Mọi lời nói chỉ là lý thuyết nếu không được trực tiếp trải qua, tận mắt nhìn thấy và cảm nhận, vì vậy các giảng viên của trường đại học này đã áp dụng đúng chủ trương “học là phải đi đôi với hành”, muốn biết chết sẽ như thế nào, thử thì biết thôi!
Trong khoảng 30 phút ngày 19 tháng 9 mới đây, tại tiền sảnh giảng đường chính thuộc trường Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), một trong những trường đại học công lập lớn nhất của Singapore bất ngờ xuất hiện những thi thể người chết được trùm khăn tang màu trắng nằm ngay ngắn xếp theo hàng khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Những thi thể nằm bất động trên sàn, không khí ảm đạm kết hợp cùng những giai điệu nhạc u buồn thường thấy trong các đám tang.
Thực tế, không có vụ tai nạn nghiệm trọng hay giết người hàng loạt nào vừa xảy ra cả mà đó chỉ là một bài thực hành vô cùng độc đáo của 38 sinh viên ngôi trường này. Đó là bài thực hành về cái chết.
Theo tờ The Nanyang Chronicle, một tờ báo của trường, cảnh tượng này mô phỏng một tang lễ có chủ đề “hôm nay tôi chết” như một phần của khóa học tâm lý được gọi là ” Bước nhảy cuối cùng: Các khía cạnh tâm lý-xã hội-văn hóa đối với cái chết, sự hấp hối và mất người thân”.
Khóa học này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015, bởi Tiến sĩ Andy Ho, một trợ lý giáo sư tại Khoa Tâm lý học. Đối với ông, mục đích của khóa học này là nhằm giúp sinh viên bắt đầu một “cuộc trò chuyện quan trọng” về chủ đề cái chết với gia đình của họ và giúp “hỗ trợ cho những người phải đối mặt với nỗi đau mất người người thân”.
Tờ The Straits Times trích dẫn lời của Tiến sĩ Ho: “Cái chết vẫn còn rất nhiều điều cấm kỵ. Người ta thường né tránh và sợ hãi khi nói về cái chết vì những lối suy nghĩ mê tín dị đoan bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm”.
Cũng theo The Nanyang Chronicle, tang lễ giả này là cơ hội để các sinh viên “nhập vai”, cho phép sinh viên được trải nghiệm về cái chết, điều mà họ rất khó có thể hình dung được nếu chỉ bằng những lời giảng giải trên lớp. Trước khi giả chết, các sinh viên đã phải viết ra những bài điếu riêng của họ, thậm chí còn viết bia mộ có ngày, tháng, năm sinh đầy đủ.
Và sau đó, trong đám tang của chính mình, họ sẽ nghe người thân của mình đọc điếu văn và cảm nhận sau đó ghi lại cảm xúc và suy nghĩ cũng như quan điểm của mình về cái chết.
Anh Shaykie, một sinh viên cao học 33 tuổi, cũng tham gia vào đám tang giả này. Anh đã nhờ vợ mình đến tham dự và đọc điếu văn. Anh kể: “Tôi và vợ đã ở bên nhau được 9 năm và có 2 năm làm vợ chồng. Khi cô ấy đọc điếu văn, cô ấy đã xúc động đến nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi ướt cả tờ giấy. Tôi không ngại ngùng khi nói về cái chết. Giây phút đó tôi nhận ra rằng khi đã chung sống cùng nhau thì hãy cố gắng thấu hiểu nhau. Chúng ta không thể biết trước được một ngày nào đó chúng ta sẽ ra đi vĩnh viễn vì vậy tôi sẽ trân trọng những phút giây được ở bên vợ và gia đình thân yêu của mình”.
(Nguồn: mothership, chinapress)