngày 9/12 năm ngoái, Malaysia liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày lên tới 4 con số. Diễn biến dịch bất lợi xảy ra khi sắc lệnh kiểm soát đi lại (MCO) gần đây nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm ở quốc gia Đông Nam Á này sắp sửa hết hiệu lực vào đầu tháng 2.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz hôm 27/1 cho biết, nước này không thể tiến hành thêm một đợt phong tỏa toàn quốc lần nữa vì việc đó sẽ “rất bất lợi” cho nền kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNA, ông Aziz giải thích, sắc lệnh MCO hiện tại, vốn được triển khai ở tất cả các bang trên toàn quốc ngoại trừ Sarawak đến ngày 4/2 đã khiến Malaysia khó đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo hơn.
Các quy định cho phép doanh nghiệp hoạt động trong thời gian áp dụng MCO đã được nới lỏng hôm 29/1. Theo đó, một số cơ sở kinh doanh được phép mở cửa tới 22h tối. Các khu chợ đêm cũng được phép hoạt động từ 16h – 22h hàng ngày.
Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Thái Lan, Philippines, Nga vẫn ở mức cao
Thái Lan ngày 29/1 xác nhận 802 ca nhiễm mới COVID-19. Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), trong số ca nhiễm mới có 781 ca lây nhiễm cộng đồng và 21 ca nhập cảnh.
692 trong số 781 ca lây nhiễm cộng đồng được phát hiện trong chương trình xét nghiệm những người nhập cảnh từ Myanmar và công dân Thái Lan tại các nhà máy và cộng đồng, chủ yếu ở tỉnh Samut Sakhon.
Thái Lan cho đến nay xác nhận 17.023 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 14.585 ca lây nhiễm cộng đồng và 2.438 ca nhập cảnh. 11.396 người đã khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện, trong khi 5.551 người khác đang điều trị tại bệnh viện và 76 người đã tử vong.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo 1.849 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 521.413. Tổng số ca tử vong tăng lên 10.600 sau khi có thêm 48 người không qua khỏi do dịch bệnh COVID-19. Thêm 177 người khỏi bệnh đưa tổng số người khỏi bệnh lên 475.765.
Philippines với 110 triệu dân đã xét nghiệm cho 7,2 triệu người kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 1/2020.
Cùng ngày, Nga thông báo thêm 19.238 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 2.799 ca tại thủ đô Moskva, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.813.048. Thêm 534 người tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người tử vong vì căn bệnh này tại Nga lên 72.185 trường hợp.
Hungary và Serbia bắt đầu tiêm vắc-xin cho các vận động viên tham gia Olympic Tokyo muà hè
Ủy ban Olympic Hungary (HOC) cho biết, 868 vận động viên sẽ được chọn để tiêm chủng vì họ có cơ hội thi đấu tại Thế vận hội mùa Hè Tokyo tháng 7/2021 hoặc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh (năm 2022).
Theo HOC, Hungary đã cân nhắc hai yếu tố, một là sự tham dự an toàn để thi đấu tại nước ngoài, và hai là nếu họ nhiễm sẽ phải nghỉ tập luyện trong nhiều tháng và không thể thi đấu và đạt thành tích tốt. Theo HOC, các vận động viên sẽ được tiêm vắc-xin của Moderna để đảm bảo chương trình huấn luyện và thi đấu.
Hungary vừa hoàn tất tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế và bắt đầu chuyển sang tiêm cho người cao tuổi. Người dân bình thường sẽ bắt đầu được tiêm đại trà từ tháng tới. Trong khi đó, Serbia đã bắt đầu tiêm phòng từ ngày 29/1 bằng các loại vắc-xin của Nga và Trung Quốc. Bộ Thể thao và Ủy ban Olympic Serbia (SOC) cho biết: “Các vận động viên không bắt buộc phải tiêm phòng, nhưng được khuyến cáo tiêm để đảm bảo an toàn và sức khỏe của vận động viên, cũng như của người dân nói chung”.
Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết. việc một số vận động viên người Canada sắp tham dự Olympic Tokyo được tiêm vắc-xin trước cả các đối tượng cần ưu tiên đã làm mất đi tinh thần của một vận động viên Olympic.
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban Olympic Israel cho biết đã tiêm vắc-xin cho một nửa số đoàn vận động viên tham dự Olympic và sẽ hoàn tất tiến trình này vào cuối tháng 5. Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết các vận động viên của nước này “đương nhiên” được tiêm vắc-xin nếu tham gia Thế vận hội.
Theo Nhật Lê (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/dich-covid-19-sang-ngay-30-1-malaysia-ghi-nhan-ky-luc-hon-5700-ca-nhiem-covid-19-mot-ngay-d147383.html