Bộ Công Thương kém linh hoạt trong điều hành giá xăng dầu

Nguyên một tuần trở lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dư luận nóng bỏng trước thực tế một số cây xăng ở các tỉnh miền Nam treo biển “hết xăng”. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ đây “là trách nhiệm Bộ Công Thương”. Vậy, Bộ này đã điều hành giá xăng dầu như thế nào?

Khan hàng do giá không theo kịp thị trường

Thực tế, thông tin về việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có khó khăn về tài chính, giảm công suất đã xuất hiện từ ngay trong Tết. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản khẩn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện một số công việc đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu (XD) dịp Tết và sau Tết, từ ngày 28/1/2022. Tuy nhiên, tình hình khan hiếm vẫn xảy ra ở một số địa bàn, ngay sau khi mọi hoạt động trở lại bình thường khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đã thông tin, trong tháng 1/2022, nguồn cung XD từ các nhà máy lọc hóa dầu trong nước vẫn tăng so với cam kết. Vậy tại sao vẫn xảy ra hiện tượng “khan hiếm cục bộ” ở một số tỉnh, thành miền Nam vào đầu tháng 2/2022?

Điều này đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra trong văn bản kết luận cuộc họp đảm bảo cung ứng XD rằng: “Việc để một số cửa hàng bán lẻ XD đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương”.

anh-bct-4460.

Nếu Bộ điều hành linh hoạt, hiện tượng khan hiếm xăng dầu đã không xảy ra.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh XD – quy định “Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”. Do đó, thị trường XD trong nước “lỡ nhịp” điều hành vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, khiến cho chu kỳ điều hành XD đúng dịp này tăng thành 20 ngày.

Vì thế, giá XD trong nước dịp Tết Nguyên đán đã không theo kịp mức tăng giá của thế giới. Hầu hết các chủ cửa hàng XD khi được hỏi về hiện tượng khan hàng, bán hàng nhỏ giọt đều cho biết, do giá XD thế giới đang tăng rất cao, tiếp tục bán XD đồng nghĩa với việc bù lỗ cả ngàn đồng/lit, chưa kể chi phí vận hành cửa hàng, trả lương cho lao động.

“Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chỉ là một lý do để nói về thiếu nguồn cung thôi. Thực tế, Bộ Công Thương đã khẳng định, đủ XD cho thị trường hết tháng 2/2022, thậm chí đến giữa tháng 3/2022 mới có thể phải lo đến nguồn cung, nhưng thời điểm ấy thì các đầu mối kinh doanh cũng đã có hàng nhập khẩu về rồi. Do đó, có hiện tượng khan hàng chủ yếu là do giá xăng không theo kịp thị trường” , một chuyên gia kinh tế nói với PLVN.

Nếu Bộ linh hoạt hơn…

Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã quy định rất rõ: “Thời gian điều hành giá XD vào các ngày mùng 1, 11 và 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”. Như vậy, Bộ Công Thương không sai khi đến ngày 11/2 mới tiếp tục kỳ điều hành giá XD.

Tuy nhiên, Nghị định trên cũng nêu rõ “Trường hợp giá các mặt hàng XD có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá XD cho phù hợp”.

het-xang-5999

Một cây xăng ở một tỉnh Tây Nam bộ thông báo hết hàng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trong tuần vừa qua, việc khan hiếm XD dù chưa đến mức ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, nhưng cũng đã gây ra bức xúc trong dư luận khi một số tỉnh có đến hàng chục cây xăng đóng cửa, không bán… Việc nhập hàng từ các đầu mối kinh doanh cũng gặp khó khăn. Nhưng Bộ Công Thương đã không linh động, báo cáo Thủ tướng xem xét để có thể điều hành giá XD sớm hơn, dù đã được cho phép.

Trong cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp và địa phương sau khi xảy ra hiện tượng khan hiếm XD ở một số tỉnh miền Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới nhấn mạnh đến việc điều hành linh hoạt hơn ở các kỳ tiếp theo, không nhất thiết phải theo chu kỳ 10 ngày mà có thể chu kỳ 3-5 ngày cho phù hợp.

Một chuyên gia kinh tế thì cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói ra điều này khá muộn bởi quyền điều hành, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, nếu thấy bất thường phải báo cáo điều chỉnh ngay nhưng Bộ lại cứ chờ đến đúng kỳ điều hành mới điều chỉnh.

Nếu ở kỳ điều chỉnh lỡ nhịp dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bộ Công Thương linh hoạt hơn, chủ động báo cáo điều hành giá XD ngay sau khi các hoạt động trở lại bình thường, thì hiện tượng khan hiếm XD đã không xảy ra!

 

Theo Nhật Thu (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/bo-cong-thuong-kem-linh-hoat-trong-dieu-hanh-gia-xang-dau-d176339.html