Tại TP.HCM, trong nhiều năm qua mức sinh chỉ dao động từ 1.3-1.4, trong khi đó mức sinh thay thế là 2.1. Do đó, mức sinh tại TP.HCM hiện tại là khá thấp.
Thông tin này được cho biết trong hội nghị Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng và giải pháp diễn ra tại Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình vào ngày 26/11.
Báo động mức sinh rất thấp tại TP.HCM
Mở đầu hội nghị, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ mức sinh thấp là khái niệm tương đối mới, không phải ai cũng nắm được.
Cách đây hàng chục năm, phong trào sinh đẻ có kế hoạch được thực hiện rất sôi nổi và có hiệu quả không chỉ là ở Thành phố mà còn ở các tỉnh khác.
Trước đây chúng ta dự đoán năm 2010 dân số Việt Nam sẽ là 107 triệu người nhưng thực tế lúc ấy chỉ có 87 triệu người.
Không chỉ thực hiện tốt công tác kiểm soát quy mô dân số, TP.HCM còn giải quyết rất tốt vấn đề chất lượng dân số. Tuổi thọ và các chỉ số chăm sóc sức khỏe được tăng lên. Tỉ lệ tiêm chủng đạt trên 95%, tỉ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh là 50%.
Tuy nhiên theo bác sĩ Hưng nếu theo dõi kỹ, từ năm 2000 mức sinh cả nước đều trên 2. Cao nhất là năm 2002 với mức sinh 2.28.
Nhưng tại TP.HCM, trong nhiều năm qua mức sinh chỉ dao động từ 1.3-1.4, trong khi đó mức sinh thay thế là 2.1. Do đó, mức sinh tại TP.HCM hiện tại là khá thấp.
Tiếp tục vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vấn đề Dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Cụ thể: Quy mô Dân sô lớn, mật độ Dân số cao và tiếp tục tăng trong khi mức sinh hiện ở mức rất thấp;
Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có thể diễn ra;
Di cư vẫn diễn ra với cường độ cao;
Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ Cơ cấu Dân số vàng và thích ứng với Già hóa Dân số…
Trong đó, vấn đề mức sinh thấp đóng vai rất quan trọng tác động đến các biến Dân số khác theo chiều hướng không tích cực.
Theo kết quả thống kế sơ bộ từ cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 1/4 năm 2019, dân số TP.HCM là 8.993.082 người, mật độ dân số 4.363 người/km2 cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
TP.HCM hiện đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Đây là những tỉnh, thành phố nằm ở khu vực phía Nam, có tốc độ đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh và đều nằm ở vùng kinh tế trọng điểm.
Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa Dân số tại thành phố.
Lối sống theo trào lưu làm mức sinh giảm
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh sẽ tiếp tục giảm trên địa bàn thành phố:
Do áp lực của cuộc sống và công việc, làm xuất hiện xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con;
Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí;
Do tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sính hoạt.
Trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp.
Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Theo các chuyên gia, những nguyên nhân tác động nêu trên đều xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế xã hội đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh tại TP.HCM.
Kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng, mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội, suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội…
“Nếu hôm nay mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).
Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “Chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai” – bà Phạm Thị Mỹ Lệ phân tích.
“Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”
Theo cơ quan chức năng, để giải quyết thực trạng mức sinh thấp cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các Ban ngành, Đoàn thể.
Những nội dung cần phải làm ngay là: Hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP.HCM;
Cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP.HCM;
Miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi, triển khai chương trình sữa học đường.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”.
Về cơ chế chính sách, cần đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Dân số nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con” hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ 3 tại các vùng mức sinh thấp. Không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên.
Thực hiện các giải pháp nhằm giảm gánh nặng kinh tế xã hội của việc chăm sóc trẻ đối với gia đình, như: hỗ trợ mở rộng chi phí trông trẻ và giáo dục mầm non, mở rộng các hình thức lớp học công sau giờ học hoặc thay đổi giờ nhập học…
Mở rộng ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân và quyền lợi bảo hiểm xã hội cho các gia đình sinh đủ hai con
Đặc biệt, cần có giải pháp đẩy mạnh bình đẳng giới, nâng cao khả năng cân bằng của phụ nữ trong công việc và gia đình.
Mở rộng hỗ trợ của chính phủ trong trợ cấp nghỉ thai sản và đa dạng hóa hình thức nghỉ chăm trẻ trong điều kiện lao động cho các gia đình con nhỏ dưới 3 tuổi…
Hoàng Lê, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/doi-song/bao-dong-muc-sinh-cua-tphcm-dang-rat-thap-do-song-theo-trao-luu-pha-thai-vo-sinh-2220192611102412912.htm