“Con ơi có điểm thi chưa? Mẹ lo quá, chẳng biết điểm chuẩn của trường năm nay có giảm để con đủ vào không…” luôn là những câu nói đau đáu nhiều bậc làm cha mẹ có con em thi tuyển sinh vào lớp 10 thời điểm hiện tại.
Trải qua hàng chục năm cuộc đời, cũng giống như chúng ta, cha mẹ dành cả tuổi trẻ để đến trường đi tìm con chữ. Rồi trên quãng đường dài đằng đẵng ấy, ắt hẳn sẽ có người rơi rớt lại đâu đấy giữa những cột mốc tiểu học, trung học, hay đại học,…
Mang tâm lý “mình thì có thể ra sao cũng được, nhưng nhất định đời con mình phải được học hành thật tử tế”, cha mẹ cứ thế ngày đêm nuôi dưỡng, tiếp lửa ước mơ cùng con cái. Sau tất cả khoảng thời gian miệt mài đèn sách, bươn chải trên đường đời, đi đến quyết định lập gia đình và có con trong quá khứ, giờ họ lại tiếp tục với cuộc chiến thi cử – giáo dục – trường lớp thời hiện đại.
Những ngày phải chờ đợi điểm thi, điểm chuẩn như hiện tại, đối với cha mẹ có khi còn áp lực hơn cả ngày đưa con mình đi thi. Còn nhớ mới mấy tuần trước, khoảnh khắc con đang ngồi chiến đấu với đề thi trong phòng cũng là lúc cha mẹ đứng ngóng trông mãi ngoài cổng trường chẳng chịu về. Nhiều người còn rưng rưng nước mắt khi thấy các em bước ra với cái lắc đầu buồn bã vì không làm được bài. Và nay, người ta lại chứng kiến cảnh các bà mẹ bật khóc ở cổng trường, đứng ngóng vào chờ điểm chuẩn để xem con đậu hay rớt.
Ai trong chúng ta có trải qua rồi mới hiểu, dù là từng bài kiểm tra trên lớp hay những chuỗi ngày thi học kỳ, tuyển sinh lớp 10 hay thi vào Đại học, quá trình ôn luyện và làm bài đã khó khăn, nhưng phải chờ đợi kết quả cuối cùng còn áp lực hơn gấp bội.
Một vài câu chuyện điển hình về những bậc phụ huynh có con em đang ngày đêm mòn mỏi đợi chờ điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ giúp bạn nhận ra rằng: Không chỉ có học sinh mới hồi hộp chuyện thi cử, thực chất thì cha mẹ các em còn lo lắng gấp nhiều lần như vậy!
Chuyện của chị Hiền: Con gái học rất giỏi, thi vào trường chuyên, nhưng mẹ vẫn phải thấp thỏm lo âu vì câu “Học tài thi phận”
Đối với những vị phụ huynh có con em học giỏi, dĩ nhiên sẽ bớt đi được phần nào gánh nặng về điểm số cũng như thành tích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nhiều em vốn có điểm trung bình luôn thuộc hàng top của lớp, của khối, của toàn trường khi học cấp 2, được đào tạo trong một môi trường bài bản với quá trình ôn luyện kỹ càng, cũng như nhận được sự hỗ trợ lớn về mặt tinh thần từ phía gia đình.
Tuy nhiên, “Học tài thi phận” luôn là câu nói gây ám ảnh nhất đối với những học sinh và phụ huynh trong trường hợp này! Chị Hiền có con gái tên Minh, vốn là một học sinh giỏi nhiều năm liền. Khoe về thành tích “khủng” của con, chị không khỏi tự hào khi suốt 4 năm học cấp 2, Minh luôn nằm trong top học sinh toàn giỏi toàn trường. Về chuyện học hành của con, chị cũng không phải lo lắng nhiều. Nhưng riêng với cuộc đua vào lớp 10 này, bản thân người mẹ lại cảm thấy sợ.
Bên cạnh kiến thức trên trường lớp, chị Hiền cho Minh đi học thêm môn Toán bên ngoài, còn lại đa số em phải tự học tại nhà. Từng va chạm nhiều với các cuộc thi học sinh giỏi, Minh có vẻ là một cô bé khá toàn diện đúng chuẩn “con nhà người ta”. Năm nay em có nguyện vọng thi vào 2 ngôi trường top đầu của toàn thành phố. Thế nên là một người mẹ, chị sợ tỷ lệ chọi cao, sợ con áp lực tinh thần, sợ ngày đi thi con làm bài sơ sẩy,… sợ đủ mọi thứ có thể cản ngăn con đường mà con mơ ước.
Những ngày chờ điểm, cả gia đình chị đứng ngồi không yên vì con gái. Bữa cơm thường ngày cũng lặng thinh hơn. Chị và con gái thì ngày nào cũng lên mạng tra cứu điểm thi xem có chưa. Ra đường đi chợ thì thấy họ bàn về chuyện con mình thi tốt thế nào. Riết rồi tự nhiên chị thấy áp lực thay cả con mình.
