Cúng cô hồn ở Sài Gòn – đừng để tục lệ đẹp trở thành xấu xí

Tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu, cũng là “tháng cô hồn”. Từ ngày 2/7 âm lịch trở đi, người dân phố thị Sài Gòn rầm rộ tổ chức “cúng cô hồn”, hình thành một thói quen “giật cô hồn” khá phổ biến.
Anh231.

Một lễ cúng cô hồn kiểu truyền thống với trẻ con tranh nhau đồ cúng.

Có gì trên mâm “cúng cô hồn” của người Sài Gòn?

Tháng 7 âm lịch được biết đến là tháng cô hồn. Những ngày này, dân gian thường lập đàn lễ cúng các vong linh, cô hồn và truyền tai nhau những việc kiêng kỵ, không nên làm để tránh vận rủi.

Có nhiều quan niệm liên quan đến câu chuyện cúng cô hồn, như tháng 7 là tháng “mở cửa ngục”, âm hồn đi lại nhiều trên dương gian, gây ra những chuyện không may cho con người, vì thế, con người phải cúng thức ăn để xoa dịu âm hồn, khiến họ không quấy phá.

Trong đó, phần nhiều cho rằng, tích cúng cô hồn bắt nguồn từ quan niệm nhà Phật, theo đó, giữa “tháng Vu Lan” và “tháng cô hồn” có liên hệ mật thiết với nhau. Đạo Phật có kinh Vu Lan với sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ.

Nhân dịp này, các Phật tử làm lễ cúng mười phương tăng để cầu phước cho ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ nhằm báo hiếu.

Đồng thời họ cũng sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn. Vì vậy, tháng cô hồn cũng bắt nguồn từ tích Vu Lan ra, nhằm nói lên lòng từ bi, nhân ái của con người đối với chúng sanh, không chỉ dành lòng thành cho người sống, cho ông bà cha mẹ, người thân đã mất mà cho cả các linh hồn lang thang không nơi nương náu.

Tuy nhiên, trải nhiều biến thiên trong cuộc sống, cùng với các tục lệ bị hiểu sai, biến dị, khiến đây đó nhiều nơi, cúng thí thực với ý nghĩa đề cao hiếu đạo – từ bi bị biến thành những lễ hội mang đầy màu sắc mê tín dị đoan, cầu ma cúng quỷ nhằm cầu lợi lộc cho bản thân.

Tháng 7 âm lịch, tục cúng thí thực diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị lớn.

Mỗi nơi có cách cúng riêng. Phía Bắc thường bày mâm cúng với nến, nhang, ngũ quả, trà, rượu, cháo loãng, giấy tiền vàng bạc.

Người miền Trung cúng cô hồn còn có thêm trầu cau, thẻ hương. Nhưng nếu nói đến cúng cô hồn hoành tráng nhất, phải kể đến cư dân phương Nam.

Trước đây, mâm cúng cô hồn người miền Nam thường có muối, gạo, hoa quả đèn nến, còn có thêm các loại ăn vặt như bánh kẹo, bỏng, mía, các loại củ luộc và nhất là không thể thiếu tiền lẻ.

Ngày nay, với sự phát triển kinh tế, nhiều gia đình ở các đô thị miền Nam như TP HCM coi cúng cô hồn là một trong những dịp cúng lớn trong năm, ngoài các vật phẩm truyền thống, còn có thêm những đồ cao sang khác như vịt quay, gà nướng, heo quay, thậm chí có nhà còn cúng nguyên cả mâm hải sản cao cấp như tôm càng, tôm hùm, cua gạch, sò các loại… Nhiều người, mâm tiền lẻ cúng nếu cộng giá trị lại hàng vài triệu đồng. Đó là thói quen của các nhà làm ăn buôn bán ở Sài Gòn.

Khốn khổ vì “giật cô hồn”

Đặc biệt, phía Nam có thêm tập tục “giật cô hồn”, và từ nhiều năm nay, ở Sài Gòn, hoạt động “giật cô hồn” diễn ra hết sức rầm rộ.

Tục giật cô hồn bắt nguồn từ quan niệm của một bộ phận cộng đồng người Hoa – Chợ Lớn.

Người tổ chức cúng cô hồn sẽ mong có nhiều người đến giật cô hồn càng nhiều càng tốt, bởi theo quan niệm, các “cô hồn sống” là đại diện cho âm hồn nơi địa phủ.

