Sử dụng cồn Methanol làm sạch dụng cụ, nhiều công nhân của công ty sản xuất linh kiện điện tử HSTECH Vina (Bắc Ninh) bị nhiễm độc nặng.
Theo thông tin Bệnh viện Bạch Mai, tính đến ngày 13/3 đã có 37 công nhân làm việc tại Công ty TNHH HSTECH Vina (Khu công nghiệp Thuận Thành 3, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) điều trị do bị nhiễm độc Methanol trong đó có 1 người tử vong.
Bệnh nhân cho biết, Công ty TNHH HSTECH Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có một loại linh kiện bằng kim loại được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao, máy có phun cồn Methanol để làm mát dao cắt và lau sạch một số linh kiện. Khoảng một tuần cuối tháng 2, công ty chuyển sang sử dụng lô cồn Methanol mới. Thời điểm này các công nhân bắt đầu thấy mệt và đau đầu.
Từ ngày 27/2 các bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, sau đó lơ mơ dần. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Thuận Thành, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi được chuyển đến điều trị tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 28/2 các bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, toan chuyển hóa nặng. Đồng thời, nồng độ Methanol trong máu là 123,16 mg/dl, não tổn thương nặng hai bên.
Dù đã được điều trị, các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức, giải độc, lọc máu, tuy nhiên nữ bệnh nhân N.T.H (sinh năm 1981, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) do não tổn thương nặng không hồi phục nên gia đình xin về và bệnh nhân đã qua đời.
Được biết, các công nhân làm việc tại đây có nhiều người tuổi dưới 18 nhưng vẫn được công ty tuyển chọn lao động trong môi trường có nguy cơ độc hại. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các biện pháp kiểm tra và xử lý cần thiết (nếu có) về việc tuyển lao động tại Công ty TNHH HS Tech Vina.
Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo thực hiện quan trắc môi trường lao động tại phân xưởng xảy ra vụ việc. Đồng thời, yêu cầu ngành y tế địa phương tạo điều kiện tốt nhất để theo dõi, chăm sóc, điều trị những bệnh nhân bị ngộ độc, các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Tính đến nay, tổng số công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là 108 người, trong đó 37 người bị nhiễm độc Methanol với các mức độ khác nhau, trong đó có: 22 người nhiễm Methanol chưa có triệu chứng; 8 người nhiễm độc Methanol mức độ nhẹ, chỉ có thay đổi nhẹ trên khí máu động mạch, chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng; 7 người nhiễm độc Methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch, trong đó tử vong 1 người; 4 người tiên lượng di chứng giảm nặng hoặc mất khả năng nhìn; 1 người di chứng nặng với não.
Theo bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, Methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm rởm. Do lượng hóa chất cồn công nghiệp Methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn Methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho Ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm Ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa Ethanol, nay lại bị thay bằng Methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng. Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.
Qua sự việc nêu trên, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp Methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm rởm, không an toàn. Tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa Methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và các sơ cấp cứu.
Xuân Thành
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/37-cong-nhan-cong-ty-hstech-vina-nhiem-doc-methanol-1-nguoi-tu-vong-d191208.html