Cựu lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia: “Hoa một ngày đã héo, máu ngàn đời vẫn tươi”. Xin đừng quên!

Người dân đứng hai bên đường, vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989. Ảnh: Getty

Những giọt máu oan khuất của người dân Campuchia đã chết dưới bàn tay đồ tể của bọn diệt chủng, máu quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn đó. Một sự thật hiển nhiên.

Có lẽ ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore cũng không thể ngờ được phản ứng của dư luận về điều mà ông cho rằng Việt Nam “xâm lược” và “chiếm đóng” Campuchia lại bùng lên dữ dội đến mức như vậy.

Không chỉ người Việt Nam bị tổn thương mà ngay cả nhân dân Campuchia, những người may mắn thoát chết dưới bàn tay của bọn đồ tể Pol Pot – Ieng Sary – Khieu Samphan cũng cảm thấy bị xúc phạm.

Ông Tea Banh – Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội Hoàng Gia Campuchia, ông Hun Sen- Thủ tướng Chính Phủ Campuchia đã phản đối kịch liệt phát ngôn của ông Lý Hiển Long.

Còn chúng tôi, những người lính tình nguyện Việt Nam bước ra từ cuộc chiến thì cảm thấy có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng. Bàn tay nằm chặt lại vì căm giận.

Cựu lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia: Xin đừng quên Hoa một ngày đã héo, máu ngàn đời vẫn tươi - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Vũ Điền – Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.

Suốt mười năm chiến đấu gian khổ để lật đổ chế độ bạo tàn Pôn Pốt và các phái phản động khác của Campuchia, những người lính tình nguyện Việt Nam chỉ có một ước nguyện là được trở về nhà, trở về mái trường, nhà máy, cánh đồng xưa, nơi mà chúng tôi đã ra đi, để lên đường giết giặc chứ đâu có ham muốn gì.

Một ước nguyện nhỏ nhoi và rất đỗi đơn sơ đó thôi, mà rất nhiều, hàng vạn, hàng chục vạn người lính đã không thể thực hiện được. Bởi họ đã hy sinh vì súng đạn, bom mìn của kẻ thù, hoặc bệnh tật nơi miền biên viễn.

Nỗi đau là rất lớn, sự mất mát cũng khôn cùng… Nhưng rất mừng là cả hai dân tộc đã hồi sinh và người dân Campuchia luôn biết ơn những người lính của “đội quân nhà Phật” đã đến thật đúng lúc.

***

Trong bài viết “Máu ngàn đời vẫn tươi” đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam số 57, ngày 7/6/2019, anh Lê Minh Quốc đã viết:

“Năm tháng chiến tranh, đồng đội tôi… đã ngã xuống vì mìn KP2, 45.2A, vì lồng ngực thanh tân đã hứng trọn quả B40 trong một ngày nhạt nắng, trong một chiều mưa trút gió…”

Tôi không thích siêu hình và triết lý, chỉ biết rằng, từ ngày ấy đến nay giữa người dân chùa tháp và người lính chúng tôi vẫn còn mối quan hệ khắng khít, họ đã dành cho những cựu binh Việt Nam tình nguyện năm nào một tình cảm cực kỳ quý mến như đã thân thiết từ lâu lắm rồi.

Mới đây thôi, đồng đội Nguyễn Điền – lính Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 – đã đi từ Sisophon vào tận Svay Chek thăm bà mẹ nuôi.

Kể với tôi, anh không giấu được tiếng sụt sùi, xúc động: “Khi tôi đến nhà thì em Nhanh đang lễ chùa gần đó. Nghe tin có khách Việt Nam đến, em tất tả chạy về, trên tay bế một đứa trẻ chừng hai tuổi. Là Nhanh đây ư, em đây ư? Gần 40 năm rồi nên em khác nhiều quá khiến tôi không thể nào nhận ra.

Ngày tôi về nước, em mới 14 tuổi, mỗi khi tôi đến nhà, em lại ôm lấy tay tôi, chạy theo tôi nhõng nhẽo và ra chiều tự hào với lũ bạn cùng phum rằng mình có một người anh là Bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Vậy mà giờ đây gặp lại em đã 53 tuổi. Em đã trở thành một người mẹ của bảy đứa con, là bà nội, bà ngoại, một người đàn bà Khmer già nua, khắc khổ đến tội nghiệp.

