(Tổ Quốc) – Số tiền lì xì có quan trọng hay không khi mà nhiều lúc người lớn vô tình làm “hư” trẻ khiến thứ chúng quan tâm nhiều hơn là… mệnh giá đồng tiền mà quên lễ phép đáp lại lời chúc tụng, cảm ơn.
Nhiều đứa trẻ khi nhận lì xì là rút phắt ra xem bên trong có bao nhiêu, tiền to thì thích hơn tiền nhỏ. Điều này có lẽ 1 phần do cha mẹ đã không nói cho con về ý nghĩa của tục lì xì, của chiếc phong bao đỏ xinh, để trẻ hướng tới giá trị tinh thần nhiều hơn.
“Mẹ chồng quốc dân” NSND Lan Hương: “Lì xì cho trẻ lấy may, còn với người lớn tuổi thì cần để ý hơn về mệnh giá”
Trong cuộc sống này đừng để vật chất hay tiền bạc trói buộc mình, như vì số tiền trong phong bao lì xì mà đánh giá mức độ tình cảm hay độ thân thiết của người khác.
Muốn để con trẻ không để tâm vào bên trong có bao nhiêu hãy nói với con về ý nghĩa của việc lì xì. Ngoài ra có 1 cách để hút trẻ đến giá trị tinh thần hơn là dùng những bao lì xì đẹp sẽ làm trẻ rất thích, thậm chí chiếc bao bì tinh tế còn làm cho tư duy thẩm mỹ của các con cũng được tăng lên, khiến trẻ tập trung vào giá trị tinh thần hơn là vật chất bên trong.
Như cháu của mình, thứ chúng nó sưu tập là những chiếc phong bao lì xì thật đẹp, còn tiền đưa lại cho mẹ.
Còn nói bỏ lì xì bao nhiêu là đủ thì không bao giờ có vừa và đủ, trừ khi đó là văn hóa phong bì, mà cái đó là mặt trái của xã hội rồi. Việc thăm nom ngày Tết thì “lì xì” quả cam, quả chuối, đặc sản quê nhà cũng rất quý.
Với mình tiền lì xì cho trẻ chỉ là lấy may thôi, còn mình chú trọng hơn đến việc đi lễ Tết mừng người lớn tuổi. Đó là những người lúc đó sức khỏe đã yếu đi, điều kiện vật chất thì có khi phụ thuộc vào con cái, thời gian họ cùng với chúng ta càng ngày càng bị rút ngắn đi. Nên đi lì xì bao nhiêu thì cũng nên để ý hơn, ngoài ý nghĩa lấy may ra.
Sáng mùng 1 năm nào, nếu không dính dịch Covid- 19, gia đình mình cũng đi chúc Tết kéo 1 bầu đoàn đi thăm họ hàng, cô dì chú bác người lớn tuổi đi đầu tiên. Khi vào nhà ai đúng là 1 cuộc “đổ bộ” nhưng vui vẻ nói cười, trẻ con háo hức.
Lúc đó trẻ con vui vì được nhận lì xì, các cụ vui vì con cháu mừng tuổi chúc sống lâu trăm tuổi. Trong khi bình thường có biếu các cụ chưa chắc đã nhận tiền bạc của con cháu đâu.
Dube Nguyễn (youtuber “xây” kênh văn hóa Việt): “Có thể thay thế lì xì tiền bằng lì xì sách”
Mình thường lì xì 50 ngàn, 100 ngàn cho trẻ, còn với cháu chắt họ hàng thân thiết thì tùy theo. Nhưng với mình quan trọng không phải là số tiền bên trong đó bao nhiêu, cái này tùy thuộc vào điều kiện của bạn, chứ không thể nói nhất thiết nên là bao nhiêu.
Tuy nhiên, mình chú trọng lựa chọn những chiếc bao lì xì xinh đẹp vì tuy là phần “bên ngoài” nhưng thực ra nó rất ý nghĩa và cho thấy tâm huyết, tình cảm của người lì xì.
Mình nghĩ có thể có cách khác nữa là lì xì trẻ bằng… sách. Tuy có cồng kềnh 1 chút nhưng việc này rất thiết thực. Sách thì lúc nào cũng quý, trẻ con cũng thích 1 món quà tinh thần đầu năm mới thật tuyệt và ý nghĩa.
