Theo Sina đưa tin, cách đây mấy tháng, một em bé mới 6 tháng tuổi ở Thường Châu (Trung Quốc) đột nhiên tím tái, khó thở sau khi ăn bột gạo nấu cùng nước rau, rất may bé đã không gặp nguy hiểm tính mạng vì được cứu chữa kịp thời.
Nguyên nhân do hôm đó gia đình bé nấu canh rau mùng tơi nhưng nhiều quá nên để lại, chừng 5 – 6 tiếng sau thì người nhà lấy nước rau này nấu bột cho bé ăn. Không lâu sau khi ăn thì bé thở gấp, mặt và tay chân tái xanh.
Đưa trẻ đi khám, bác sĩ khai thác bệnh sử từ gia đình và cho biết nguyên nhân do chính nước rau nấu bột cho bé. Các món rau xào nấu ăn không hết càng để lâu càng sinh ra nitrit, kể cả khi bảo quản trong tủ lạnh cũng không tránh khỏi.
Bình thường, lượng nitri từ 0,2 – 0,5g có thể gây ngộ độc. Hàm lượng nitrit trong rau thường là 0,01g/kg nhưng rau đã nấu chín càng để lâu, đặc biệt là để qua đêm thì càng sinh ra nhiều nitrit nên dễ gây ngộ độc.
Bột – cháo là những món ăn dặm đầu tiên mà trẻ làm quen nên khi chế biến, bố mẹ cần hết sức lưu ý. Nếu không cho bé ăn uống đúng cách, không những ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ mà còn có thể gây hại cho cơ thể.
1. Lựa chọn loại bột ăn dặm an toàn cho trẻ
Có bố mẹ lựa chọn mua bột ăn dặm ăn liền cho bé khi mới tập ăn. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại, bố mẹ cần chọn sản phẩm với xuất xứ rõ ràng, ưu tiên đến từ thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong trường hợp bố mẹ tự nấu bột/cháo cho con, lựa chọn loại gạo để chế biến thành bột/cháo cũng cần lưu ý đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý nữa đó là chọn sản phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi tự chế biến thì mẹ nên chú ý độ thô của cháo và thức ăn phải phù hợp với khả năng nhai và nuốt của trẻ.
2. Pha chế bột/cháo/mì ăn dặm theo đúng hướng dẫn
Hiện này trên thị trường có rất nhiều sản phẩm ăn dặm cho bé khác nhau như cháo, bột, mì, nui, bún…. Khi mua bất cứ sản phẩm nào, mẹ cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng để biết được khuyến cáo phù hợp với độ tuổi nào, cách chế biến ra sao, đặc biệt là lượng nước pha chế tương ứng với lượng bột/cháo hay phương thức làm chín là nấu hay thêm nước sôi.
Với trẻ mới tập ăn dặm, nên pha hoặc nấu bột loãng và mịn hơn, độ đặc giống với sữa đặc là vừa. Sau đó khi trẻ được 7 – 8 tháng tuổi, khả năng nuốt tốt hơn thì có thể tăng dần độ đặc và độ thô trong thức ăn cho trẻ.
3. Nên cho trẻ ăn bao nhiêu mỗi lần?
Ở những bữa ăn dặm đầu tiên, chỉ nên cho trẻ làm quen 2 – 3 muỗng bột/cháo nhuyễn và từ từ quan sát xem trẻ có dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thức ăn hay không. Lặp lại loại cháo/bột này khoảng 2 – 3 bữa để kiểm tra khả năng dị ứng của con rồi mới chuyển sang loại khác và có thể tăng dần lượng theo lượng ăn của bé.
Một vấn đề cần lưu ý là đối với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là chính, có thể bổ sung 1 – 2 bữa ăn dặm, miễn là nó không ảnh hưởng đến lượng ăn sữa của trẻ trong ngày.
4. Khi nào cho trẻ ăn bún/phở?
Mục đích của việc cho bé ăn bún, mì, phở… là để đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ, kích thích bé ăn uống ngon miệng hơn, ăn được các món phong phú như người lớn.
Nói chung, khi bé được khoảng 8 – 10 tháng tuổi, bố mẹ có thể cho bé ăn các món có độ thô hơn cháo, bột như bún, phở, cơm nát… tùy theo khả năng nhai và sở thích của bé.
5. Nên tập cho bé ăn bữa đầu tiên như thế nào?
Trước tiên, hãy đưa thìa đến miệng bé, đợi bé há miệng thì đưa thìa thức ăn vào miệng bé và để bé nhấm nháp một chút. Nên tập cho bé ăn bằng ghế ăn dặm luôn ngay từ đầu để bé hình thành nếp ăn lành mạnh, đồng thời không ép trẻ ăn, tùy theo nhu cầu ăn của con để mẹ điều chỉnh bữa ăn dặm cho hợp lý.
Theo Ngọc Phạm (Trí Thức Trẻ)
http://ttvn.toquoc.vn/be-6-thang-tuoi-bi-ngo-doc-khi-an-bot-gao-day-la-nhung-dieu-cha-me-can-luu-y-khi-cho-con-an-dam-22202111205147360.htm