Vụ án chạy thận: Bị cáo Trương Quý Dương nói ‘nỗi đau của tôi là nỗi đau của cả ngành y’

Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên GĐ BV Đa khoa Hòa Bình, tại tòa.

Cựu Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương từ chối mọi cuộc tiếp xúc với gia đình nạn nhân, chưa từng trực tiếp đến thăm hỏi họ trong gần 2 năm qua.

Phiên tòa chiều nay bắt đầu với phần xét hỏi bị cáo Trương quý Dương – nguyên Giám đốc BVDK Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên ông Trương Quý Dương khai báo trước HĐXX. Ở Phiên tòa tháng 5/2018, bị cáo Dương đã không xuất hiện, dù là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Nguyên GĐ Trương Quý Dương chưa một lần đến thăm các gia đình nạn nhân…

Trương Quý Dương khai, sáng ngày xảy ra sự cố chạy thận, bị cáo nhận được báo cáo từ PGĐ bệnh viện là ông Hoàng Đình Khiếu lúc 10h sáng. Nhưng lúc đó cả ông Dương và ông Khiếu chỉ nhận định đó là một ca dị ứng. 

Ông Dương khai, khi đó bị cáo nói: “Bây giờ tôi đang bận một số việc, các anh cứ xử lý. Khi diễn biến xấu đi, tôi mới xuống cùng để giải quyết.”

Bị cáo Dương giải thích với HĐXX: “Ở BV nhỏ như Hòa Bình, các ca dị ứng là hết sức bình thường, không cần đến giám đốc như tôi trực tiếp xử lý. Nên tôi có giao PGĐ Hoàng Đình Khiếu tiếp tục theo dõi, xử lý trong phạm vi chuyên môn, rồi có gì báo cáo tôi.”

Vụ án chạy thận: Bị cáo Trương Quý Dương nói nỗi đau của tôi là nỗi đau của cả ngành y - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Quý Dương đến phiên tòa vào sáng nay.

Đến 11h30, khi được báo đã có bệnh nhân tử vong và xác định đây không phải một ca dị ứng mà có dấu hiệu ngộ độc hóa chất, ông Trương Quý Dương mới xuất hiện ở Đơn nguyên thận nhân tạo.

Trả lời câu hỏi HĐXX về việc tại sao tận đến 11h30 mới xuất hiện ở Đơn nguyên, dù là GĐ Bệnh viện, ông Dương cho biết: “Về lý thuyết là vậy. Nhưng ở một BV có gần 40 chuyên khoa và 700 cán bộ, thì với tư cách là người lãnh đạo bệnh viện, tôi phải lo rất nhiều việc. Nếu đó chỉ là một ca dị ứng, thì một GĐ như tôi không nhất thiết phải xuất hiện”.

HĐXX cũng đặt câu hỏi với bị cáo Trương Quý Dương về việc phân quyền trong BVĐK Hòa Bình. Bị cáo Dương cho biết: Trong quy chế ghi rất rõ PGĐ được thay mặt cho GĐ trong lĩnh vực phụ trách. BV đã có văn bản Quyết định phân công nhiệm vụ số 262, trong đó từng đồng chí cán bộ ở từng lĩnh vực phải chịu trách nhiệm mình phụ trách về chuyên môn.

Bị cáo Dương cho hay: “Đối với BS Khiếu là PGĐ, Phó Bí thư Đảng ủy, BGĐ phân công bác sĩ trực tiếp phụ trách 15 khoa phòng, trong đó có phòng vật tư và kiêm nhiệm trưởng khoa hồi sức tích cực – một khoa xương sống của BV. Trước khi sự cố xảy ra, bị cáo hoàn toàn hài lòng với năng lực và trách nhiệm của PGĐ Hoàng Đình Khiếu”.

Ông Dương cũng khai, khi sự cố xảy ra đã xuống Đơn nguyên Thận nhân tạo trao đổi về chuyên môn với trưởng khoa, phó khoa và các bác sĩ, nhưng chủ yếu là trao đổi với ông Hoàng Đình Khiếu. Ông Dương không nhắc về việc trao đổi với bác sĩ Hoàng Công Lương trong sự cố này.

Dù vụ tai biến chạy thận đã diễn ra được gần 2 năm, nhưng kể cả ngày hôm đó và cho đến thời điểm này, khi HĐXX hỏi thì nguyên giám đốc Trương Quý Dương vẫn không biết chính xác bệnh nhân nào là bệnh nhân đầu tiên tử vong và thời điểm tử vong là khi nào.