Chuyện của chị Yến: “Biết con trai học kém, chị chỉ mong nó đỗ được 1 trường là đã mãn nguyện…”
Chị Yến lại nghẹn ngào nhiều hơn khi chia sẻ về cậu con trai tên Nam vừa mới hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Điều kiện gia đình cũng được xem là khá giả khi cả hai vợ chồng đều đang làm kinh doanh, thế nên chị không ngại cho Nam đi học thêm bên ngoài để bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, vì sức học kém lại nghiện game, thế nên từ nhỏ mỗi lần nhận sổ liên lạc hay bảng điểm của con trai, người mẹ chỉ cầu mong sao Nam đủ điểm lên lớp chứ chẳng đòi hỏi gì nhiều.
Ngày tỉnh công bố điểm chuẩn trúng tuyển THPT, không khí gia đình chị nặng trĩu khi người con trai chỉ đạt 27 điểm, chẳng thể đỗ vào ngôi trường em mong muốn. Mấy ngày qua, người chồng chẳng thèm đoái hoài gì đến hai mẹ con vì cho rằng con trai được mẹ nuông chiều nhiều quá nên học hành sa sút. Gia đình nhà nội ở quê cũng liên tục gọi điện hỏi han. Giờ chị như ngồi trên đống lửa, cứ phải chạy khắp nơi hỏi thăm người quen xem có trường tư thục nào mà con mình đủ điểm để vào hay không.
Chị bảo, phận làm mẹ có con như vậy ai mà chẳng buồn lòng. Nhưng biết làm sao được, sức con mình chỉ tới đó, có cố đòi hỏi thêm cũng không ích gì. Chị chỉ thấy buồn khi cách mình giáo dục con cái lại được người ta đem đi đo bằng từng con điểm. Chị tự hào rằng ngoài việc học kém và hay mê chơi game, Nam vẫn là một người con rất ngoan ngoãn và hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Thế nên giờ chỉ mong cho con đỗ được một trường rồi gắng cho tới hết lớp 12 sau đó đi học nghề. Chứ mới xong cấp 2 đã vậy, người làm mẹ cũng chẳng thể đành lòng!
Câu chuyện của anh Tiến: “Nếu chẳng may điểm số không như mong muốn, còn vô vàn ngã rẽ khác đang chờ con!”
Câu chuyện của anh Tiến và con gái dưới đây lại cho ta thấy một cái nhìn rất khác về những bậc phụ huynh thời hiện đại. Hương (con gái anh Tiến) cũng vừa mới hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Với sức học thuộc loại khá – giỏi, năm nay con gái anh tự tin đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp chuyên Anh một ngôi trường cũng khá có tiếng tại Sài Gòn với điểm chuẩn luôn nằm trong top cao nhất hàng năm.
Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười với Hương khi năm nay em đạt 33 điểm, thiếu đúng 0,25 để được bước chân vào ngôi trường mà em mong muốn. Anh Tiến cho hay, ngày biết điểm, con gái gần như tuyệt vọng, vì đây vốn là ước mơ của em ngay từ khi học lớp 6. Gia đình anh vốn cũng không đặt nặng bất kỳ áp lực học hành nào cho con ngay từ nhỏ, vì Hương vốn rất chăm chỉ và tiếp thu tốt. Mấy ngày qua, anh và bà xã đã động viên rất nhiều, cũng như định hướng cho con gái một ngôi trường khác vừa sức hơn.
Ai rồi cũng phải trải qua thất bại, và cha mẹ cũng nên cho con cái của mình quyền được thất bại ít nhất một lần trong đời. Quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã, con mình đứng lên như thế nào. Đối với anh, điểm thi không làm cho người ta hiểu con mình đã chăm chỉ và ngoan ngoãn như thế nào, không vẽ ra hết bao nhiêu trải nghiệm trong cuộc sống mà con từng đi qua, cũng không nói lên được con mình là một người bất tài, vô dụng.
Rõ ràng, không bậc phụ huynh nào có thể ngưng dõi theo bước đường tương lai của con cái. Đơn giản rằng vì họ thương con, lo lắng cho con. Nhưng cũng không ít trường hợp cha mẹ quá đặt nặng những con số, những kết quả cũng như kỳ vọng của bản thân lên con cái. Nhiều người cứ thích hỏi han khắp nơi điểm số con nhà người ta rồi lại về bày tỏ sự thất vọng với con mình. Trái ngang hơn, nhiều trường hợp học sinh thi rớt, đạt kết quả không tốt cũng chính vì “tác dụng phụ” từ sự lo lắng thái quá của phụ huynh!
Dẫu biết vì thương con cái nên mới vậy, nhưng thiết nghĩ các bậc làm cha mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn, tránh tạo áp lực cho các em học sinh. Thay vì vậy, hãy trở thành một người bạn tâm giao biết lắng nghe, thấu hiểu và cho con những lời khuyên, lời động viên chân thành và đúng lúc. Rốt cuộc, gia đình và cha mẹ vẫn nên làm điểm tựa vững chắc để con vấp ngã, hơn là tự biến mình thành nỗi áp lực đè nặng lên vai các em!
Với những bậc phụ huynh có con đã biết điểm thi, điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển thì giờ có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hàng triệu học sinh thi vào lớp 10 và cũng là hàng triệu người làm cha mẹ trên khắp Việt Nam này vẫn đang ngày đêm mất ăn, mất ngủ ngóng chờ điểm thi, điểm chuẩn. Hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ luôn đủ mạnh mẽ và vững tin vào một kết quả đầy tốt đẹp!