Xét trên phương diện chính trị, việc ký kết hợp đồng S-400 cho thấy Ấn Độ sẽ không từ bỏ Nga, với tư cách là một nhà cung cấp vũ trang chính, bất chấp sức ép từ Mỹ.
Bất chấp Mỹ đe dọa, S-400 sẽ vẫn “lăn bánh” tới Ấn Độ
Quan hệ giữa Moscow và New Delhi vừa tiến lên một nấc thang mới khi Ấn Độ đặt bút ký mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga với tổng trị giá 5,4 tỷ USD bất chấp những đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Thỏa trên được quan chức hai nước ký kết nhân chuyến thăm chính thức tới New Delhi của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp cấp cao thường niên với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
“Hai bên hoan nghênh việc ký kết hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 cho Ấn Độ”, tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước viết.
Manoj Joshi, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Observer có trụ sở ở New Delhi đánh giá thương vụ này có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng” bởi hệ thống có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách trên 300 km.
“Mục tiêu chính của hệ thống là các hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không cũng như các máy bay tác chiến điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ có thể tiêu diệt một máy bay chiến đấu nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan hoặc một phần Tây Tạng”, Joshi Manoj nhận xét.
“Xét trên khía cạnh chính trị, hợp đồng này cho thấy Ấn Độ sẽ không từ bỏ Nga, với tư cách là một nhà cung cấp vũ trang chính, trước sức ép từ Mỹ”.
Theo một đạo luật mới của Mỹ, việc Ấn Độ mua các thiết bị quân sự của Nga sẽ phải đối diện với lệnh trừng phạt từ Washington. Tuy nhiên, New Delhi vẫn hy vọng có thể được miễn trừ.
Đạo luật Chống các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) nếu được Washington áp dụng sẽ có những tác động to lớn tới hoạt động thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga.
Trung Quốc là nước đã bị ảnh hưởng bởi CAATSA sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì mua vũ khí của Nga, trong đó có cả các hệ thống phòng không S-400. Giới chức cấp cao Mỹ cũng liên tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỹ, một thành viên NATO về thỏa thuận mua S-400 từ Nga.
Ấn Độ và Nga đã ký 8 thỏa thuận trong chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Putin tới New Delhi. Ảnh: Reuters
Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn cho New Delhi
Trong chuyến thăm 2 ngày tới New Delhi của Tổng thống Putin, Ấn Độ và Nga đã ký kết tổng cộng 8 hợp đồng và công việc chuyển giao S-400 cho New Delhi sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm tới.
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Ấn Độ nhưng những năm gần đây, New Delhi cũng chuyển hướng sang mua vũ khí của Mỹ và Israel.
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 4 năm, Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Modi đã theo đuổi các quan hệ gần gũi hơn với Washington.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (Thụy Điển), mặc dù chịu tác động không nhỏ nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp vũ trang lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 62% tổng lượng nhập khẩu vũ khí của New Delhi trong vòng 5 năm qua.
Hợp đồng ký kết giữa Ấn Độ và Nga ngày 5/10 vừa qua liên quan tới hệ thống S-400 được xem là một đòn giáng trả mạnh mẽ vào những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga, đồng thời đặt Washington vào tình thế phải lựa chọn giữa trừng phạt Ấn Độ hay chấp thuận miễn trừ.
“Điều này lại càng tăng cường thêm sức mạnh quan hệ đối tác Nga – Ấn, thậm chí ngay trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Ấn cũng đang trên đà phát triển”, chuyên gia Michael Kugelman thuộc Trung tâm Wilson ở Washington, DC nhận xét.
“Thỏa thuận đánh dấu một bước thụt lùi lớn trong các nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Nga. Với Moscow, việc đặt bút ký một thương vụ quốc phòng lớn với một trong những cường quốc chủ chốt đang trỗi dậy ở châu Á không còn là vấn đề nhỏ”.
Mỹ đã áp dụng đạo luật CAATSA với các bên thứ 3, vì vậy họ sẽ phải tìm cách thoát khỏi tình huống này, nếu không sẽ có nguy cơ gây tổn hại quan hệ với Ấn Độ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ muốn mua S-400 của Nga để bù đắp các khoảng trống trong hệ thống phòng thủ của mình. Ảnh: Reuters
Mỹ “cắn răng” chịu đựng?
Các chuyên gia phân tích an ninh ở châu Á cho rằng, việc Mỹ đe dọa trừng phạt được xem là hành động “dọa nạn” chứ thực tế không thể ngăn cản được các thỏa thuận như Ấn Độ đã ký kết với Nga.
“Điểm quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, các lệnh trừng phạt chỉ được áp dụng khi Ấn Độ tiến hành chi trả cho các hợp đồng vũ khí đã mua nhưng việc này có thể vẫn chưa diễn ra, thậm chí phải một thời gian dài sau khi thỏa thuận được ký kết”, Pramit Pal Chaudhuri, biên tập viên đối ngoại của tờ Hindustan Times bình luận.
“Kể từ tháng 4/2018, Ấn Độ chưa thanh toán bất cứ khoản nào cho Nga liên quan tới các thương vụ vũ khí. Một giải pháp mà Ấn Độ có thể tính tới là cứ ký nhưng chưa thanh toán và hãy đợi xem chiều hướng quan hệ giữa Nga và Mỹ diễn biến như thế nào”.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, cách phản ứng của Washington với thương vụ S-400 giữa Ấn Độ và Nga sẽ là một nhân tố quyết định tương lai quan hệ Mỹ – Ấn.
“Nếu Mỹ cương quyết trừng phạt Ấn Độ – một đối tác chiến lược chủ chốt vì đã ký mua vũ khí của một trọng những đối thủ chính của Washington thì điều đó sẽ cho thấy mức độ thực tế trong quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ”, Kugelman nhận xét.
“Rất nhiều khả năng Washington sẽ tìm cách âm thầm phát đi thông điệp họ không hài lòng với thương vụ Nga – Ấn nhưng vẫn không làm tổn hại tới mối quan hệ mà Mỹ vốn rất coi trọng này”.
Nhiều nước đang có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga