Bí quyết đạt thành tích cao tại các kỳ thi xếp loại quốc tế

Nếu như trước đây, việc chinh phục những chứng chỉ như A-Level hay IGCSE là thách thức đáng kể với đa số học sinh thế hệ 7X, 8X nuôi giấc mơ du học thì ở thời điểm này, các bạn trẻ đã khẳng định sự tự tin và trình độ vượt bậc khi vượt qua các kỳ thi xếp loại với kết quả rất cao.

Điểm chung giữa các bạn trẻ này là khả năng xác định rõ đam mê, làm chủ các áp lực thành tích và không ngần ngại trao đổi cũng như nhận sự giúp đỡ từ phía thầy cô và gia đình.

Trương Đình Công Phú

Bí quyết đạt thành tích cao tại các kỳ thi xếp loại quốc tế - Ảnh 1.

Miêu tả về bản thân mình, Phú cho rằng mình là một học sinh khá tham vọng, cá nhân em vẫn chưa hài lòng với kết quả mình đạt được trong kỳ thi IGCSE vừa rồi. Đối với Phú, kỳ vọng của mọi người và áp lực ở mức độ vừa phải là động lực tốt để em phấn đấu, đạt thành tích cao trong học tập. “Nhìn vào mặt tích cực thì nhờ áp lực và kỳ vọng em lại muốn thể hiện mình tốt hơn”, Phú chia sẻ. Tuy nhiên, Phú cũng cho rằng chính các bạn học sinh cần học cách kiểm soát những áp lực này. Các bạn có thể chơi game, nói chuyện, đi chơi cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng hay đối thoại thẳng thắn với bố mẹ để tạo ra môi trường tâm lý tốt nhất cho thi cử.

Theo đuổi đam mê với khoa học máy tính và toán học, việc giải những bài toán khó không phải là một áp lực, mà trái lại, là một sở thích của Phú. Nếu chưa thể tự suy nghĩ ra đáp án thì thư viện trường, video hướng dẫn hay các tài liệu được chọn lọc trên Internet là nơi Phú tìm đến để tham khảo. Chỉ khi không thể tìm được lời giải từ những cách này, Phú mới nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô giáo. “Rất may mắn là các thầy cô ở trường đều là người có chuyên môn rất tốt, nhiều thầy cô đến từ những trường danh tiếng, nên em luôn được hỗ trợ mà không cần thêm sự trợ giúp nào khác từ bên ngoài”, Phú cho biết.

Chia sẻ bí quyết đạt thành tích cao, Phú khẳng định “Có khả năng làm việc độc lập và quyết tâm đi đến cùng của một vấn đề thì kết quả mới có thể như mong đợi”.

Trần Lê Quang Tiến

Bí quyết đạt thành tích cao tại các kỳ thi xếp loại quốc tế - Ảnh 2.

“Diamonds are made under pressure” (tạm dịch: Kim cương chỉ được tạo nên dưới áp lực lớn – Không có sức ép, không có thành công) là câu nói mà Trần Lê Quang Tiến luôn tâm đắc. Quan điểm của Tiến là chỉ có áp lực mới khiến con người bộc lộ được hết kỹ năng: “Cầu toàn quá thì căng thẳng. Còn tự hài lòng về bản thân là một cảm giác khá thư giãn. Nhưng em nghĩ cảm giác thư giãn đó không phù hợp với độ tuổi của em và các bạn bây giờ”.

Khi được hỏi về cách kiểm soát áp lực thi cử, Tiến chia sẻ: áp lực thường bắt nguồn từ chính bản thân em nhiều hơn là từ bên ngoài. Ví dụ, một môn thi từng đạt điểm B thì bài thi sau nhất định em phải cố gắng để đạt điểm cao hơn, B* hoặc A. “Em luôn cảm thấy nếu không làm được hơn thì chứng tỏ mình vẫn đang dậm chân tại chỗ”. Tuy nhiên, Quang Tiến cũng cho biết việc gia đình có thể chia sẻ, động viên và không tạo quá nhiều áp lực cũng giúp Tiến chủ động hơn trong việc học tập, thi cử. “Việc chủ động đặt mục tiêu và đạt mục tiêu có tác dụng lớn hơn nhiều so với việc cố gắng đuổi theo kỳ vọng của người khác”.

Quang Tiến được nhiều người biết đến như một thần đồng vi-ô-lông của nước nhà và chắc chắn sẽ theo đuổi con đường âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp. Thế nhưng, đó chưa bao giờ là lý do để Quang Tiến cho phép bản thân lơ là các môn học văn hóa ở trường. Không chỉ đạt kết quả xuất sắc ở bộ môn âm nhạc mà bảng thành tích học và thi các môn văn hóa khác của Tiến ở trường đều đáng nể với nhiều điểm A và A*.

Lee Hanol

Bí quyết đạt thành tích cao tại các kỳ thi xếp loại quốc tế - Ảnh 3.

Chuyển tới sống tại Việt Nam cùng gia đình cách đây hơn 1 năm, Lee Hanol gây bất ngờ bởi những thay đổi về môi trường không cản bước em đạt được thành tích thi xuất sắc trong kỳ thi AS Level. Tâm lý học là một môn học phức tạp và đầy thách thức do đây là chuyên ngành mới; nguồn tư liệu chuẩn về tâm lý học cũng rất hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, Lee Hanol chủ động dành nhiều thời gian trao đổi với giáo viên môn tâm lý ở trường, nhờ thầy cô gợi ý danh mục các đầu sách, tư liệu cần nghiên cứu. Chia sẻ về thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, Lee Hanol cho biết: “Trước đây theo học trường quốc tế ở Trung Quốc, các thầy cô và học sinh không dành nhiều thời gian trao đổi với nhau. Tuy nhiên, khi chuyển đến học ở Việt Nam, các thầy cô ở trường mới luôn sẵn sàng trao đổi, bổ sung kiến thức và tài liệu học tập, thậm chí là sau giờ học. Đây là lợi thế mà em nghĩ các bạn học sinh nên tận dụng khi chuẩn bị cho kỳ thi”.

Đề cập tới bí quyết quản lý thời gian và chiến lược học tập, Lee Hanol khẳng định khó có thể cầu toàn trong cả 4 môn thi bởi thời gian và sức lực là có hạn, đặc biệt là khi căng thẳng. Do đó, Lee Hanol lựa chọn giải pháp: trang bị vừa đủ kiến thức cơ bản của các môn và đầu tư nhiều thời gian hơn vào những môn mình có lợi thế nhất hoặc yêu thích nhất. “Khi yêu thích một môn học nào đó, các bạn dễ tập trung cao độ hơn hẳn những môn khác. Như vậy, sẽ không làm lãng phí thời gian vô ích”, Lee Hanol chia sẻ. Với môn học yêu thích là tâm lý học, Lee Hanol cũng coi trọng việc theo sát đầy đủ, không bỏ lỡ bất cứ nội dung cơ bản nào thay vì việc mải miết chạy theo các chủ đề khó.

Để nhận được một trong các chứng chỉ A-Level hay IGCSE, học sinh cần vượt qua kỳ thi gồm một nhóm các môn đại cương và chuyên ngành. Đây thường là các môn học nằm trong chương trình của năm nhất tại các trường đại học quốc tế. Qua kỳ thi, học sinh chứng tỏ được khả năng tiếp thu và diễn đạt kiến thức chuyên sâu bằng tiếng Anh một cách thành thạo. Kết quả thi các môn của A-Level hay IGCSE càng cao, học sinh càng chứng minh được thực lực của mình trước hội đồng tuyển sinh của các trường đại học trên thế giới.