Cá nhân ông Dương sau khi sự cố xảy ra đã liên hệ với BV Thành phố để đưa 10 bệnh nhân sang lọc thận, những bệnh nhân nặng hơn được đưa xuống cấp cứu ở Bạch Mai.

Ông Dương cũng thừa nhận rằng, do bận tiếp các đoàn Trung ương về thăm hỏi và kiểm tra tình hình sau vụ tai biến, đồng thời phải liên lạc với các đầu mối để xử lý sự cố, nên đã chỉ đạo cho phòng hành chính và kế toán cùng với cấp dưới đưa cho gia đình nạn nhân 2 lần, mỗi lần 10 triệu đồng làm chi phí mai táng, đồng thời chỉ đạo cấp dưới đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân.

Trong phiên tòa trước đó, khi ông Dương vắng mặt, gia đình các nạn nhân đã rất bức xúc, vì bản thân cựu GĐ Trương Quý Dương từ chối mọi cuộc tiếp xúc với gia đình nạn nhân, dù họ đã nhiều lần đề nghị. Ông Trương Quý Dương cũng chưa từng đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân trong gần 2 năm qua.

Vụ án chạy thận: Bị cáo Trương Quý Dương nói nỗi đau của tôi là nỗi đau của cả ngành y - Ảnh 3.

Gia đình nạn nhân chạy thận mang di ảnh người thân đến phiên toà ngày hồi tháng 5/2018.

“Bị cáo cảm thấy rất đau”

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nguyên nhân và trách nhiệm của người có thẩm quyền trong BV thế nào, ông Dương cho biết, tại thời điểm xảy ra sự cố bản thân đã làm hết chức trách mình có thể làm. Khi xảy ra sự cố không mong muốn, ông Dương thấy rất “đau”.

“Bị cáo cảm thấy đau trên nhiều phương diện, thân nhân, bệnh nhân, đồng nghiệp… Nỗi đau của bị cáo là nỗi đau của cả ngành y tế. Kỹ thuật lọc máu là kỹ thuật tâm huyết nhất của tôi và bệnh viện. 

Đứng góc độ cá nhân bị cáo không chối bỏ trách nhiệm. Ngày 29 (29/5/2017 – sau khi xảy ra sự cố – pv), bị cáo đã nhận trách nhiệm trước công chúng về sự cố”, bị cáo Dương nói.

Vụ án chạy thận: Bị cáo Trương Quý Dương nói nỗi đau của tôi là nỗi đau của cả ngành y - Ảnh 4.

Ông Trương Quý Dương tại phiên toà sáng nay (thứ hai từ trái sang).

Việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, ông Dương cho biết, thứ nhất là do thấy được nhu cầu tăng lên hàng năm; thứ hai đây là nhu cầu phát triển của chuyên môn; thứ 3 là xuất phát yêu cầu lên BV hạng I để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trước khi thành lập đơn nguyên thận, bị cáo Dương đã cho bác sĩ các bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình, Hoàng Công Lương đi thăm quan rất nhiều mô hình chuyên môn về chạy thận nhân tạo. Trong quyết định 23 của Bộ y tế nêu rõ kỹ thuật thận nhân tạo có thể triển ở nhiều cấu nếu có đủ cơ sở.

Theo đó, đơn nguyên thận nhân tạo về mặt tổ chức, đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa hồi sức tích cực. Về kỹ thuật thực hiện theo chuyên môn của đơn vị chuyển gia công nghệ.

“Việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo là quyền quyết định của bị cáo. Do đặc thù của đơn nguyên nay nên mới cần quyền quyết định của bị cáo. Còn việc thành lập các buồng có thể là quyền quyết định ngay tại khoa”, ông Dương khẳng định.

Cơ bản đơn nguyên chạy thận đã nhân lực, cơ sở, kỹ thuật đáp ứng tương đối hoạt động quy mô là đơn đơn nguyên chạy thận. Vì sao ở đây là tương đối là vấn đề cơ sở vật chất chưa đủ, nếu cơ sở vật chất tốt hơn ông Dương sẽ cho thành lập khoa Thận tiết niệu – lọc máu.

Về mặt nhân lực và kỹ thuật tại đơn nguyên chạy thận: đã có bác sĩ, điều dưỡng đào tạo lọc máu, kỹ thuật viên. 

Bị cáo Dương cũng cho hay, con người và cơ sở vật chất phải dựa vào quy định của đơn vị chuyển giao công nghệ. Còn công việc của từng con người trong đơn nguyên thực hiện công việc như thể nào thì là do khoa bố trí.