TS.BS Lê Thanh Đức (trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K Hà Nội) đã đưa ra những con số bệnh nhân trẻ hoá về ung thư vú đặc biệt có những nữ sinh tuổi vừa 20.
Ung thư trẻ hoá
Bác sĩ Đức cho biết như bao bệnh ung thư khác, bệnh ung thư vú đang trẻ hoá và nhiều trường hợp còn rất trẻ, chưa có gia đình đã phải đối mặt với căn bệnh này.
Gần đây nhất, TS Đức điều trị cho hai bệnh nhân tuổi vừa 20. Bệnh nhân N.T A. Nam Định mắc ung thư vú khi 22 tuổi, sau 1 năm điều trị bệnh có tiến triển nhưng bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn khi ung thư đã có di căn. Bác sĩ Đức cho biết đây là trường hợp điển hình của phát hiện ung thư vú khi đã muộn.
Trường hợp khác là Hồ A. V ,Tây Hồ, Hà Nội còn đang là sinh viên đại học năm thứ hai, đã bị ung thư vú. Trước đó, V thấy các dấu hiệu đau nhói nhưng lại rất mơ hồ ở ngực và sờ thấy có hạch đi kiểm tra thì được chẩn đoán ung thư vú. May mắn bệnh mới ở giai đoạn 2b nên bệnh nhân đang điều trị hoá chất kết hợp xạ trị.
Theo TS Lê Thanh Đức, ung thư vú có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, không loại trừ phụ nữ trẻ tuổi. Chính vì vậy, ngay cả những phụ nữ trong độ tuổi 20 cũng không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng ngừa.
Theo GS – TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc ung thư, trong đó riêng bệnh ung thư vú chiếm tới 1,2 triệu ca.
Ở nước ta, mỗi năm trên toàn quốc có khoảng 126.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, thì riêng ung thư vú chiếm khoảng 11.000 ca mới mắc và trên 5.000 trường hợp tử vong.
PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, xu hướng mắc bệnh ung thư vú ngày một gia tăng, ví dụ năm 2000, thống kê khi đó 100.000 phụ nữ mới có khoảng 18 người mới mắc thì đến năm 2010 con số này đã lên lên tới 30 người, tức là đã tăng lên gần gấp đôi sau 10 năm. Đặc biệt bệnh ung thư vú ở nước ta ghi nhận ngày càng trẻ hoá.
PGS.TS Trần Văn Thuấn tâm sự, tại Bệnh viện K trung ương đã điều trị cho không ít những cô gái chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh.
Ước tính đến năm 2020, chỉ tính riêng ung thư vú thì số trường hợp mới mắc lên khoảng 23.000 ca.
Tự khám cho mình
Ung thư vú được xem là bệnh có thể tự kiểm tra được bởi các triệu chứng của bệnh khá rõ ràng như sờ thấy khối u ở ngực, tiết dịch ở đầu vú, núm vú bị tụt vào trong, nhăn ở bề mặt vú, hạch ở nách, viêm da vùng quanh vú, đỏ nóng…
Ung thư vú nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi rất cao. PGS Thuấn cho biết bệnh nhân hoàn toàn có thể tự phát hiện các dấu hiệu sớm bằng cách tự khám vú ở nhà.
Cách tự khám vú
Đây có thể được coi là một việc quan trọng nhất cho tất cả phụ nữ đã bước vào tuổi trưởng thành.
Các chuyên gia khuyến cáo, từ tuổi 20, phụ nữ nên tự kiểm tra vú mỗi tháng 1 lần, ngay sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra từ 40 trở lên, nên chụp X- quang tuyến vú mỗi năm 1-2 lần.
– Bước 1: Để tư thế xuôi 2 tay, quan sát các dấu hiệu dễ nhìn thấy như trên đã liệt kê.
– Bước 2: Đứng thẳng giơ 2 tay lên đầu, hơi đổ người về phía trước và quan sát sự bất thường của ngực như ở bước 1.
– Bước 3: Đưa 1 tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út của tay còn lại để xoa nắn vú, bắt đầu từ trong quầng vú, vừa ấn nhẹ vừa di chuyển “bước theo nhau” lần ra ngoài theo đường xoắn ốc hoặc thẳng hàng từ trên xuống dưới.
Nếu có vùng bất thường ở 1 bên, nên đối chiếu với bên còn lại xem có giống nhau không.
Tiếp tục đưa tay di chuyển, ấn nhẹ lên vùng hõm nách xem có hạch hoặc bất thường gì không.
Sau đó nắn nhẹ núm vú xem có chảy dịch bất thường không.
– Bước 4: Tự kiểm tra tương tự như bước 2 ở tư thế nằm có đệm gối hoặc khăn dưới vai.
Khi phát hiện có những bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế khám để xác định chính xác nhất.
Nếu thấy có bất thường ở vú, bệnh nhân đến bệnh viện và để chẩn đoán chính xác ung thư vú nhất, bác sĩ sẽ phải sử dụng bộ 3: khám lâm sàng, Chụp Xquang, chọc sinh thiết tế bào.
Nếu bệnh được phát hiện sớm việc điều trị dễ dàng và đỡ tốn kém hơn. Thậm chí, ở giai đoạn tiền ung thư bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật, không cần các phương pháp bổ trợ khác.