Có một điều rất lạ là khi chạy từ chùa về, thoạt nhìn thấy tôi, em chẳng hề lạ lẫm, bình thản gọi tôi với giọng thật trìu mến, như thể em vẫn nghĩ sẽ có ngày tôi trở lại: “Boòng Điền… nức ná. (Anh Điền, nhớ lắm)”.

Cựu lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia: Xin đừng quên Hoa một ngày đã héo, máu ngàn đời vẫn tươi - Ảnh 3.

Người dân đứng hai bên đường, vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989.

Em cười, một nụ cười thật rạng rỡ. Rồi liền sau đó, ngay trước mặt chú Minh và mấy bà hàng xóm, em chẳng ngại ngần ôm chầm lấy tôi, đôi mắt rơm rớm. Rồi em khóc. Giữa tiếng nức nở em nói với tôi: “Boòng, me bất hời… Boòng nức me tê? (Anh, mẹ mất rồi… Anh có nhớ mẹ không?)”.

Tôi cũng khóc. Một thằng lính đã bước qua cả một cuộc chiến chinh gian khổ ở xứ sở này chưa bao giờ biết khóc, kể cả những lúc phải chứng kiến đồng đội hy sinh thì chúng tôi cũng chỉ bặm môi lại chịu đựng. Vậy mà khi nghe em hỏi vậy, tôi không thể cầm được nước mắt, tôi ôm lấy vai em, tấm thân gầy gò dựa hẳn vào vai tôi”.

Những bà mẹ, người em hiền hậu ấy, suốt năm tháng ở chiến trường K, đi ngang dọc và lên tận vùng Đông Bắc – sát biên giới Thái Lan, chúng tôi đã kết nghĩa với họ. Lúc ở Choămsre, khi nhìn thấy bà mẹ Khmer đã già, khốn khổ, tội nghiệp ngồi bệt dưới chân nhà sàn nhai trầu bỏm bẻm nhưng không có vôi, không hiểu sao chúng tôi cùng buột miệng gọi: “Mẹ ơi!”.

Hình ảnh dung dị, quê mùa ấy khiến ai nấy đều nhớ da diết đến mẹ mình ở quê nhà. Từ trong sâu thẳm đã bật lên một tình cảm gần gũi, thân thiết vô cùng.

Hình ảnh ấy, trở thành cảm xúc để Đoàn Tuấn viết lên những câu thơ mà lính Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 chúng tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ: “Con mới đi chưa hết một cánh rừng/ Mới giúp mẹ trồng được mùa lúa chín/ Những đỉnh núi mây mù con sẽ đến/ Để mẹ ăn trầu với hoa trắng quê hương”.

Ở Campuchia người dân rất quý vôi. Khi xin vôi ăn trầu, họ gọi vôi là hoa trắng.

Cựu lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia: Xin đừng quên Hoa một ngày đã héo, máu ngàn đời vẫn tươi - Ảnh 4.

Người dân đứng hai bên đường, vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989.

Trở về thăm lại chiến trường xưa, bao giờ chúng tôi cũng tìm đến con đường đẹp nhất của thủ đô Phnom Penh, nơi ấy đã dựng lên tượng đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng người lính Hoàng gia Campuchia lấy thân mình che chở cho người dân, cho trẻ em.

Cần nói thêm là hiện nay đã có đến 17 tượng đài tương tự được trùng tu, tôn tạo và xây mới tại Campuchia. Dưới chân các tượng đài này, ai đã khóc, đã ngậm ngùi nhưng rồi lại bừng lên ánh sáng của một tình yêu vì Con Người?

Sự thật của lịch sử là điều bất biến, không ai có thể làm sai lệch. Tòa án quốc tế kết án Pol Pot và đồng bọn tội diệt chủng đã cho thấy chính nghĩa của Việt Nam qua hành động nghĩa hiệp đưa quân vào Campuchia tiêu diệt Khmer Đỏ.

Với thế hệ chúng tôi – những người lính nhập ngũ từ năm tháng ấy – mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa, trong tôi luôn bật ra câu hỏi: “Tại sao trên đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo lại sinh ra những tên đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary?”.

Hỡi ôi, bây giờ lại là câu hỏi khác, có tính thời sự: “Tại sao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại cho rằng Việt Nam đã “xâm lược Campuchia”?

Năm tháng đã đi qua, nhưng xin đừng quên “Hoa một ngày đã héo/ Máu ngàn đời vẫn tươi”.

Những giọt máu oan khuất của người dân Campuchia đã chết dưới bàn tay đồ tể của bọn diệt chủng, máu quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn đó. Một sự thật hiển nhiên. “