Sống trên đời, chỉ cần làm tốt một việc này, họa ắt sẽ bớt đi rất nhiều!
Cuốn thư tịch cổ “Thái căn đàm” có câu:
“Cái phúc lớn nhất của đời người chính là thanh nhàn vô sự, còn cái họa lớn nhất của đời người chính là lòng nhiều nghi kỵ. Chỉ có người cả ngày khổ cực vất vả mới biết cái phúc của sự thanh nhàn; chỉ có người tâm cảnh thanh nhã mới biết cái tai hại của sự đa nghi”.
Đây cũng chính là quan niệm “Không nhiều chuyện phải lo nghĩ là phúc, đa nghi là họa” mà cổ nhân vẫn thường hay nhắc tới.
Nhiều chuyện là căn nguyên của khổ sở, đa nghi là căn nguyên của thị phi. Cái họa lớn nhất của một con người là trong lòng lúc nào cũng nghi kỵ, cái phúc lớn nhất của một đời người là lòng vô ưu.
“Không nhiều chuyện phải lo nghĩa là phúc”
Tranh minh họa.
Sinh thời, tài nhân nổi tiếng thời nhà Thanh là Trịnh Bản Kiều từng để lại một câu: “Đọc nhiều sách cổ để mở mang tầm mắt, bớt xen vào chuyện người khác để nuôi dưỡng tinh thần”.
Người xưa quan niệm, thanh nhàn, vô sự được coi phúc phần. Chính vì vậy, cổ nhân Trung Hoa mới đem việc hưởng phúc gọi thành “hưởng thanh phúc”.
Nếu như một người cả ngày gặp phải đủ chuyện phức tạp, phiền lòng, việc này việc kia dây dưa không dứt, thì dù họ có sở hữu điều kiện vật chất tốt đến mức nào cũng sẽ khó có được sự vui vẻ.
Năm xưa, Trịnh Bản Kiều cả đời đem việc “nan đắc hồ đồ” làm lời răn. Ông quan niệm:
“Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh chuyển sang hồ đồ lại càng khó, buông tay ra, lùi một bước, lòng yên ổn, sau này không mong sự đền đáp”.
Ở tuổi 60, Trịnh Bản Kiều từng tự tay viết một câu đối thể hiện lý tưởng nhân sinh của đời mình, đại ý là: Chỉ cần trong túi có mấy đồng tiền dư, rượu trong bình còn đủ vài chén, gạo vẫn còn đủ ăn mấy bữa là có thể tự do tự tại hưởng thụ cuộc sống.
Ông cũng quan niệm: “Không vì chuyện nhỏ mà phiền lòng, tai không nghe vào mấy lời tranh chấp vô vị, mắt không nhìn thấy lợi ích thế tục, sống đến trăm tuổi vẫn có thể giữ cho mình tâm tính trẻ trung”.
Chính nhân sinh quan khoáng đạt, lạc quan này đã giúp nhà thư pháp họ Trịnh luôn giữ cho mình nội tâm ôn hòa, vui vẻ. Đó cũng chính là viên linh đan thần dược đem đến cho ông cuộc sống dài lâu.
“Đa nghi là họa”
Từ cổ chí kim, mọi đại họa đều bắt nguồn từ sự đa nghi, toan tính của lòng người. (Tranh minh họa)
“Cách ngôn liên bích” có câu: “Tài năng không đủ thì đa mưu, tri thức không đủ thì đa lo”.
Cổ nhân quan niệm, mọi mối họa trên đời đều do đa lo, đa nghi mà ra cả. Cho nên người xưa mới có câu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, ngụ ý nói rằng người suy nghĩ càng đơn giản càng dễ có được vận mệnh tốt.
Những người từng có cơ hội đọc qua danh tác kinh điển “Hồng lâu mộng” hẳn đều không dễ quên một Vương Hy Phượng tài năng, khôn khéo.
Thế nhưng sự thông minh ấy lại khiến bà phải tính toán đủ bề, tham công tiếc việc, sau cùng sức khỏe suy yếu, mất vì bệnh tật ở độ tuổi còn rất trẻ.
Thực tế, chúng ta càng nghĩ nhiều, càng toan tính, cuộc sống sẽ càng lúc càng trở nên mệt mỏi.
Người đơn giản, nghĩ ít sẽ chẳng tốn công làm những việc rắc rối, quanh co. Thay vào đó, họ chỉ chuyên tâm làm chuyện mình nên làm, nhờ vậy cuộc đời họ luôn nhẹ nhàng, đơn giản.
Suy nghĩ quá nhiều là một trong những nhược điểm dễ gặp của tính cách con người, cũng là cái mầm tai họa đẩy cuộc sống của chúng ta vào nơi bế tắc.
Tranh minh họa.
Từ cổ chí kim, mọi tai vạ, thị phi vốn đều do đa nghi và hiểu lầm đưa tới. Có đôi khi, nguyên nhân khiến chúng ta sợ hãi, bất an, âu lo, tính toán không phải đến từ thế giới bên ngoài mà bắt nguồn từ nội tâm của chính ta.
Người thiếu kiến thức, tầm nhìn hạn hẹp mới hay có tính đa lo, đa nghi. Chính vì vậy, thay vì cứ mãi âu lo nhiều bề, đa nghi nhiều việc, hãy tự khiến bản thân trở nên phong phú, hiểu biết.
Một người có kiến thức hạn hẹp, cả đời sẽ sống trong lo lắng, đề phòng, vĩnh viễn thiếu đi cảm giác an toàn.
Ngược lại, người sở hữu tri thức phong phú sẽ nhìn ra trọng điểm của mọi chuyện, chuyên tâm làm tốt bổn phận của mình.
Chỉ cần làm được một điểm này, mọi âu lo, sợ hãi, nghi hoặc của chúng ta hết thảy đều sẽ được hóa giải.