Băn khoăn từ khoản hỗ trợ… 2.000đ

Câu chuyện một hộ dân tại Quảng Nam được chính quyền địa phương hỗ trợ khoản tiền… 2.000đ khiến nhiều người băn khoăn, không biết nên buồn hay nên vui?
Giấy mời đi nhận 2.000 đồng.

Giấy mời đi nhận 2.000 đồng.

Tối 25/11, một người dân đăng lên mạng xã hội hình ảnh nhận tiền hỗ trợ sau bão. Trong bài viết, người này cho hay chiều cùng ngày đã đến nhà sinh hoạt văn hoá tại một thôn ở xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam nhận tiền hỗ trợ thiệt hại. Số tiền nhận được là 2.000đ. Người này băn khoăn: “Bà con nghĩ sao? Bỏ cả buổi chiều lên nhận tiền bồi thường bảo ngã cây cối năm 2020 với số tiền là 2 ngàn”.

Trả lời báo chí, một lãnh đạo xã Tam Vinh sau đó xác nhận thông tin hộ dân được nhận 2.000đ do thiệt hại trong đợt mưa bão vào năm 2020 là chính xác. Trường hợp nhận hỗ trợ là một người phụ nữ, là người bị ảnh hưởng bởi bão số 9 năm 2020. Sau khi thống kê, diện tích thiệt hại của nhà người này là 10m2 đất trồng cây chuối.

Vị cán bộ xã cho biết việc hỗ trợ thiệt hại căn cứ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP. “Chúng tôi tính toán ra và xác định người này được hỗ trợ 2.150 đồng. Ngoài hộ dân này, rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi bão được hỗ trợ”, vị cán bộ xã cho hay.

Rất rạch ròi, rất rõ ràng nhưng có cần phải rõ ràng đến mức từng ly, từng tí như vậy không? Số tiền 2.000đ hiện mua được cỡ 2 cây kẹo loại ít tiền nhất ở quê, mua được dăm cọng hành ở chợ phố. Số tiền 2.000đ liệu có đủ giấy mực in để xử lý “khoản hỗ trợ này”? Như người dân phản ánh, số tiền này có tương xứng với công sức người dân bỏ cả buổi chiều lên nhận tiền bồi thường, có đáng để cán bộ chức năng phải thống kê lên danh sách thực hiện các thủ tục?

Theo nguyên tắc của Nghị định 02/2017/NĐ-CP (quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai) thì đúng là “việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng”.

Thế nhưng, mục đích của việc hỗ trợ là có các khoản tiền giúp nông dân không may có thể phần nào phục hồi sản xuất, “có hiệu quả”, vậy số tiền 2.000đ giúp được gì cho dân, có hiệu quả gì cho người được nhận? Hơn nữa, một nguyên tắc khác quy định trong Nghị định này là “thực hiện hỗ trợ kịp thời”. Ở đây cơn bão từ năm 2020, tới cuối năm 2021 mới “hỗ trợ”, là chưa đúng với nguyên tắc nêu trên.

Thậm chí với sự việc trên, một số ý kiến cho rằng cán bộ chức năng đã quá cứng nhắc, thậm chí gây lãng phí. Đó là lãng phí công sức của Nhà nước để thống kê vào những chuyện không đáng, là lãng phí công sức của người dân phải làm thủ tục nhận khoản tiền “tí hon”. Nếu được thì có chăng chỉ có bản báo cáo là thêm một “con số đẹp”, khi số tiền 2.000đ cũng được tính là “một người được hỗ trợ”, “một khoản tiền hỗ trợ”.

 

Theo Minh Khang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ban-khoan-tu-khoan-ho-tro-2000d-d171586.html