Vì thế chuyện lì xì bao nhiêu thật sự không quan trọng, quan trọng là tình cảm và ngân sách của mình có bao nhiêu thôi. Người lì xì đã không nghĩ thì cha mẹ các bạn nhỏ cũng đừng nghĩ mệnh giá tiền thể hiện tỷ lệ thuận với tình cảm. Đặc biệt đừng gieo vào đầu trẻ tư tưởng đó.
Cha mẹ cũng cần dạy con cách nhận lì xì ra sao cho lịch sự nhất và thái độ với những phong bao lì xì nên thế nào để trẻ hiểu tuy là bên trong là tiền nhưng lì xì lại có giá trị tinh thần nhiều hơn.
Chuyên gia giáo dục – Tiến sĩ Vũ Thu Hương: “Cần dạy trẻ về văn hóa nhận lì xì”
Mỗi năm một lần, bọn trẻ nhận lì xì trong dịp Tết. Nhưng thái độ nhận lì xì của con trẻ cũng là một vấn đề cần bàn. Nhiều cháu khi được nhận đã vội bóc ra xem và chê bai số tiền nhận được. Cũng nhiều cháu giật lấy bao lì xì rồi nhìn chằm chằm vào khách mà không thốt lên được một câu nói cảm ơn.
Vậy chúng ta cần dạy con cháu thế nào về tục lệ nhận lì xì. Theo tôi, chúng ta cần làm các việc như sau:
1. Trước Tết, khi chúng ta đang chuẩn bị đón xuân, các cha mẹ kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì. Câu chuyện này sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy rằng: Không được tiêu những đồng tiền này. Đêm về, phải đặt các phong bao lì xì dưới gối để xua đuổi Quỷ dữ.
2. Dạy con cách thưa gửi, chào hỏi khi khách đến nhà hoặc đi chúc Tết. Khi khách đến nhà hoặc cả nhà đi chúc Tết, trẻ nhỏ cần phải chào hỏi lễ phép và chúc Tết những người khách. Cha mẹ có thể dạy trước cho bé những câu chúc đơn giản, dễ học và phù hợp với hầu hết mọi người.
Ví dụ: Cháu chúc ông/ bà/cô/chú/anh/chị năm mới mạnh khỏe và may mắn. Với các câu chúc này, trẻ sẽ đem niềm vui đến cho tất cả mọi nhà.
3. Dạy con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Cha mẹ cần dạy trước con cách cảm ơn khi nhận phong bao lì xì. Nhưng câu cảm ơn lễ phép của trẻ sẽ khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng.
4. Dạy trẻ không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách. Hành động xấu chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Cha mẹ có thể dặn con là những đồng tiền này dùng để xua đuổi Quỷ dữ khi con ngủ. Vì thế, con tuyệt đối không được xé bọc lì xì ra. Con có thể gửi mẹ cầm giúp hoặc cha mẹ chuẩn bị cho con một chiếc túi nhỏ để đựng phong bao lì xì. Khi trở về nhà, con cần cho tất cả những phong bao đó vào trong một chiếc túi và đặt dưới gối ngủ của con.
5. Dạy con sử dụng những đồng tiền lì xì hợp lý sau Tết. Khi Tết đã thực sự kết thúc, thường là lúc hạ cây nêu hoặc gia đình làm lễ hóa vàng, các cha mẹ cần giúp con mở chiếc túi đựng lì xì ra và thu gom số tiền lì xì được nhận.
Nếu các con đã đến tuổi sử dụng tiền, thường là lớp 3 trở lên, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó. Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi phí cụ thể.
Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó. Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng nó.
Câu chuyện về tục lì xì đầu năm mới cho trẻ nhỏ
Ngày xưa, khi Tết đến Xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật. Đã có cháu còn bị quỷ dữ cướp đi.
Thấy vậy, dân làng vô cùng lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi ông vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.
Với trẻ nhỏ, ông cho bọn trẻ mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.
Sau này, mọi người lớn trong gia đình cũng làm theo Bụt, cứ đến Tết là tặng trẻ những đồng xu nhỏ để xua đuổi Quỷ dữ.
Theo Thanh Ba (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/chuyen-gia-huong-dan-cach-de-tre-khong-rut-ngay-bao-li-xi-xem-menh-gia-nhat-la-tuyet-chieu-cua-me-chong-quoc-dan-moi-that-bat-ngo-2220217216124853.htm