Đối với Tổng thống Putin, việc Ukraine gia nhập NATO là một giới hạn đỏ vì Nga luôn coi sự mở rộng của khối quân sự này là một hành động khiêu khích.
Tại châu Âu, vụ đầu độc điệp viên ở Salisbury và những cáo buộc đặc vụ Nga hoạt động ở Hà Lan đang gợi nhớ lại các trò chơi tình báo thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Phương Tây.
Tại Ukraine, bức tranh thậm chí còn u ám hơn. Cuộc chiến tranh nóng ở vùng Donbas phía Đông Ukraine cũng như cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev dường như đang diễn biến theo chiều hướng leo thang.
Còn sự kiện nóng bóng mới nhất là gì? Đó là việc Ukraine muốn có sự độc lập lớn hơn về đời sống tinh thần khi Giáo hội Ukraine tìm cách tách ra khỏi Giáo hội Chính thống Nga.
Động thái trên đã ngay lập tức bị phía Moscow lên án và cho đó là quyết định có nguy cơ gây chia rẽ cộng đồng Chính thống giáo toàn cầu. Ngày 12/10, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn thảo về vấn đề này.
Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin cho biết, Kremlin đặc biệt quan ngại, đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu tình hình hiện tại dẫn tới các hành động bất hợp pháp, thì tất nhiên, giống như việc bảo vệ lợi ích của những người nói tiếng Nga, và như Tổng thống Putin đã từng phát biểu rất nhiều lần, Nga sẽ bảo vệ lợi ích của những người Chính thống giáo.”
Những lời lẽ trên bản thân nó đã hàm chứa sức nặng. Giống như hồi sáp nhập Crimea, Moscow cũng tuyên bố là để bảo vệ những người dân tộc thiểu số Nga. Trong cuộc xung đột đó, Washington đã không đứng ngoài cuộc.
Lính Mỹ đứng trước các máy bay tiêm kích F-15 trong cuộc tập trận không quân tại Căn cứ Starokostiantyniv. Ảnh: CNN
Mỹ cáo buộc Nga là bên gây hấn. Phát biểu với các phóng viên tại Rome hôm 12/10, Kurt Volker, đặc phái viên của Chính quyền Donald Trump về Ukraine nói rằng, các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine “100% nằm dưới quyền chỉ huy và điều khiển của Nga” bất chấp Moscow luôn kiên định với quan điểm cuộc chiến ở Donbas là phong trào nổi dậy địa phương.
Đi kèm với các tuyên bố mạnh mẽ trên, Washington cũng không ngừng đẩy mạnh quan hệ đối tác quân sự với Kiev.
Tuần trước, Không quân Mỹ đã khởi động một cuộc tập trận quân sự mang tên “Clear Sky” ở Ukraine nhưng chủ yếu diễn ra tại Căn cứ Không quân Starokostiantyniv với sự tham gia của các tiêm kích F-15C Eagle, máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay không người lái MQ-9 Reaper đến từ căn cứ Miroslawiec ở Ba Lan.
Ukraine không phải là thành viên NATO nhưng chính phủ nước này đang rất mong muốn gia nhập khối quân sự này. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố những cuộc tập trận như thế này sẽ giúp Ukraine xích lại gần hơn với NATO.
“Mục đích của các cuộc tập trận là nhằm tăng cường mức độ tương thích giữa các máy bay chiến đấu của chúng tôi với máy bay của Không quân Mỹ và các lực lượng khác của liên minh”, ông Poroshenko cho biết.
Đối với Tổng thống Putin, việc Ukraine gia nhập NATO là một giới hạn đỏ vì Nga luôn coi sự mở rộng của khối quân sự này là một hành động khiêu khích.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Washington vẫn cứ “chọc tức” Kremlin khi đầu năm nay đã quyết định chuyển giao các vũ khí chống tăng Javelin cho Ukraine nhằm đẩy mạnh khả năng quân sự của quốc gia này.
Các quan chức chính quyền Trump cũng liên tục đưa ra những quan điểm cứng rắn hơn về vai trò của Nga ở Ukraine.
Ngày 12/10, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đăng tải một đường link dẫn tới các hình ảnh được chụp bởi một UAV do các giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu điều khiển cho thấy rõ các đoàn xe, gồm cả một xe tải vận chuyển xe thiết giáp chở quân di chuyển qua lại ở địa bàn do phiến quân kiểm soát gần biên giới với Nga.
“Nga phải dừng ngay việc lợi dụng đêm tối cung cấp vũ khí sát thương cho các lực lượng ủy nhiệm ở miền Đông Ukraine”, Đại sứ quán Mỹ viết trên Twitter.
Ngày 15/10, tại Minsk, Thượng Phụ Kirill của Moscow, lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga đã triệu tập một hội nghị tôn giáo nhằm tìm ra biện pháp đối phó với những diễn biến mới nhất liên quan tới việc Ukraine tách ra khỏi Giáo hội Nga.
Trước hội nghị này, Thượng phụ Kirill đã có cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cập của Nga. “Chia tách tôn giáo luôn luôn là một điều không tốt”, ông Lukashenko nói. “Hậu quả của nó sẽ là rất nghiêm trọng”.
Video các binh lính Mỹ tập trận cùng lính Ukraine gần bán đảo Crimea