Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện có hơn 100 bệnh nhi đang điều trị tay chân miệng và không may đã có 2 bé tử vong khiến nhiều cha mẹ càng thêm lo lắng. Do phòng bệnh quá tải, hàng trăm người lớn và trẻ em phải trải chiếu, mắc võng nằm la liệt ngoài hành lang.
Trước đó ngày 11/10, một bức ảnh chụp về tình trạng quá tải ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 quận 1, TP. HCM) khiến nhiều người xót xa. Trong ảnh, các bé đang bệnh mà không có phòng để nằm điều trị, phải nằm hành lang cùng với cha mẹ.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội (trái) và hình ảnh thực tế (phải).
Thời điểm đồng hồ bước sang 0h, chúng tôi có mặt tại BV Nhi Đồng 2 và chứng kiến cảnh tượng quá tải còn khủng khiếp hơn những gì hình ảnh trên mạng thể hiện.
Người thân bệnh nhi mang giường xếp, ghế xếp, võng xếp, chiếu,… đặt la liệt từ trong phòng bệnh ra đến hành lang tại hầu hết các Khoa của bệnh viện để chợp mắt qua đêm.
Tuy nhiên, như đã thông tin về tính xác thực thì bức ảnh trên được chụp tại dãy hành lang của khoa Nội Tổng Hợp của BV Nhi Đồng 2 chứ không phải Khoa Nhiễm nơi đang điều trị các bé bị bệnh tay chân miệng.
Thực tế theo ghi nhận, Khoa Nhiễm cũng hiện đang điều trị cho cả trăm bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Còn theo bác sĩ Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm, hiện nơi đây đang có hơn 100 bệnh nhi bị tay chân miệng đang điều trị và có 2 trường hợp đã tử vong.
Tình trạng chật chội đến ngạt thở tại hành lang khoa Nội Tổng Hợp và Khoa Niệu của BV Nhi Đồng 2.
Muốn đi lại ở hành lang từ khoảng sau 22h hàng ngày vào những ngày này cũng khá khó khăn vì người nhà và bệnh nhi nằm la liệt.
Số lượng bệnh nhi trong mùa dịch tay chân miệng tăng khiến các bậc cha mẹ đứng ngồi không yên, ngày đêm không ngủ vì thương con.
“Bé đang ngủ thì giật mình dậy lúc nửa đêm và quấy khóc nên tôi phải bồng đi lòng vòng hành lang cho bé dễ ngủ. Con tôi nhập viện được vài ngày nay vì bị tay chân miệng và đang ở khu cách ly với với các bé bị nặng để theo dõi”, người phụ nữ ở quê Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ.
Theo người thân các bệnh nhi, nằm hành lang bằng giường xếp hoặc võng cũng khiến các bé không được thoải mái, bệnh càng thêm trở nặng hơn. Đây là vấn đề đau đầu nhất với những ông bố bà mẹ nhưng vẫn phải chịu vì không còn cách nào khác, không biết chuyển đi đâu.
Tất cả hành lang mặt trước và mặt sau của Khoa Nội Tổng Hợp đều đông đúc như thế này. Thậm chí có nhiều người chấp nhận nằm gần nhà vệ sinh bốc mùi vì hết chỗ.
Tại khu vực cách ly tay chân miệng của Khoa Nhiễm hầu hết các phòng đều chật kín vì mỗi phòng chỉ khoảng 4-5 chiếc giường. Khi người thân trải chiếc chiếu hoặc đặt chiếc võng xếp thì chật hết lối đi khiến những người khác phải ra hành lang nằm.
Việc nằm hành lang vì thiếu giường bệnh khiến cha mẹ các bé rất lo lắng vì tình trạng dịch tay chân miệng khó giảm nhanh.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2018, số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 – 2017.
Khu vực Khoa Nhiễm lúc 0h vẫn còn có bé thức, được mẹ bồng đi lại cho dễ ngủ.
Hành lang của khu cách ly tay chân miệng đều có bệnh nhi và người nhà mắc màn ngủ.
Tuy vậy trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi tập trung đông dân cư, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai,…
Còn theo thống kê của Viện Pasteur TP. HCM, trong 9 tháng đầu năm số bệnh nhân mắc tay chân miệng tại khu vực phía Nam là 47.957 ca.
Một góc hành lang của Khoa Nhiễm được mắc màn dày đặc, không còn lối đi.
Có những đêm cha mẹ thức trắng để trông con ngủ tại hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Chỗ nào chật chội hơn và có nhiều người thì không thể mắc màn, bệnh nhi và người nhà chấp nhận muỗi đốt.
Muôn kiểu trắng đêm chăm con đang điều trị tay chân miệng ngủ ngoài hành lang.
Đây là hình ảnh tại khu vực hành lang tại Khoa Thận – Nội Tiết và Khoa Tim Mạch BV Nhi Đồng 2.
Từ góc cầu thang đến lối đi của BV đều trở thành nơi ngả lưng của người nhà bệnh nhi.
Người nhà bệnh nhi đến BV và ngủ lại qua đêm quá đông dẫn đến tình trạng quá tải tại hành lang.
Khu vực lối đi của Khoa Nội 3 cũng chật kín người nhà bệnh nhi nằm la liệt.
Các bệnh nhi nằm viện lâu ngày nên người thân mang nhiều vật dụng đến bệnh viện để chăm sóc. Những vật dụng này để khắp mọi ngóc ngách của BV.