Thủ đoạn “hack” facebook lừa chuyển tiền, tung hình ảnh nhạy cảm

Gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện các vụ việc đối tượng “hack” facebook cá nhân và nhắn tin messeger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để mượn tiền, nhờ chuyển tiền… Ngoài ra, chúng còn lợi dụng tin nhắn, hình ảnh và một số đoạn video clip có nội dung nhạy cảm rồi gửi đường link trên mạng xã hội, tin nhắn messenger có chủ đích đến nhiều tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè và đồng nghiệp của chủ tài khoản, với mục đích hạ thấp uy tín, danh dự, nhân phẩm cá nhân của nhiều người.

Những thủ đoạn của kẻ xấu

Điển hình là trường hợp của chị Q., trú tại TP. Đồng Hới. Chị Q. nhận được tin nhắn messenger từ tài khoản facebook “B.K.Đ.” (là tài khoản mạng xã hội của chồng) hiện đang lao động tại Hàn Quốc với nội dung nhờ chuyển tiền giúp cho bạn của chồng ở Việt Nam để lo chi phí phẫu thuật do tai nạn.

Chị Q. có gọi video cho chồng mình và gọi điện thoại với bạn của chồng để xác minh. Tin tưởng đúng là chồng của mình nhắn tin, chị Q. đã chuyển số tiền theo hướng dẫn đến số tài khoản 17710000…, chủ tài khoản Dang Van H. Tất cả 4 lần với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thì chị Q. mới biết tin tài khoản facebook của chồng mình trước đó đã bị “hack”, người nhắn tin nhờ chuyển tiền là một đối tượng khác.

Ngoài thủ đoạn này, các đối tượng còn sử dụng “sim rác” để lập zalo mang tên người quen của nạn nhân và gửi yêu cầu kết bạn. Sau đó dùng những tin nhắn chuẩn bị sẵn hoặc đã có thời gian tương tác để “làm mồi”, cùng với việc lấy một số hình ảnh trên trang zalo cá nhân và video clip không có thật có nội dung nhạy cảm để thu hút sự tò mò của người xem. Sau đó, chúng đăng lên trang “facebook ảo” và gửi đường link có chủ đích đến một số người quen biết, có mối quan hệ với nạn nhân để gán ghép, tạo thông tin giả.

Sự việc này xảy ra ở một cơ quan tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới). Đối tượng đã gán ghép hình ảnh, video clip không có thật và các nội dung tin nhắn của lãnh đạo cơ quan này có quan hệ tình cảm với một nữ nhân viên nhằm bôi xấu danh dự, nhân phẩm cá nhân của nạn nhân và một số người khác.

Theo các nạn nhân của vụ việc này cho biết, những nội dung liên quan đến hình ảnh và video clip nhạy cảm được phát tán, chia sẻ trên mạng xã hội vừa qua không liên quan đến mình và không hề hay biết sự việc, có một số nạn nhân vào thời điểm đó bị kẻ xấu “hack” facebook và chiếm quyền sử dụng để có những ý đồ xấu. Bức xúc trước sự việc này, đã có một số nạn nhân trình báo cơ quan Công an để làm rõ, xử lý đối tượng liên quan.

Cảnh giác với các “chiêu trò” trên mạng xã hội

Để cảnh báo người sử dụng mạng xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình đã liên tục cảnh báo những thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để phòng ngừa.
Công an tỉnh Quảng Bình đã liên tục cảnh báo những thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để người dân phòng ngừa.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, thủ đoạn của các đối tượng được chia thành 3 nhóm cơ bản như sau: Nhóm 1, giả mạo thương hiệu (giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán) để gửi SMS lừa đảo ; giả mạo các trang web/blog chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn) tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân).

Nhóm 2: Chiếm đoạt tài khoản, như: Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…) để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín, tống tiền…

Nhóm 3: Các hình thức kết hợp, sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, Công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS. Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin để “câu view”, “câu like” và sau đấy là lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp lừa đảo…

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên facebook. Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên facebook, telegram, zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư. Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương hại để lừa đảo qua các nền tảng facebook, zalo, tinder, telegram. Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại.

Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo. Thủ đoạn nâng cấp lên sim 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản. Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân. Lập sàn đầu tư tiền ảo Crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ câu chuyện này, chúng ta thấy được những mặt trái của mạng xã hội, từ câu chuyện “hack” facebook nhờ chuyển tiền để chiếm đoạt cho đến sử dụng ảnh “nóng”, video clip nhạy cảm, thậm chí dựng chuyện trên mạng xã hội đã và đang trở thành chiêu trò hèn hạ của một số người nhằm mục đích bôi nhọ, hạ nhục người khác với ý đồ xấu, tống tình, tống tiền nạn nhân. Những hành vi trái pháp luật này đã gây ra hệ lụy xấu đối với nạn nhân, vừa mất tiền vừa tổn thất về mặt tinh thần, nhất là ai cũng có thể trở thành nạn nhân với những thủ đoạn tương tự.

Bởi vậy, đối với mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, không xem nhẹ việc sử dụng không gian mạng, không xem đây là hoạt động đơn giản, vô hại để tránh không vướng vào; nếu vượt quá giới hạn thì sẽ bị điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật.

                                                                     Minh Hoàng

Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/phap-luat/202304/thu-doan-hack-facebook-lua-chuyen-tien-tung-hinh-anh-nhay-cam-2208669/