Cô hồn sống giật càng sạch sẽ mâm bàn, tức là “cô hồn ngạ quỷ” đã ăn hết đồ cúng, chứng giám cho lòng thành của gia chủ.

Đồ cúng xong, là “vong” đã ăn, nếu người giật cô hồn không lấy đi thì gia chủ cũng không thể dùng, vì không may mắn.

Thoạt tiên, việc “giật cô hồn” cũng diễn ra vui vẻ, nhẹ nhàng, dễ thương, chủ yếu là trẻ con đi xin đồ cúng để ăn, tương tự trẻ em đi xin kẹo trong lễ hội ma của phương Tây.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với việc gia tăng giá trị trên mâm cúng của gia chủ, lực lượng giật cô hồn đa số là người lớn, ngày càng manh động hơn.

Không ít clip quay cảnh “giật cô hồn” ở Sài Gòn khiến người xem phải “dở khóc dở cười”.

Có trường hợp, gia chủ vừa bày mâm ra, thắp xong nhang, chưa kịp khấn vái đã thấy người giật cô hồn nhào vào, giẫm đạp lên nhau, giành giật tan tành mâm cúng.

 Những người “giật cô hồn” đạp đổ mâm cúng của gia chủ vì không vừa ý.

Có trường hợp, gia chủ bày mâm ra, người giật cô hồn lao đến nhưng thấy trên mâm không có tiền hay đồ giá trị, đạp đổ cả mâm bàn cúng. Không ít cảnh, gia chủ đóng chặt cửa, bị người giật cô hồn tức tối đạp cửa, ném đá…

Như trường hợp anh Lê Thiên Phú, ngụ Tân Bình, TP HCM vừa qua đã chụp ảnh lên mạng cảnh cổng nhà bị xô đổ, chậu hoa đổ bể tan tành, còn người cúng cô hồn té ngã xây xước, chửi bới lẫn nhau.

Không chỉ thế, có những lễ cúng cô hồn đã trở thành nơi nhiều kẻ trộm cắp trà trộn, lao vào nhà giữa đám đông, tận dụng hôi của.

Nhiều lễ cúng cô hồn đã trở thành bi hài kịch khi diễn ra cãi vã, đánh nhau giữa gia chủ và người giật cô hồn, hoặc ẩu đả giữa người giật cô hồn với nhau.

Không biết, linh hồn người chết có thể đến “thưởng thức” mâm cúng và phù hộ cho gia chủ nổi hay không, giữa một rừng “cô hồn sống” bát nháo, náo loạn, giành giật nhau như thế?

Đại đức, Tiến sĩ Thích Hoằng Hòa, chùa Vạn Đức, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM:

Không nên duy trì quan niệm phải “giật cô hồn” mới là may mắn

Cúng thí thực được nói đến trong kinh Phật, ở tích Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Từ đó nhân ngày Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báu báo hiếu cho ông bà cha mẹ hiện tiền hay quá vãng.

Việc cúng thí thực cũng nhằm mở lòng bi mẫn đối với những linh hồn bơ vơ, không nơi nương tựa, giúp cho họ được bữa ăn no. Đó cũng là việc làm thể hiện lòng từ bi, góp phần tích phước cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, kinh Phật không nhắc đến chuyện “cúng cô hồn”. Cúng cô hồn là một tập tục dân gian có từ lâu nay trong cộng đồng người Việt, người Hoa.

Thực ra, bố thí là một hạnh rất tốt, từ bi, nên làm. Mâm lễ cúng cô hồn, cúng xong không hẳn là gia chủ không được ăn bắt buộc phải để người ta “giật” hết, mà nên bố thí cho người sống, để người nghèo có bữa no, đó chính là việc làm ý nghĩa. Tuy nhiên, các gia chủ khi cúng không nên quan niệm phải “giật cô hồn” mới là may mắn.

Nếu tổ chức cúng rồi “giật”, để mọi người khởi tâm tranh giành, ganh tị, oán ghét lẫn nhau, gây xô xát ẩu đả thì vừa mất trật tự, tạo ra nhiều hậu quả không hay, thậm chí giảm bớt bước đức tốt lành. Việc bố thí sau khi cúng cần được sắp đặt trật tự, ngăn nắp, công bằng, giúp cho người đến nhận cùng nhau vui vẻ được quà. Có như thế, gia chủ mới được phước báu trọn vẹn từ việc cúng thí thực.

 

Theo Ngọc Mai (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/cung-co-hon-o-sai-gon–dung-de-tuc-le-dep-tro-thanh-xau-xi-d134962.html