Ảnh: Xinhua
Thường xuyên đeo găng tay y tế, kính bảo hộ, khẩu trang và sử dụng chất khử trùng đã khiến các nhân viên y tế tại Vũ Hán chịu nhiều vấn đề về sức khỏe.
SCMP dẫn lời các bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán cho biết, các nhân viên y tế phải mặc tã người lớn để làm việc xuyên các ca trực và nhiều người bị dị ứng da vì thường xuyên phải đeo các trang thiết bị bảo hộ.
“Khi bác sĩ và y tá làm việc, họ phải mặc quần áo bảo hộ kín, không thể ăn, uống hay đi vệ sinh,” Han Ding, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Bắc Kinh, cho hay.
“Trong trường hợp phải đi vệ sinh, họ sẽ sử dụng tã và thay sau khi hết ca trực”.
Bác sĩ Han là một trong hàng trăm bác sĩ ngoài thành phố Vũ Hán được cử tới để hỗ trợ chữa trị các bệnh nhân tại tâm dịch. Tới nay, virus COVID-19 đã khiến hơn 1.300 người tử vong, làm hơn 60.000 người bị nhiễm bệnh (theo cách chẩn đoán mới của tỉnh Hồ Bắc).
Lãnh đạo các đơn vị y tế đã chia sẻ nhiều điều về điều kiện làm việc khó khăn tại Hồ Bắc.
“Mặc quần áo bảo hộ cực kỳ khó chịu,” Ma Xin, phó trưởng khoa bệnh viện Huashan tại Thượng Hải, nói. “Đôi lúc tôi bị ngứa nhưng không thể làm gì và phải chịu đựng điều đó”.
“Các bác sĩ và y tá đều có dấu hiệu bị dị ứng và thậm chí có người còn có vết máu hằn trên mũi. Họ phải làm việc trong điều kiện như vậy”.
Bác sĩ Han cho biết các nhân viên y tế phải làm việc liên tục để chăm sóc cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Y tá làm việc theo ca – có những ca tới 6 giờ đồng hồ – để theo dõi tình hình các bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, bác sĩ phải làm việc từ 6-8 giờ và đôi lúc ca trực còn kéo dài hơn.
“Các bác sĩ và y tá đều phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài đến nỗi mọi người đều có vết hằn trên mặt,” Zhou Jun, một chuyên viên tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật ở Bắc Kinh, kể lại.
Các nhân viên y tế đều chấp nhận khó khăn để cứu sống người bệnh mặc dù không được cung cấp đủ trang thiết bị.
Ma Xin cho biết các thiết bị tiên tiến được đem tới từ các vùng khác ở Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus corona.
“Trong trường hợp không có thuốc đặc trị [đối với virus], máy thở và ECMO (máy lưu thông máu bệnh nhân qua phổi nhân tạo) có rất quan trọng cho quá trình điều trị”, ông nói.
Zhou cho biết đội ngũ của mình đã đem theo những trang thiết bị hiện đại nhất (trị giá khoảng 2,15 triệu USD) từ Bắc Kinh tới Vũ Hán, không chỉ bao gồm máy ECMO mà còn có máy thở, màn hình, ống nội soi phế quản và các thiết bị khác.
“Một số thiết bị này rất đắt đỏ và có vai trò then chốt trong việc chữa trị bệnh nhân. Điều quan trọng nhất là giảm tỉ lệ tử vong, và tăng tỉ lệ những người được chữa khỏi bệnh,” Zhou nói.
Tất Đạt , theo Trí Thức Trẻ