Cần kịp thời chấn chỉnh hành xử của Youtuber

Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng vụ việc cựu người mẫu Trang Trần tìm đến nhà để chất vấn ca sĩ trẻ Hồ Văn Cường trong sự việc tai tiếng liên quan đến cố ca sĩ Phi Nhung.
saostar-3o4qfcostvk4ld2v-5334

Trang Trần chạy xe tới tận nhà Phi Nhung để gặp mẹ con Hồ Văn Cường.

Trước đó, từ việc một nữ doanh nhân đăng đàn tố cáo ê kip của Phi Nhung đối xử không tốt, không trả số tiền Hồ Văn Cường đoạt giải cuộc thi ca hát khiến một bộ phận cộng đồng mạng vào ném đội ngũ của Phi Nhung.

Sau khi Phi Nhung mất, Trang Trần đã đến nhà Hồ Văn Cường hỏi “cho ra lẽ”. Trong đoạn livestream cuộc nói chuyện trên, tuy Hồ Văn Cường và gia đình tỏ ý không muốn trả lời, Trang Trần vẫn bằng những lời khó nghe liên tục chất vấn, dồn ép đối phương. Nhiều người xem livestream đã bày tỏ bức xúc trước hành vi xâm phạm đời tư của Trang Trần.

Cũng mới đây, dư luận lại rộ lên sự bất bình về sự việc Youtuber với nick name Asin tìm đến nhà một thanh niên nói xấu Phi Nhung trên mạng xã hội để hành hung và quay clip đăng tải lên Youtube. Trong clip, Asin đi cùng một nhóm, chửi rủa người bị hại với lời lẽ nặng nề, sau đó vung tay tát thẳng vào mặt người này. Trong phần bình luận, trả lời bạn bè, Youtuber Asin còn “tự hào” cho biết là còn nhiều cảnh đánh “đẹp” hơn trong clip.

Sự việc làm nhiều người nhớ lại chuyện một nhóm gồm nghệ sĩ, Youtuber thách đấu và kéo đến nhà một Youtuber khác gây rối vì anh này có phát ngôn không hay về cố nghệ sĩ Chí Tài.

Tương tự, một số Youtuber đã đến nhà những người có hành vi sai quấy, bị cộng đồng mạng lên án để chửi bới, hành hung. Có nạn nhân bị đánh đến suýt thương tật. Như sự việc một đoạn clip người cha bạo hành con được phát tán trên mạng. Dù sự việc diễn ra cách đó hằng năm trời, clip xuất hiện muộn, nhưng một nhóm Youtuber đã kéo đến nhà người cha trong clip nói trên, vừa định tội, vừa đánh đập người này theo đúng cách đã hành hung đứa trẻ. Chỉ khi công an đến nhóm Youtuber mới chịu dừng tay.

Có thể thấy, những hành xử kiểu giang hồ như trên đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ, xâm phạm quyền riêng tư người khác. Điều đáng nói là hầu hết Youtuber nói trên, đi cùng với hành động sai trái, là hành vi quay clip, phát trực tiếp cảnh bạo hành do mình gây ra một cách đầy tự hào, được một bộ phận không nhỏ khán giả vào tán dương.

Rõ ràng, đó là hành vi sai trái cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật. Nhưng bởi vì không được xử lý, chấn chỉnh kịp thời, nên những hành vi ấy ngày càng tiếp diễn, với mức độ nặng hơn, tình tiết phức tạp hơn. Nếu cứ buông lỏng cho giới Youtuber lộng hành như thế, có lẽ sẽ tạo ra một sự rối loạn trật tự, an ninh xã hội từ mạng xã hội ra ngoài đời thật. Và mỗi một người có hành vi không hay, lại nơm nớp sợ… Youtuber đến phán xử, thay vì những điều chỉnh của pháp luật và đạo đức xã hội.

 

Theo Đông Phương (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/can-kip-thoi-chan-chinh-hanh-xu-cua-youtuber-d168509.html